Bài viết

Basil là gì? Khám phá chi tiết từ A - Z kiến thức về loại thảo mộc này

24/07/2023 dot 10 phút đọc
Dinh Dưỡng Lời khuyên Sống Khỏe

Basil (hay còn gọi là húng quế, húng tây) là một loại thảo mộc có mùi thơm đặc trưng và thường được sử dụng trong các món Âu như một loại rau gia vị. Basil không chỉ làm tăng hương vị cho các món ăn, mà còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như chống oxy hóa, tốt cho gan, tim mạch, chống lão hóa da,...

Trong bài viết này, AIA sẽ giúp bạn khám phá từ A - Z về Basil là gì và những công dụng tuyệt vời của chúng.

Cùng bắt đầu nhé!

Basil là gì?

Basil (hay còn gọi là húng quế, húng tây), danh pháp khoa học là Ocimum basilicum - là một loại thảo mộc, rau gia vị được sử dụng nhiều trong những món Âu, đặc biệt là các món Ý (như Salad, mì ống, pizza,...).

Basil có mùi thơm đặc trưng và có vị là sự cân bằng giữa ngọt và mặn, có đôi nét sự tương đồng với vị bạc hà, hồi và hạt tiêu. Vị đầu của loại thảo mộc này có cảm giác rất giống hạt tiêu đen, cuối cùng để lại là một chút ngọt ngào đem lại sự kích thích vị giác vô cùng độc đáo.

Tác dụng của Basil đối với sức khỏe

Nghiên cứu sâu trong thành phần, Basil chứa hàm lượng lớn Canxi, vitamin K cùng một loạt các chất chống oxy hóa đáng chú ý như: Eugenol, Limoene, Anthocyanins và Beta carotene. Đây đều là những chất đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, cụ thể như sau:

Hỗ trợ chống oxy hóa

Như đã đề cập ở trên, Basil là loại thảo mộc chứa rất nhiều chất chống oxy hoá, bao gồm: Eugenol, Limoene, Anthocyanins và Beta carotene,…

Những chất này vô cùng cần thiết để chống lại các gốc tự do - vốn là nguyên nhân gây ra Stress Oxy hóa, dẫn đến tổn thương tế bào. Theo nghiên cứu của Alugoju Phaniendra và cộng sự, các gốc tự do và Stress Oxy hóa có liên quan đến các bệnh mạn tính nguy hiểm như: Ung thư, tim mạch, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường,… (1)

Hỗ trợ điều trị gan

Một nghiên cứu năm 2015 trên chuột của nhóm nhà khoa học Yuvaraj Ponnusam và cộng sự cho thấy, chất chống oxy hóa trong một loại bột chiết xuất từ basil, có tác dụng đáng kể đối với sức khỏe gan và khả năng giải độc của gan. Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học đã sử dụng một chất độc gây tổn thương gan cho những con chuột thí nghiệm này, sau đó dùng bột basil để điều trị cho chúng. (2)

Tốt cho tim mạch

Theo một nghiên cứu được đề cập trên MedicalNewsToday - chuyên trang sức khỏe uy tín của Hoa Kỳ, 24 tình nguyện viên khỏe mạnh được chia làm 2 nhóm:

  • Nhóm 1: Uống thuốc giả dược

  • Nhóm 2: Uống viên nang chứa 300mg chiết xuất basil mỗi ngày.

Sau 4 tuần, những người uống chiết xuất basil có mức cholesterol và chất béo trung tính thấp hơn so với nhóm người uống thuốc giả dược. Dựa theo kết quả này, các nhà khoa học đã kết luận: Chiết xuất từ basil có thể giúp giảm một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người. (3)

Chống lão hóa da

Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2011 của A. Rasul và cộng sự, rau basil có một số đặc tính có thể giúp bảo vệ làn da khỏi một số tác động của quá trình lão hóa. (4)

Cụ thể, các nhà khoa học đã sử dụng chiết xuất rau basil trên các mô da trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, việc sử dụng chiết xuất basil trong kem dưỡng da có thể cải thiện độ ẩm, giảm sự thô ráp và nếp nhăn trên da.

Giảm căng thẳng, mệt mỏi

Theo nghiên cứu năm 2014 của Marc Maurice Cohen khi phân tích các giá trị y học của rau Basil, nhà khoa học này đã phát hiện ra loại thảo mộc này còn có tác dụng: (5)

  • Giảm bớt căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.

  • Tăng khả năng tư duy và giao tiếp. Ngăn ngừa mất trí nhớ do tuổi tác.

  • Cải thiện giấc ngủ và vấn đề suy giảm tình dục liên quan đến căng thẳng.

Ngoài ra, căng thẳng tinh thần có thể kích hoạt sản xuất các gốc tự do, gây Stress Oxy hóa trong cơ thể - một yếu tố dẫn đến tổn thương, sinh ra nhiều bệnh tật ảnh hưởng đến sức khoẻ. Khi sử dụng basil, thành phần của loại thảo mộc này có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp “khắc chế” những tổn hại do sự căng thẳng gây ra, giúp cơ thể luôn duy trì trạng thái khỏe mạnh.

Giảm viêm sưng

Theo nghiên cứu năm 2017 của Hailong Li và cộng sự về đặc tính chống viêm của tinh dầu Basil cho thấy, dầu húng quế có thể giúp điều trị các triệu chứng, bệnh lý sưng viêm bởi stress oxy hóa gây ra. (6)

Tuy nhiên, tài liệu trên không đề cập đến ăn basil có tác dụng tương tự như việc sử dụng tinh dầu của loại thảo mộc này hay không.

Chống nhiễm trùng

Basil đã được sử dụng một thời gian trong Y học cổ truyền như một chất kháng khuẩn. Gần đây, một số nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh hiệu quả của điều này.

Cụ thể, vào năm 2013, nghiên cứu của Monika Sienkiewicz và cộng sự về tác động của tinh dầu Basil towis các chủng E. coli khác nhau. Các loại vi khuẩn này được các nhà thu thập từ những bệnh phẩm của những người bị nhiễm trùng đường hô hấp, bụng, tiết niệu hoặc da, cũng như từ các mẫu vi khuẩn bám thiết bị máy móc trong bệnh viện. (7)

Kết quả cho thấy, tinh dầu Basil đã có tác động chống lại tất cả các chủng lâm sàng Escherichia coli, kể cả các chủng kháng thuốc. Điều này có ý nghĩa không nhỏ không chỉ trong điều trị mà còn ngăn ngừa sự lây lan của các loại vi khuẩn, virus kháng thuốc.

Một số món ăn hoàn hảo khi kết hợp với Basil

Basil là một loại rau gia vị có mùi vị rất độc đáo và rất phù hợp để chế biến cả món Âu và món Á. Dưới đây là một số gợi ý các món ăn có sử dụng Basil mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà

Cùng tìm hiểu nhé!

Dùng Basil với các đồ ăn sống, salad,…

Một cách dễ dàng nhất để thêm Basil vào thực đơn của bạn đó là dùng loại rau này để ăn sống hoặc trộn salad để làm tăng thêm hương vị cho món ăn.  Để thêm Basil vào trong những món trộn hoặc món salad, bạn chỉ cần đơn giản cho loại lá này đã được rửa sạch (có thể cắt nhỏ để dễ ăn) đem trộn đều với món ăn của bạn là đã có thể thưởng thức được rồi!

Làm sốt cà với Basil

Trong ẩm thực Ý, tất cả những loại xốt cà chua muốn được ngon thì phải có Basil. Lưu ý, bạn cần cho Basil vào thời điểm sắp nấu sốt xong và cần tắt lửa ngay. Tránh cho loại lá rau này vào ngay lúc đầu, điều này khiến Basil bị mất màu và giảm mùi vị khiến món ăn không được ngon như mong đợi.

Các bước thực hiện:

  • Bước 1: Rửa sạch cà chua và Basil. Cắt cà chua thành miếng nhỏ. Bóc tỏi và băm nhỏ.

  • Bước 2: Cho dầu ô liu vào chảo nóng. Thêm tỏi và xào cho thơm. Sau đó cho cà chua vào và xào đều.

  • Bước 3: Nêm muối, tiêu theo khẩu vị. Đun cho cà chua mềm và nước sệt lại.

  • Bước 4: Cho Basil vào và trộn đều. Tắt lửa ngay để rau không bị ngả màu và mất mùi.

Basil dùng làm nước sốt đậm vị

Một trong những cách sử dụng Basil phổ biến nhất là làm sốt Pesto, một loại xốt xanh đậm đà và giàu dinh dưỡng. Sốt Pesto là một loại sốt dân dã của Ý, được làm từ Basil, pho mát parmesan, dầu oliu, hạt thông và tỏi. Nguyên liệu được giã nhuyễn trong cối đá để tạo ra một hỗn hợp mịn và đặc.

Sốt Pesto có thể dùng để chấm bánh mì, trộn pasta, salad hay ăn kèm với các loại thịt gà, cá. Loại xốt giúp tăng thêm hương vị cho các món ăn nhạt và không cần nêm nếm thêm bất cứ gia vị gì khác.

Để làm sốt Pesto tại nhà, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

  • 2 tách lá Basil tươi

  • 1/4 tách pho mát parmesan bào nhuyễn

  • 1/4 tách dầu oliu

  • 2 muỗng canh hạt thông

  • 2 tép tỏi băm nhỏ

  • Muối và tiêu vừa đủ

Cách làm: Cho tất cả nguyên liệu vào cối đá và giã nhuyễn cho đến khi hỗn hợp đồng nhất. Bạn có thể điều chỉnh lượng dầu oliu để sốt có độ sền sệt mong muốn. Nếu không có cối đá, bạn có thể dùng máy xay sinh tố hoặc máy xay thịt để xay nhuyễn nguyên liệu.

Bảo quản sốt Pesto trong lọ kín và để trong tủ lạnh. Sốt Pesto có thể sử dụng được trong vòng 1 tuần.

Lưu ý và cách bảo quản húng quế trong nấu ăn

Basil là một loại thảo mộc dễ bị hư hỏng nếu không được bảo quản đúng cách. Bạn nên lưu ý những điều sau đây khi sử dụng và bảo quản basil:

  • Chọn những lá basil tươi ngon, không có vết thâm hay héo. Nếu mua basil khô, chọn những gói có màu xanh lá cây sáng và không có mùi khác lẫn vào.

  • Rửa sạch lá basil trước khi sử dụng và lau khô bằng giấy ăn hoặc vải sạch. Không nên ngâm lá basil trong nước quá lâu vì sẽ làm mất mùi thơm và chất dinh dưỡng.

  • Cắt nhỏ lá basil bằng dao sắc hoặc kéo. Không nên xé tay vì sẽ làm nát rau và bay mất tinh dầu có trong lá.

  • Thêm basil vào món ăn khi vừa nấu xong hoặc trang trí trên đĩa để giữ được hương vị tươi ngon nhất. Không nên nấu basil quá lâu vì sẽ làm bay hơi tinh dầu và làm mất màu xanh của lá.

  • Bảo quản basil tươi trong tủ lạnh bằng cách gói lại bằng giấy ăn ẩm hoặc đặt trong một túi nilon hoặc hộp kín. Nếu cần bảo quản lâu hơn nữa, bạn nên để húng quế được bọc kín trong ngăn đá. Không nên để basil tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc nhiệt độ cao.

Basil là một loại rau không chỉ làm tăng hương vị cho các món ăn, mà còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như chống oxy hóa, điều trị gan, tốt cho tim mạch, chống lão hóa da,.... Loại rau này có thể kết hợp với nhiều món ăn khác nhau để bạn có thể đa dạng thực đơn cho bản thân và gia đình mình. Hy vọng rằng, bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc: Basil là gì? và những thông tin hữu ích liên quan về basil. Chúc bạn sẽ làm ra nhiều món ăn ngon miệng từ loại rau tuyệt vời này.

References:

  1. Alugoju Phaniendra, Dinesh Babu Jestadi, Latha Periyasamy - Free Radicals: Properties, Sources, Targets, and Their Implication in Various Diseases, 2014

  2. Yuvaraj Ponnusam, Therasilin Louis, V Madhavachandran, Suresh Kumar, Neelam Thoprani, Michael R Hamblin, and Shanmugamurthy Lakshmanan - Antioxidant Activity of The Ancient Herb, Holy Basil in CCl4-Induced Liver Injury in Rats, 2015

  3. MedicalNewsToday - Health benefits of basil, 2019

  4. A. Rasul, N. Akhtar - Formulation and in vivo evaluation for anti-aging effects of an emulsion containing basil extract using non- invasive biophysical techniques, 2011

  5. Marc Maurice Cohen - Tulsi - Ocimum sanctum: A herb for all reasons, 2014

  6. Hailong Li, Yanhui Ge, Zhimin Luo, Yulan Zhou, Xuguang Zhang, Junqing Zhang, Qiang Fu - Evaluation of the chemical composition, antioxidant and anti-inflammatory activities of distillate and residue fractions of sweet basil essential oil, 2017

  7. Monika Sienkiewicz, Monika Łysakowska, Marta Pastuszka, Wojciech Bienias, Edward Kowalczyk - The Potential of Use Basil and Rosemary Essential Oils as Effective Antibacterial Agents, 2013

 

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ