Bài viết

Nomophobia là gì? Hiểu về nỗi sợ không có điện thoại di động

22/03/2025 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, điện thoại di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào điện thoại có thể dẫn đến một hội chứng được gọi là Nomophobia. Vậy Nomophobia là gì? AIA Việt Nam sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh tình trạng lo âu này trong bài viết dưới đây.

1. Hội chứng sợ không có điện thoại - Nomophobia là gì?

Theo từ điển Oxford, Nomophobia là một hội chứng lo âu do không thể tiếp cận được điện thoại di động hoặc các dịch vụ của nó. Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2019. 

Khi bị mất hoặc không được sử dụng điện thoại, chúng ta sẽ có cảm giác lo lắng, bất an do trong điện thoại có chứa nhiều thông tin riêng tư, tài sản cá nhân. Tuy nhiên, đối với người mắc hội chứng Nomophobia, nỗi sợ này sẽ được phóng đại hơn rất nhiều và kéo dài dai dẳng. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng hội chứng này ngày càng phổ biến và dễ mắc phải ở giới trẻ hiện nay.

Nomophobia - căn bệnh của giới trẻ hiện đại

Những người mắc hội chứng sợ không có điện thoại thường có những biểu hiện sau:

  • Cảm thấy hoảng sợ, lo lắng tột độ khi không nhìn thấy điện thoại hoặc khi điện thoại không hoạt động.

  • Liên tục kiểm tra điện thoại trong mọi tình huống, kể cả khi đang họp, thi cử hoặc ở những nơi cấm sử dụng điện thoại.

  • Trải qua các triệu chứng thể chất như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, khó thở, thở gấp, chóng mặt, choáng váng và tức ngực.

Những trạng thái tâm lý này dẫn đến việc người bệnh luôn mang theo điện thoại bên mình, kể cả khi ngủ, đi vệ sinh, ăn uống và tắm rửa. Họ dành phần lớn thời gian để sử dụng điện thoại và không thể tập trung vào bất cứ việc gì nếu không có điện thoại bên cạnh.

2. Nguyên nhân gây nên hội chứng Nomophobia?

Khi đã hiểu rõ Nomophobia là gì, việc xác định nguyên nhân gây nên hội chứng này là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giúp nhận diện được những tác nhân gây lo âu mà còn tạo điều kiện để tìm ra các giải pháp giảm thiểu tác động của nó. 

  • Nỗi sợ bị lãng quên: Trong xã hội hiện đại, điện thoại di động là công cụ không thể thiếu để duy trì liên lạc và cập nhật thông tin. Nhiều người đã dành phần lớn thời gian trên mạng xã hội để kết nối, trò chuyện và xây dựng các mối quan hệ ảo. Sự vắng mặt của điện thoại thông minh tạo ra một rào cản lớn, khiến họ cảm thấy bị cô lập và dễ bị lãng quên.

  • Sự lệ thuộc vào công nghệ: Điện thoại di động không chỉ là một phương tiện liên lạc, mà còn là một thiết bị đa chức năng, cung cấp nhiều tiện ích cho giải trí, học tập và làm việc. Sự phụ thuộc này khiến nhiều người cảm thấy bất an và lo lắng khi không có điện thoại bên cạnh.

  • Những tổn thương tâm lý liên quan đến điện thoại: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc Nomophobia có thể đã trải qua những sự kiện đau buồn liên quan đến điện thoại. Ví dụ, họ cần gọi xe cứu thương do xảy ra va chạm nhưng lại không mang điện thoại hoặc bị hết pin.

Người mắc Nomophobia không thể bỏ điện thoại xuống vì sợ bị lãng quên

3. Dấu hiệu của Nomophobia?

Hội chứng Nomophobia hiện chưa được đưa vào danh mục chính thức trong phiên bản mới nhất của Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5). Các chuyên gia sức khỏe tâm thần vẫn chưa thống nhất về các tiêu chí cụ thể để chẩn đoán tình trạng này.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều công nhận rằng Nomophobia có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý. Một số người thậm chí cho rằng hội chứng này có thể là dấu hiệu của sự lệ thuộc hoặc nghiện điện thoại.

Chứng ám ảnh sợ hãi (phobia) là một loại rối loạn lo âu, gây ra phản ứng sợ hãi mạnh mẽ khi nghĩ đến đối tượng mà người bệnh lo sợ. Những lo lắng này thường đi kèm với các triệu chứng cảm xúc và thể chất rõ rệt.

Các dấu hiệu của Nomophobia

Dấu hiệu về cảm xúc:

  • Lo âu, sợ hãi hoặc hoảng loạn khi nghĩ về việc không có điện thoại hoặc không thể sử dụng điện thoại.

  • Cảm giác bồn chồn, kích động khi phải rời xa điện thoại hoặc khi biết rằng mình sẽ không thể sử dụng điện thoại trong một thời gian.

  • Hoảng loạn hoặc lo lắng khi không thể tìm thấy điện thoại ngay lập tức.

  • Cảm giác căng thẳng, khó chịu khi không thể kiểm tra điện thoại.

Dấu hiệu về thể chất:

  • Cảm giác tức ngực hoặc khó thở.

  • Run rẩy, cơ thể không ổn định.

  • Tăng tiết mồ hôi.

  • Cảm giác chóng mặt hoặc mất phương hướng.

  • Tim đập nhanh.

Nếu bạn mắc phải Nomophobia hoặc bất kỳ chứng ám ảnh sợ hãi nào, bạn có thể nhận thấy rằng nỗi sợ của mình là quá mức phi lý. Mặc dù bạn nhận thức được điều đó, nhưng bạn khó có thể kiểm soát hoặc đối phó với những phản ứng mà nó gây ra.

Người mắc hội chứng Nomophobia sẽ cảm thấy lo lắng, bất an khi không được tiếp xúc với điện thoại

4. Cách giúp bạn rời xa "dế yêu" hiệu quả

Hiện nay, nhiều người vẫn còn mơ hồ về hội chứng Nomophobia là gì và xem nhẹ nỗi lo lắng khi thiếu vắng điện thoại. Tuy nhiên, nếu không được nhận diện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể leo thang, gây ra những xáo trộn đáng kể trong cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị hội chứng Nomophobia bạn có thể tham khảo:

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Liệu pháp này giúp người mắc hội chứng Nomophobia củng cố hành vi tự chủ, độc lập với những người bị nghiện điện thoại. 

Liệu pháp thực tế: Trong liệu pháp này, bệnh nhân được khuyên tập trung vào các hành vi khác mà họ thấy hứng thú như: chăm sóc vườn, vẽ tranh, chơi thể thao, thay vì sử dụng điện thoại di động.

Sử dụng thuốc: Các loại thuốc như Benzodiazepines và thuốc chống trầm cảm (ở liều bình thường) đôi khi được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng ở mức độ nặng. Sự kết hợp giữa Tranylcypromine và Clonazepam có thể giúp ích rất nhiều trong việc điều trị hội chứng Nomophobia. Mặc dù các loại thuốc này được phát triển cho các rối loạn lo âu và không phải để điều trị trực tiếp hội chứng Nomophobia.

Hãy thăm khám và thực hiện các phương pháp điều trị Nomophobia kịp thời để cuộc sống thoải mái hơn

Sau khi đã biết được Nomophobia là gì qua bài viết trên, AIA Việt Nam hy vọng rằng bạn đã có cái nhìn rõ hơn về hội chứng này. Vfa có thể chuẩn bị những biện pháp để hạn chế sự lệ thuộc vào điện thoại, từ đó duy trì một cuộc sống cân bằng và lành mạnh hơn.

Nguồn tham khảo:
1. https://bvnguyentriphuong.com.vn/noi-tam-than-kinh/hoi-chung-so-hai-khi-khong-co-dien-thoai-di-dong
2. https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/hoi-chung-so-khong-co-dien-thoai-nomophobia.html
3. https://www.healthline.com/health/anxiety/nomophobia#symptoms
4. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ