Bài viết

Khám phá tác dụng cây trinh nữ hoàng cung - Thần dược quý giá thời xưa

04/11/2023 dot 4 phút đọc
Dinh Dưỡng Lời khuyên Sống Khỏe

Từ thời xưa, cây trinh nữ hoàng cung đã được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian để điều trị nhiều bệnh. Vậy cụ thể cây trinh nữ hoàng cung có tác dụng gì? Các bài thuốc từ cây trinh nữ hoàng cung và cách sử dụng như thế nào để hiệu quả? Hãy cùng AIA tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

Tìm hiểu cây trinh nữ hoàng cung

Trinh nữ hoàng cung có tên khoa học là Crinum latifolium L., thuộc họ Thủy tiên (Amaryllidaceae) [1]. Tên gọi trinh nữ hoàng cung bắt nguồn từ thời phong kiến vì loài cây này được sử dụng để chữa bệnh cho các cung nữ còn trinh tiết trong cung điện. Nó còn được gọi với một số cái tên khác như: Tỏi lơi lá rộng, tỏi Thái Lan, náng lá rộng. 

Cây trinh nữ hoàng cung

Dưới đây là chi tiết về đặc điểm, phân bố và thành phần dinh dưỡng của cây trinh nữ hoàng cung:

Đặc điểm

Cây trinh nữ hoàng cung có những đặc điểm sau [2]:

  • Thân có hình giống củ hành tây, các bẹ lá úp vào nhau tạo thành một thân giả cao từ 10 - 15cm. Phần thân có thể mọc ra nhiều củ con và các củ có thể được tách ra và trồng, phát triển thành một cây mới.

  • Lá có chiều dài từ 80cm - 100cm, mỏng, hai bên lá lượn sóng. Gân lá song song, phần bẹ lá sát mặt đất có màu tím. Mặt trên của lá lõm xuống tạo thành rãnh, mặt dưới có một sống lá lộ rõ.

  • Hoa có màu trắng, pha chút tím đỏ, mọc thành tán gồm 6 - 18 hoa từ một cán hoa dài từ 30 - 60cm. Trinh nữ hoàng cung thường ra hoa vào tháng 8 - tháng 9.

Cây ưa sáng, ưa ẩm và sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới, nhiệt độ từ 22 - 27 độ C. Cây cũng có thể sinh trưởng dưới bóng râm một phần.

Phân bố

Cây trinh nữ hoàng cung thường được trồng nhiều ở các nước Nam Á, Đông Nam Á. Nó có nguồn gốc tại Ấn Độ và được trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Lào …

Tại Việt Nam, nó được trồng nhiều ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh miền trong. Hiện nay thì cây cũng đã được trồng thêm ở nhiều tỉnh miền Bắc.

Thành phần dinh dưỡng

Thành phần trinh nữ hoàng cung [3] có những chất sau:

  • Phần thân và rễ cây có chứa glucan A, glucan B, crinafolidine và một số chất khác.

  • Phần lá có chứa alkaloid Latifine, Cherilline, 3-o-acetalamine, crinomine và crinine.

  • Chứa tới 11 loại axit amin như phenylalanine, 1-leucine, dl-valine, arginine monohydrochloride …

Các thành phần này giúp cây trinh nữ hoàng cung có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau.

Cây trinh nữ hoàng cung có tác dụng gì?

Điều trị suy giảm miễn dịch

Tác dụng của cây trinh nữ hoàng cung

Trinh nữ hoàng cung có tác dụng kích hoạt tế bào lympho T sinh sản nhiều hơn. Đây là tế bào quan trọng trong điều trị suy giảm miễn dịch và chống lại các tế bào ung thư.

Chống virus

Củ trinh nữ hoàng cung có lectin amaryllidaceae, liên kết với mannose một lá mầm. Chất này có tiềm năng kháng virus đáng kể và không gây độc tính cho thận.

Tác dụng ức chế khối u

Các loại alkaloid như lycorine, pseudolycorine, hippadine … có tác dụng ngăn cản sự tổng hợp của các protein, qua đó giúp ức chế sự phát triển của các khối u và ngăn chặn nguy cơ di căn của chúng.

Nhờ tác dụng ức chế khối u mà trinh nữ hoàng cung được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý ở nữ giới như u nang buồng trứng, u xơ tử cung … hiệu quả.

Tác dụng chống oxy hóa

Chiết xuất của cây trinh nữ hoàng cung còn có tác dụng chống oxy hóa. Nó có khả năng hấp thu các gốc oxy hóa rất hiệu quả.

Giúp bảo vệ tế bào thần kinh

Chiết xuất của cây trinh nữ hoàng cung có tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi các chất gây hại cho hệ thần kinh như Trimethyltin. Nó còn có tác dụng kích thích sự phát triển của các tế bào thần kinh và ngăn chặn sự lão hóa của chúng.

Giảm đau và chống viêm

Các hoạt chất như alkaloid, crinamidin, lycorin … trong trinh nữ hoàng cung có tác dụng chống viêm, hỗ trợ điều trị các triệu chứng viêm như viêm họng, viêm phế quản, viêm loét dạ dày … Bên cạnh đó, loại cây này cũng giúp giảm đau, sưng tấy hiệu quả.

Cây trinh nữ hoàng cung chữa bệnh gì?

Cây trinh nữ hoàng cung có thể chữa cách bệnh:

  • Đau khớp, tụ máu bầm.

  • Viêm loét dạ dày.

  • U xơ tử cung, chảy máu âm đạo, rong kinh, đau bụng dưới.

  • Ung thư vú, đại tràng, cổ tử cung.

Một số bài thuốc từ cây trinh nữ hoàng cung

Một số bài thuốc từ cây trinh nữ hoàng cung

Dưới đây làm một số bài thuốc từ cây trinh nữ hoàng cung bạn có thể tham khảo:

Bài thuốc trị đau khớp, tụ máu bầm

Bạn sử dụng lá hoặc phần thân để làm bài thuốc trị đau khớp, tụ máu bầm. Bạn hái lấy lá rồi rửa sạch, đem giã nát, nếu dùng phần thân thì trước khi giã đem nướng nóng lên. Sau đó bạn tiến hành đắp bên ngoài phần khớp bị đau, vị trí tụ máu bầm từ 2 - 3 lần một ngày. Đắp liên tục trong vài ngày sẽ thấy tình trạng thuyên giảm.

Bạn cũng có thể sử dụng bài thuốc dân gian là củ trinh nữ hoàng cung, huyết giác, lá cối xay, dây đau xương mỗi loại 20g cùng 6g quốc lão. Sau đó đem sắc nước uống mỗi ngày một thang.

Bài thuốc chữa viêm loét dạ dày

Bạn ép phần củ của cây trinh nữ hoàng cung, sau đó lấy phần nước để uống giúp chữa viêm loét dạ dày.

Cách khác là bạn sử dụng 3 lá tươi, rửa sạch, cắt khúc ngắn rồi đem sắc lấy nước uống thành 3 lần sau mỗi bữa ăn chính trong ngày. Hoặc bạn sử dụng 200g lá khô sắc nước uống tương tự như cách dùng lá tươi. Bạn sẽ uống từ 20 - 25 ngày rồi nghỉ khoảng 10 ngày.

Bài thuốc chữa u xơ tử cung, chảy máu âm đạo, rong kinh, đau bụng dưới

Bạn sử dụng từ 3 - 5 lá, đem thái nhỏ, sao vàng rồi sắc lấy nước uống [4]. Bạn duy trì uống đều đặn mỗi ngày trong một tuần, sau đó nghỉ một tuần rồi tiếp tục sử dụng. Bạn uống 3 tuần sẽ cải thiện được tình trạng bệnh.

Bạn cũng có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian dưới đây:

  • Sắc lấy nước hỗn hợp 20g lá trinh nữ hoàng cung, 20g thảo khô, 6g hương tử tử, 8g hoàng cầm và 12g rễ cỏ xước, rồi chia thành 3 phần bằng nhau uống trong ngày.

  • Sắc lấy nước hỗn hợp 20g mỗi loại lá trinh nữ hoàng cung, lá sen, dứa dại, ngải cứu tươi, 12g ích mẫu, và 6g hương tư tử.

  • Hương tư tử 6g, lá sao đen 12g, lá trinh nữ hoàng cung 20g đem sắc uống mỗi ngày một thang.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư vú, đại tràng, cổ tử cung

Để hỗ trợ điều trị ung thư vú, đại tràng, cổ tử cung, bạn lấy hỗn hợp 20g lá trinh nữ hoàng cung, 20g nga truật, 50g lá đu đủ khô, 10g xuyên điền thất sau đó đem sắc và chia thành 3 phần uống sau các bữa ăn chính trong ngày.

Những lưu ý khi sử dụng cây trinh nữ hoàng cung

Những lưu ý khi sử dụng cây trinh nữ hoàng cung

Tuy tác dụng của cây trinh nữ hoàng cung là rất tốt cho sức khỏe, nhưng bạn cũng cần phải biết cách sử dụng để có hiệu quả cao nhất. Khi sử dụng, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Hạn chế ăn rau muống, đậu xanh khi đang dùng trinh nữ hoàng cung vì có thể gây ra nôn mửa, ngộ độc.

  • Phụ nữ mang thai hoặc người bị suy giảm chức năng gan thận không nên dùng trinh nữ hoàng cung để tránh ảnh hưởng đến thai nhi và làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.

  • Không nên tự ý sử dụng trinh nữ hoàng cung để điều trị bệnh. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách dùng, liều lượng để có hiệu quả tốt nhất.

  • Bạn không nên sử dụng cùng các thuốc khác khi chưa được bác sĩ cho phép để tránh gây ra tình trạng tương tác thuốc, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và hiệu quả điều trị.

  • Trinh nữ hoàng cung có đặc điểm, hình dáng khá giống với cây lan huệ và cây náng hoa trắng. Nhiều người không phân biệt được và sử dụng nhầm dẫn đến bị nôn mửa, ngộ độc, thậm chí là xuất huyết ngoài da, … Cây lan huệ có phần lá dày hơn, không có gợn sóng ở hai bên mép lá, phần thân cũng cao hơn cây trinh nữ hoàng cung. Cây náng hoa trắng thì có phần thân thuôn dài chứ không tròn như cây trinh nữ hoàng cung. Phần lá cũng dày và xanh đậm hơn.

Kết luận: Qua bài viết “Khám phá tác dụng cây trinh nữ hoàng cung - Thần dược quý giá thời xưa”, AIA đã giải đáp câu hỏi cây trinh nữ hoàng cung có tác dụng gì. Cây trinh nữ hoàng cung là một loại thảo dược quý giá, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải biết cách sử dụng cây trinh nữ hoàng cung đúng cách và an toàn để đạt được hiệu quả mong muốn và tránh những tác hại không đáng có. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay vấn đề gì về cây trinh nữ hoàng cung, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn kỹ lưỡng. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

 

Nguồn tham khảo:

[1] Sudarshan: Crinum latifolium, Uses, Research, Medicine, easyayurveda

[2] Bác sĩ Phạm Thị Linh, Cây trinh nữ hoàng cung và những công dụng tuyệt vời, youmed, 2021

[3] BSCKI. Vũ Thanh Tuấn, TRINH NỮ HOÀNG CUNG - VỊ THUỐC QUÝ TRONG NGÀNH DƯỢC LIỆU ÍT AI BIẾT TỚI, medlatec, 2022

[4] Ngọc Anh, Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh, Trinh nữ hoàng cung có tác dụng gì mà phụ nữ nào cũng có thể cần đến?, hellobacsi, 2023

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ