Bài viết

Quy tắc 6 chiếc lọ là gì? - Phương pháp quản lý tài chính thông minh cho bạn

08/03/2023 dot 10 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Quy tắc 6 chiếc lọ được phân chia theo công thức: Chi tiêu cần thiết 55% - Tiết kiệm lâu dài 10% - Giáo dục 10% - Hưởng thụ 10% - Tự do tài chính 10% - Chia sẻ 5%

Vạn vật trên trái đất đều có vòng đời, tiền bạc cũng vậy. Không có phương pháp quản lý tài chính đúng đắn sẽ đưa dòng tiền của bạn vào vòng xoáy vô tận dẫn đến việc không làm chủ được tiền bạc. Bạn sẽ dễ mắc kẹt trong chiếc bẫy tài chính vì mất phương hướng trong quản lý các dòng tiền.

Phương pháp quản lý tài chính giúp mỗi người hình thành, xây dựng và phát triển tư duy cũng như thiết lập kế hoạch lâu dài về tiền bạc. “Quy tắc 6 chiếc lọ” sẽ giúp bạn đưa ra giải pháp cũng như hướng đi đúng đắn hơn để dòng tiền của bạn luôn trong trạng thái ổn định, an toàn cho hiện tại và tương lai.

Quy tắc 6 chiếc lọ là gì?

“Quy tắc 6 chiếc lọ” là quy tắc quản lý tài chính rất nổi tiếng được giới thiệu rộng rãi đến công chúng qua cuốn sách “Bí mật tư duy triệu phú” bởi tác giả T.Harv Eker, ông đồng thời cũng là nhà diễn giả, doanh nhân tài năng được người đời công nhận.

6 chiếc lọ tương đương với 6 quỹ tài chính sử dụng cho những mục đích khác nhau cơ bản của mỗi người. Mỗi lọ được phân chia phần trăm theo thứ tự từ cao đến thấp. Nếu coi thu nhập hàng tháng của bạn là 100%, thì mỗi lọ sẽ được chia như sau:

  1. 55% - Chi tiêu cần thiết (NEC) 

  2. 10% - Tiết kiệm lâu dài (LTS)

  3. 10% - Giáo dục (EDU) 

  4. 10% - Hưởng thụ (PLY) 

  5. 10% - Tự do tài chính (FFA) 

  6.   5% - Chia sẻ (GIV) 

Dưới đây là kế hoạch chi tiết cụ thể hơn giúp bạn tham khảo về cách hoạt động của quy tắc 6 chiếc lọ

Chi tiêu cần thiết (NEC) - 55%

Những nhu cầu thuộc phạm vi thiết yếu của con người được diễn ra đều đặn mỗi ngày, mỗi tuần. Ăn uống, đi lại, vệ sinh cá nhân là yếu tố cơ bản quan trọng nhất cần được đầu tư, chi trả để đảm bảo sự lưu thông vận hành tốt cho sức khỏe và công việc.

 

 

Chính vì thế, những chi tiêu cần thiết cho bản thân chiếm tỉ lệ phần trăm lớn nhất trong 6 chiếc lọ. Có thể hiểu đơn giản, thiết lập ổn định các nhu cầu thiết yếu của bản thân sẽ tạo ra cầu nối tiếp dẫn các phần quỹ đằng sau dần trở nên vừa vặn với hạn mức đặt ra trong từng lọ.

Tiết kiệm lâu dài (LTS) - 10%

 

 

Số tiền này sẽ dành cho các mục tiêu lớn hơn, cần có sự trang bị mang tính lâu dài cho các kế hoạch trong tương lai. Thường thì những mục tiêu mà số tiền từ chiếc lọ này theo đuổi là chi phí mua nhà, mua xe, sinh em bé, du lịch nước ngoài,...hoặc những ước mơ mà người thực hiện đã ấp ủ từ lâu.

Giáo dục (EDU)  - 10%

 

 

Giáo dục là khoản đầu tư đáng giá. Bất cứ công việc gì cũng cần có nền tảng kiến thức vững vàng. Bạn có thể sử dụng quỹ này để học thêm ngoại ngữ hoặc đơn giản hơn là kỹ năng nấu ăn, học chơi nhạc cụ.... Những kiến thức bạn nhận được khi đầu tư về giáo dục sẽ trở thành cánh tay đắc lực dẫn lối bạn đi những bước đi đúng đắn, đúng hướng một cách tự tin trong mọi trải nghiệm.

Hưởng thụ (PLY) - 10%

Hãy cho bản thân được thư giãn, thoải mái một chút để có điểm có điểm tựa vững vàng hơn cho chuỗi chu kỳ quản lý tài chính tiếp theo. Tự thưởng cho bản thân cũng như việc đầu tư thêm cho bản thân về ngoại hình, thể chất,  tinh thần qua việc: sắm thêm chiếc váy xinh xắn, mua chiếc bàn phím máy tính mơ ước, chăm sóc tóc thêm suôn mượt,... 

Những điều này chính là động lực để bản thân nỗ lực cố gắng làm việc và học tập hơn nữa. Tuy vậy hãy cố gắng tính toán để những chi phí mà bạn dành ra cho việc hưởng thụ không vượt quá giới hạn đã đặt ra. 

Tự do tài chính (FFA) - 10%

Đây là giải pháp giúp bạn tăng thêm nguồn thu nhập. Quỹ tự do tài chính có thể giúp bạn đem lại nguồn thu nhập thụ động qua các khoản đầu tư sinh lời, là cách để tiền làm việc cho bạn. Giảm bớt gánh nặng về kinh tế thông qua dòng tiền này.

Chia sẻ (GIV) - 5%

Đây là chiếc lọ mang ý nghĩa vô cùng nhân văn. Việc chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh luôn là hành động cao đẹp được tôn vinh. Không chỉ thể hiện qua việc từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn mà còn qua cách giúp đỡ người thân, bạn bè, lan tỏa những điều tích cực. 

 

 

Dù vậy hãy luôn ghi nhớ câu nói “của cho không bằng cách cho”. Khi bạn chia sẻ và lan tỏa điều tốt đẹp chứng minh bạn không chỉ giàu lòng nhân ái mà còn giàu trí tuệ, kiến thức cùng kỹ năng cuộc sống.

Có thể thay đổi phần trăm giữa 6 chiếc lọ tài chính?

Nhiều người cho rằng thu nhập của họ không cho phép để áp dụng quy tắc này, một số khác cho rằng họ phải chi trả quá nhiều thứ gây khó khăn trong việc thực hiện quy tắc 6 chiếc lọ tài chính. Câu hỏi được đặt ra rằng liệu có thể thay đổi phần trăm giữa các lọ tài chính hay không?

Hãy hiểu rằng, số phần trăm trong từng lọ là những đề xuất giúp bạn bắt đầu mục tiêu để đạt được chứ không phải một quy luật hiển nhiên dứt khoát. Nếu bạn không thể theo dõi chính xác phần trăm số tiền bạn có thể thực hiện thì hãy bắt đầu với số tiền nằm trong khả năng của bạn.

Nếu bạn đang gánh một khoản nợ, hãy dùng dòng tiền tiết kiệm lâu dài để chi trả dần cho số tiền mà bạn đang thiếu. Tuy vậy hãy chi trả ở mức tối thiểu, đừng khiến việc mắc nợ trở thành một thói quen trong quá trình quản lý tài chính.

Những lưu ý để sử dụng quy tắc 6 chiếc lọ tài chính hiệu quả

Ghi chép lại số tiền chi tiêu: việc này giúp bạn đối chiếu các dòng tiền từng tháng để điều chỉnh lối chi tiêu hợp lý hơn.

Không hưởng thụ quá đà: hưởng thụ là điều cần thiết nhưng hãy phân định rõ ràng ranh giới giữa “hưởng thụ” và “phung phí” để không bị mất kiểm soát trong việc quản lý tài chính. 

Tiết kiệm trước khi chi tiêu: hãy phân bổ số tiền vào lọ “tiết kiệm lâu dài” sau đó mới chi tiêu như kế hoạch đã đặt ra.

Ứng dụng quy tắc 6 chiếc lọ vào quản lý tài chính sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu tài chính. Hy vọng rằng bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ