Bài viết

5 loại rối loạn ăn uống phổ biến kèm triệu chứng chi tiết

05/11/2023 dot 3 phút đọc
Dinh Dưỡng Lời khuyên Sống Khỏe

Rối loạn ăn uống là các tình trạng liên quan đến hành vi ăn uống bất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý của người bệnh. Rối loạn ăn uống có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường, các bệnh tim mạch ... Trong bài viết dưới đây, bạn sẽ được giới thiệu về 5 loại rối loạn ăn uống phổ biến kèm triệu chứng chi tiết và một số cách để hạn chế nguy cơ mắc rối loạn ăn uống. Cùng khám phá ngay nhé!

Rối loạn ăn uống là gì?

Rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống là một nhóm các tình trạng gây ra thói quen ăn uống không lành mạnh và có thể ám ảnh thức ăn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng rối loạn ăn uống có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.

Mặc dù rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi giới tính ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, nhưng chúng ngày càng phổ biến ở nam giới và những người không theo chuẩn giới tính[1,2].

Dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống

Nếu ăn quá nhiều thì đây có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống

Các loại rối loạn ăn uống khác nhau sẽ có những dấu hiệu riêng nhưng thường liên quan đến các vấn đề về thức ăn và ăn uống, một số khác thì liên quan đến cân nặng. Một số dấu hiệu chung dễ nhận biết của chứng rối loạn ăn uống bao gồm:

  • Cân nặng thay đổi một cách đột ngột.

  • Ăn quá nhiều hoặc quá ít, và ăn một cách “bí mật” không ăn trước đám đông.

  • Quan tâm quá mức về cân nặng, các thành phần thức ăn, lượng calo, chất béo hoặc chế độ ăn kiêng.

  • Phủ nhận cảm giác đói, tìm cách tránh bữa ăn, tránh ăn cùng người khác hoặc giới hạn các loại thực phẩm.

  • Đau bụng và các triệu chứng khác liên quan đến tiêu hóa.

  • Thường xuyên chóng mặt, mất ngủ.

  • Các đặc điểm thể chất dễ nhận biết như móng tay khô, mỏng, rụng tóc, cơ bắp yếu và thường xuyên bị đau, vết thương lành chậm.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn ăn uống

Theo Mayo Clinic[3], Nguyên nhân của chứng rối loạn ăn uống có thể là:

  • Di truyền học: Một số người có thể có gen làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống.

  • Sinh vật học: Các yếu tố sinh học, chẳng hạn như thay đổi hóa chất trong não, có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống.

5 loại rối loạn ăn uống phổ biến kèm triệu chứng cụ thể

Dưới đây là 5 loại rối loạn ăn uống phổ biến và triệu chứng cụ thể của từng loại:

Chán ăn

Tập thể dục quá mức là một biểu hiện của chứng chán ăn

Chán ăn tâm thần (anorexia nervosa) [3] là một tình trạng mà người bệnh có một quan niệm sai lầm về cân nặng và hình dáng cơ thể của mình. Người bệnh thường cố gắng giảm cân bằng cách ăn rất ít và do đó cân nặng rất thấp so với chiều cao và tuổi nhưng vẫn cảm thấy mình béo và sợ tăng cân.

Chán ăn tâm thần có thể chia thành hai loại:

  • Loại thứ nhất là người bệnh giảm cân chủ yếu bằng cách ăn kiêng, nhịn ăn hoặc tập thể dục quá mức.

  • Loại thứ hai là người bệnh ăn quá nhiều sau đó nôn mửa hoặc sử dụng thuốc xổ.

Theo thời gian, việc nhịn ăn hay nôn mửa sẽ để lại những triệu chứng nhất định của chán ăn tâm thần. Một số triệu chứng phổ biến là:

  • Mất kinh nguyệt (ở phụ nữ).

  • Chóng mặt hoặc ngất do mất nước.

  • Móng tay, tóc yếu.

  • Không chịu được lạnh.

  • Các nhóm cơ bị suy kiệt, yếu và thường xuyên bị đau.

  • Đau thắt ngực và trào ngược (ở những người nôn mửa).

  • Táo bón nghiêm trọng, đầy bụng và ngấy sau bữa ăn.

  • Khó chịu, lo âu, khả năng tập trung kém và mệt mỏi.

Chứng cuồng ăn Bulimia

Chứng cuồng ăn Bulimia (Bulimia nervosa) [3] thường xảy ra khi người bệnh có hành vi ăn quá nhiều sau đó tìm cách giải phóng thức ăn ra khỏi cơ thể. Hành vi ăn quá nhiều được định nghĩa là ăn một lượng lớn thức ăn trong một thời gian ngắn mà không có sự kiểm soát về việc ăn uống. Hành vi ăn quá nhiều thường được thực hiện bí mật và gắn liền với cảm giác xấu hổ hoặc e ngại. 

Chứng cuồng ăn Bulimia

Hành vi ăn quá nhiều xảy ra ít nhất mỗi tuần một lần và sau đó người bệnh thường có những hành vi "cứu chữa" để ngăn chặn tăng cân. Điều này có thể bao gồm nhịn ăn, nôn mửa, lạm dụng thuốc xổ hoặc tập thể dục quá mức. Giống như chứng chán ăn tâm thần, những người mắc chứng cuồng ăn Bulimia thường suy nghĩ quá mức về thức ăn, cân nặng hoặc hình dáng cơ thể.

Người mắc chứng cuồng ăn Bulimia có thể có cân nặng hơi thấp, cân nặng bình thường, thừa cân hoặc thậm chí béo phì. Tuy nhiên, nếu họ có cân nặng quá thấp, họ sẽ được coi là mắc chứng chán ăn tâm thần dạng ăn quá nhiều/nôn mửa, không phải là chứng cuồng ăn Bulimia. Gia đình hoặc bạn bè có thể không biết rằng một người mắc chứng cuồng ăn Bulimia vì họ không có dấu hiệu gầy gò và họ thường thực hiện hành vi ăn quá nhiều một cách bí mật có thể không bị người thân thấy. Một số dấu hiệu của chứng cuồng ăn Bulimia bao gồm:

  • Thường xuyên đi vệ sinh ngay sau khi ăn.

  • Ăn một lượng lớn thực phẩm trong một khoảng thời gian ngắn mà không kiểm soát được.

  • Ăn một cách bí mật, nhanh chóng hoặc không kén chọn.

  • Lạm dụng thuốc xổ hoặc thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu hoặc có các hành vi móc họng, nôn mửa.

  • Cảm giác chóng mặt hoặc ngất do mất nước vì nôn mửa quá nhiều.

  • Có những triệu chứng thể chất như hỏng răng, mòn men răng do axit dạ dày, viêm họng, sưng tuyến nước bọt trong má, đau nóng trong ngực và trào ngược dạ dày thực quản hay tái phát tiêu chảy mà không rõ nguyên nhân.

Chứng ăn vô độ (binge - eating disorder)

Chứng ăn vô độ

Chứng ăn vô độ (binge - eating disorder) [2] tương tự như chứng cuồng ăn Bulimia, trong đó người bệnh có những cơn ăn quá nhiều, tiêu thụ một lượng lớn thức ăn trong một thời gian ngắn một cách không kiểm soát và cảm thấy khó chịu sau cơn ăn quá mức. Tuy nhiên, khác với chứng cuồng ăn Bulimia, họ không có những hành vi “cứu chữa” để loại bỏ thức ăn như nôn mửa, nhịn ăn, tập thể dục quá mức hoặc lạm dụng thuốc xổ. Người bệnh thường có cân nặng cao hơn so với chiều cao và tuổi của họ, và có thể mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp và các bệnh về tim mạch.

Người mắc chứng ăn vô độ thường có những cơn ăn quá nhiều ít nhất mỗi lần một tuần kéo dài liên tục trong ba tháng. Một số dấu hiệu để nhận biết chứng ăn vô độ là:

  • Ăn nhanh hơn bình thường và ăn một lượng lớn thức ăn ngay cả khi không đói.

  • Ăn đến mức cảm thấy không thoải mái.

  • Ăn một mình vì cảm thấy xấu hổ vì ăn quá nhiều.

  • Cảm thấy “tội lỗi” và có phần chán ghét bản thân sau mỗi cơn ăn quá mức.

  • Không có những hành vi “cứu chữa” sau khi ăn vô độ.

  • Có những triệu chứng thể chất như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, hoặc các bệnh tim mạch.

Rối loạn né tránh/hạn chế tiếp nhận thức ăn (ARFID)

Rối loạn né tránh/hạn chế tiếp nhận thức ăn (ARFID) là một rối loạn ăn uống liên quan đến sự rối loạn trong việc tiếp nhận thức ăn và cố gắng tránh, hạn chế một danh sách thức ăn nào đó. Điều này dẫn đến việc người bệnh thường có cân nặng rất thấp hoặc suy dinh dưỡng do không có đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Việc né tránh/hạn chế thức ăn có thể do một hoặc nhiều yếu tố sau:

  • Không có cảm giác thèm ăn và không quan tâm đến việc ăn uống hoặc thức ăn.

  • Ghét hình dạng, màu sắc, mùi của một số món ăn.

  • Lo lắng hoặc quan ngại về hậu quả của việc ăn uống, chẳng hạn như sợ nghẹn, buồn nôn, táo bón, phản ứng dị ứng, … đặc biệt sau một sự kiện tiêu cực như bị nghẹn hoặc ngộ độc thực phẩm người bệnh sẽ ngày càng tránh nhiều loại thực phẩm.

Một số dấu hiệu giúp nhận biết ARFID là:

  • Cân nặng rất thấp và có dấu hiệu suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu vitamin, suy giảm miễn dịch hoặc tăng trưởng chậm.

  • Hạn chế việc ăn cùng người khác và tránh né việc đi du lịch chung.

  • Không có quan tâm quá mức về cân nặng hay hình dáng cơ thể dù có nhiều người nhận xét rằng cân nặng quá thấp.

  • Không hay thay đổi món ăn và chỉ ăn một số món nhất định mỗi ngày.

Hội chứng ăn bậy Pica

Người bệnh ăn những thứ không phải là thức ăn

Hội chứng ăn bậy Pica là một rối loạn ăn uống trong đó người bệnh lặp đi lặp lại việc ăn những vật không phải là thức ăn và không có giá trị dinh dưỡng. Các chất thường được ăn tùy thuộc vào độ tuổi và sự có sẵn như giấy, xà phòng, vải, tóc, dây, phấn, kim loại, sỏi, than củi, hoặc đất sét. Những vật liệu này có thể gây ra các tổn thương cho dạ dày, ruột, răng hoặc nhiễm trùng.

Hội chứng ăn bậy Pica có thể xuất hiện lần đầu trong thời thơ ấu, tuổi dậy thì hoặc người trưởng thành, mặc dù xuất hiện trong thời thơ ấu là phổ biến nhất. Một lưu ý là bạn không chẩn đoán Pica cho trẻ dưới 2 tuổi bởi đặt những vật nhỏ vào miệng là một phần bình thường của sự phát triển cho trẻ em dưới 2 tuổi. Hội chứng này thường xuất hiện song song với rối loạn tự kỷ và tình trạng khuyết tật trí tuệ, nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em phát triển bình thường.

Một số triệu chứng của hội chứng ăn bậy Pica là:

  • Ăn các vật liệu phi thực phẩm nhiều lần và kéo dài ít nhất một tháng.

  • Ăn các vật liệu phi thực phẩm không phù hợp với giai đoạn phát triển và cũng không thuộc vào văn hóa hay tôn giáo nơi sinh sống.

  • Có các vấn đề về tâm lý, xã hội.

  • Có những tổn thương cho dạ dày, ruột, răng hoặc nhiễm trùng.

Làm thế nào để hạn chế nguy cơ?

Có một chế độ ăn uống lành mạnh

Cách tốt nhất để không bị rối loạn ăn uống đó là ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Để làm điều đó, bạn cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất nhiều hơn và không sử dụng thực phẩm chức năng.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Bạn nên ăn đủ ba bữa chính mỗi ngày và ăn đa dạng các loại thực phẩm từ các nhóm ngũ cốc, rau quả, đạm, chất béo và sữa. Bạn nên hạn chế các chất kích thích cho hại như rượu, bia, thuốc lá … Nếu bạn cần giảm cân, bạn không được giảm cân bằng cách nhịn ăn mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Dành thời gian hoạt động thể chất

Mỗi tuần bạn nên dành ít nhất 150 phút cho các hoạt động thể chất như đi bộ, tập aerobic, bơi … Bạn có thể ưu tiên những môn thể chất mình yêu thích và hoạt động chung cùng người thân, bạn bè để tạo thêm niềm vui và không thấy chán nản khi luyện tập.

Không sử dụng thực phẩm chức năng

Bạn nên tránh sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc nhổ, thuốc giảm cân hoặc các sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe và không giải quyết được vấn đề gốc rễ của rối loạn ăn uống.

Kết luận:

Qua bài viết “5 loại rối loạn ăn uống phổ biến kèm triệu chứng chi tiết”, bạn đọc đã hiểu rõ về chứng rối loạn ăn uống, các loại rối loạn ăn uống và dấu hiệu triệu chứng của từng loại. Bạn nên ngăn chặn các nguy cơ trước khi rối loạn ăn uống xảy ra. Bạn cần có chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất nhiều hơn và không được sử dụng các thực phẩm chức năng. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

 

Nguồn tam khảo:

[1] EATING DISORDERS IN LGBTQ+ POPULATIONS, nationaleatingdisorders

[2] EATING DISORDERS IN MEN & BOYS, nationaleatingdisorders

[3] Eating disorders, mayoclinic

[4] Adrienne Seitz, Alina Petre, 6 Common Types of Eating Disorders (and Their Symptoms), healthline, 2022

[5] What are Eating Disorders?, psychiatry

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ