Bài viết

Baking Powder là gì? 4 điểm khác biệt với Baking Soda

24/07/2023 dot 10 phút đọc
Dinh Dưỡng Lời khuyên Sống Khỏe

Nếu bạn đang tìm hiểu hoặc đang học làm bánh, chắc hẳn bạn đã nghe qua Baking Powder rồi phải không nào? Đây là một nguyên liệu không thể thiếu trong các công thức làm bánh, giúp cho bánh được tròn đẹp và bông mềm.

Vậy chính xác Baking Powder là gì? Thành phần của loại bột này bao gồm những gì? Có hại không? Tất cả sẽ được AIA giải đáp trong bài viết ngay sau đây!

Baking Powder là gì?

Baking Powder, còn được gọi là Bột nở - như cái tên của nó, đây là một chất giúp gây nở thường được dùng trong chế biến thực phẩm với mục đích giúp bánh nở xốp và bông mềm.

Về thành phần, Baking Powder bao gồm: Baking soda kết hợp với tinh bột ngô cùng một lượng muối axit.

Muối Axit có trong Baking Powder có thể là một (hoặc một vài loại) trong số các chất sau:

  • Potassium hydrogen tartrate

  • Monocalcium phosphate

  • Aluminium potassium sulfate

  • Sodium acid pyrophosphate

  • Sodium aluminum sulfate

  • Sodium aluminum phosphate

Các muối axit này sẽ phản ứng với baking soda khi tiếp xúc với nước và nhiệt độ cao để tạo ra khí CO2 giúp bánh căng phồng. Tinh bột ngô có trong Baking Powder có tác dụng giúp bột tơi khô, không bị vón cục và đồng thời ngăn không cho 2 thành phần Baking soda và muối axit phản ứng với nhau trong quá trình Baking Powder được bảo quản trong bao bì.

Thành phần dinh dưỡng của Baking Powder

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 100g Baking Powder có chứa: [1]

  • Calo: 53 kcal

  • Natri: 10.600 mg

  • Kali: 20 mg

  • Canxi: 5.876 mg

  • Cacbohydrat: 28 g

  • Sắt: 11 mg

  • Chất xơ: 0,2 g

  • Magie: 27 mg

  • Canxi: 5.876 mg

  • Sắt: 11 mg.

Các loại bột nở hiện nay

Baking Powder có hai loại chính là Single acting và Double acting. Vậy chúng có gì khác nhau?

Single acting

Single acting là loại bột nở chỉ chứa một loại acid phản ứng nhanh (fast-acting). Loại này sẽ tạo ra khí carbon dioxide ngay khi tiếp xúc với nước. Do đó, khi sử dụng loại này, bạn phải nhanh chóng đem bánh vào lò nướng để khí không bay mất và bánh không xẹp lại. Loại này thường được dùng trong công nghiệp và khó tìm mua hơn loại double acting.

Double acting

Double acting là loại bột nở có chứa cả hai loại acid phản ứng nhanh và acid phản ứng chậm. Loại này sẽ tạo ra khí carbon dioxide hai lần: một lần khi tiếp xúc với nước và một lần khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong lò nướng. Loại này thường được dùng cho làm bánh vì giúp bánh nở đều và giữ được độ xốp lâu hơn.

Loại bột nở Double acting khá phổ biến và dễ tìm mua trên thị trường hơn so với Single Acting.

Baking Powder và baking soda khác nhau thế nào?

Baking Powder và baking soda đều là các chất gây nở cho bánh, nhưng có những điểm khác biệt quan trọng sau:

  1. Về thành phần: Baking Soda có một thành phần duy nhất là muối Natri bicarbonate. Baking Powder là hỗn hợp của cả baking soda và acid.

  2. Số lần phản ứng: Baking Powder có thể phản ứng hai lần để tạo khí carbon dioxide, còn baking soda chỉ phản ứng một lần ngay từ khi nhào bột. Do đó, sau khi thêm Baking Soda vào hỗn hợp bột bánh, bạn cần nướng ngay để tránh tình trạng bánh bị xẹp và không nở được.

  3. Mục đích chế biến: Baking Powder thường được dùng cho các công thức bánh không có axit. Baking soda thường được dùng cho các công thức bánh có chứa axit.

  4. Mùi vị: Baking Powder có vị đắng rất nhẹ, còn baking soda có mùi vị mặn và kiềm đặc trưng. Nếu so sánh giữa hai loại, Baking Powder có mùi vị không đáng kể khi đặt cạnh với Baking soda.

Baking Powder (bột nở) có hại không?

Baking Powder là một nguyên liệu an toàn và được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh do dùng quá nhiều bột nở. Tác dụng phụ của việc lạm dụng bột nở bao gồm:

  • Khát nước

  • Đau bụng

  • Buồn nôn

  • Nôn mửa

  • Tiêu chảy.

Do đó, để tránh việc lạm dụng bột nở, bạn nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn về liều lượng dùng Baking Powder trên bao bì của nhà sản xuất.

Nếu bạn thấy một người có dấu hiệu ngộ độc do dùng quá liều lượng bột nở, hãy đưa họ đi khám ngay lập tức để kịp thời xử trí, điều trị..

Lưu ý: Bột nở có hàm lượng natri cao. Cụ thể, chỉ trong một muỗng cà phê bột Baking Powder, chúng đã chiếm hơn 10% nhu cầu Natri hàng ngày của cơ thể. Vì thế, nếu bạn bị huyết áp cao, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng bột nở.

Cách sử dụng và bảo quản bột nở

Để sử dụng và bảo quản bột nở hiệu quả và đúng cách, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau đây:

Kiểm tra bột nở chất lượng

Trước khi sử dụng bột nở, bạn nên thử kiểm tra xem chất lượng bột nở còn tốt hay không. Một cách đơn giản để bạn có thể thử đó là khuấy một ít bột nở với 50ml nước sôi và quan sát phản ứng của chúng...

Nếu bột nở còn tốt, sẽ có bọt khí nổi lên và kêu xèo xèo. Nếu bột nở không có phản ứng hoặc rất yếu, có thể là bột đã hết hạn hoặc không được bảo quản tốt. Bạn không nên sử dụng loại bột này để làm bánh vì sẽ không đạt được kết quả mong muốn.

Lưu ý khi nấu bánh với bột nở

Để nấu bánh với bột nở, bạn cần lưu ý một số điểm sau:

  1. Tuân theo đúng liều lượng bột nở trong công thức bánh. Nếu dùng quá nhiều, bánh sẽ bị bở, xẹp và có mùi khó chịu. Nếu dùng quá ít, bánh sẽ không nở đều và xốp.

  2. Trộn đều bột nở với bột mì trước khi thêm các nguyên liệu khác. Điều này giúp cho bột nở phân bố đồng nhất trong hỗn hợp và tạo ra khí carbon dioxide đều mọi phía.

  3. Không để hỗn hợp bánh quá lâu sau khi trộn với bột nở. Bạn nên đem bánh vào lò nướng ngay sau khi trộn xong để khai thác tối đa hiệu quả của bột nở. Nếu để lâu, khí carbon dioxide sẽ thoát ra và làm giảm độ phồng, xốp của bánh.

  4. Không mở lò nướng trong quá trình nướng bánh. Điều này sẽ làm giảm nhiệt độ trong lò và ảnh hưởng đến quá trình phản ứng của bột nở. Bạn chỉ nên mở lò khi đã gần hết thời gian nướng để kiểm tra độ chín của bánh.

Cách bảo quản bột nở đúng cách

Bột nở là một nguyên liệu quan trọng trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là làm bánh. Tuy nhiên, bột nở cũng rất dễ bị hỏng nếu không được bảo quản đúng cách. Để giữ cho bột nở luôn tươi và hiệu quả, bạn cần lưu ý những điều sau:

  1. Bảo quản bột nở trong hộp kín hoặc túi zip. Điều này giúp ngăn không khí và độ ẩm xâm nhập vào bột nở và làm giảm tác dụng, chất lượng của Baking Powder.

  2. Bảo quản bột nở ở nơi khô ráo, mát mẻ và tránh ánh nắng trực tiếp. Nhiệt độ cao và ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ làm cho bột nở phân hủy nhanh hơn và mất đi khả năng tạo khí carbon dioxide.

  3. Kiểm tra hạn sử dụng của bột nở trước khi mua. Tránh mua bột “cận date”, chỉ mua bột nở với số lượng vừa đủ và sử dụng hết chúng trong thời gian ngắn để đảm bảo chất lượng và an toàn khi chế biến thực phẩm.

  4. Kiểm tra chất lượng của bột nở trước khi sử dụng. Cách kiểm tra đã được AIA đề cập trong phần “Kiểm tra bột nở chất lượng”.

Bằng cách làm theo những nguyên tắc bảo quản trên, bạn có thể giữ cho bột nở luôn tốt và đảm bảo tác dụng hiệu quả cao trong làm bánh.

Baking Powder là một nguyên liệu không thể thiếu trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là làm bánh. Điều này là bởi, bột nở đóng vai trò quan trọng giúp cho bánh nở xốp và thơm ngon hơn. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết này, AIA đã giúp bạn đã hiểu rõ hơn về Baking Powder là gì, công dụng, cách sử dụng và bảo quản chúng được tốt nhất. Chúc bạn có được những mẻ bánh đầu tiên được thành công và thơm ngon nhé!

References:

[1] USDA - Leavening agents, baking powder, double-acting, sodium aluminum sulfate, 2019.

 

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ