Bài viết

Suy tuyến thượng thận: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị

15/03/2025 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Tuyến thượng thận, nằm phía trên mỗi quả thận, đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể duy trì hoạt động bình thường. Khi tuyến thượng thận bị suy yếu, cơ thể sẽ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trong bài viết này, AIA Việt Nam sẽ cung cấp nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách điều trị khi bị suy tuyến thượng thận hiệu quả. Xem ngay!

1. Tuyến thượng thận là gì?

Tuyến thượng thận là cặp tuyến nội tiết nhỏ nằm trên mỗi quả thận, hình tam giác, có chức năng sản xuất các hormone quan trọng. Những hormone này giúp cơ thể kiểm soát lượng đường huyết, ổn định huyết áp, cân bằng natri và điện giải và phản ứng với căng thẳng.

Mỗi tuyến thượng thận bao gồm hai phần riêng biệt: vỏ thượng thận (lớp ngoài) và tủy thượng thận (lớp trong). Vỏ thượng thận có nhiệm vụ sản xuất các hormone như cortisol và aldosterone, trong khi tủy thượng thận tạo ra adrenaline và noradrenaline.

Tuyến thượng thận là cặp tuyến nội tiết nhỏ nằm trên mỗi quả thận

2. Suy tuyến thượng thận là gì?

Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone cần thiết, đặc biệt là cortisol và aldosterone. Bệnh có thể xảy ra do tổn thương trực tiếp ở tuyến thượng thận (suy tuyến thượng thận nguyên phát) hoặc do vùng dưới đồi hoặc tuyến yên, sử dụng thuốc corticoides kéo dài (suy tuyến thượng thận thứ phát).

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tuyến thượng thận cấp hoặc cơn khủng hoảng Addisonian, gây mất nước nghiêm trọng, hạ natri và có thể dẫn đến sốc, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Suy tuyến thượng thận là tình trạng không sản xuất đủ hormone cần thiết

3. Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến suy tuyến thượng thận, bao gồm:

3.1. Bệnh tự miễn

Bệnh Addison là nguyên nhân phổ biến nhất của suy tuyến thượng thận nguyên phát. Đây là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tấn công nhầm tuyến thượng thận, làm suy giảm khả năng sản xuất hormone. Ngoài bệnh Addison, một số bệnh tự miễn khác như viêm tuyến giáp Hashimoto, đái tháo đường type 1 cũng có thể liên quan đến suy tuyến thượng thận.

3.2. Lạm dụng thuốc corticoid

Việc sử dụng corticoid trong thời gian dài có thể làm ức chế hoạt động của tuyến thượng thận. Khi ngừng thuốc đột ngột, cơ thể không thể sản xuất đủ cortisol, dẫn đến suy tuyến thượng thận thứ phát.

3.3 Nhiễm trùng và bệnh lý tuyến yên

Một số bệnh nhiễm trùng như lao, HIV, nấm histoplasmosis có thể gây tổn thương tuyến thượng thận, làm suy giảm chức năng của nó.

Ngoài ra, các bệnh lý tuyến yên như u tuyến yên, suy tuyến yên cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng kích thích tuyến thượng thận hoạt động, dẫn đến suy tuyến thượng thận thứ phát.

3.4. Chấn thương, phẫu thuật tuyến thượng thận

Chấn thương vùng bụng, phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận hoặc tắc mạch tuyến thượng thận có thể làm giảm sản xuất hormone, gây suy tuyến thượng thận.

Can thiệp phẫu thuật vào vùng tuyến yên gây suy tuyến thượng thận

4. Dấu hiệu và triệu chứng suy tuyến thượng thận

Các triệu chứng của suy tuyến thượng thận thường tiến triển chậm, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Cụ thể:

4.1. Triệu chứng sớm

Các dấu hiệu của suy tuyến thượng thận mạn:

  • Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt.

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân, kèm theo cảm giác chán ăn.

  • Đau nhức cơ bắp, huyết áp thấp, dễ bị hạ đường huyết.

  • Kinh nguyệt không đều, thậm chí có thể bị vô kinh.

  • Cảm giác lo âu, trầm cảm

4.2. Triệu chứng đặc trưng

Các dấu hiệu của suy tuyến thượng thận cấp đặc trưng:

  • Da có xu hướng sẫm màu, đặc biệt ở vùng núm vú, khoang miệng, trực tràng, bìu và âm đạo.

  • Hạ huyết áp, dễ bị chóng mặt khi đứng dậy

  • Bệnh nhân có thể bị nôn ói liên tục, tiêu chảy nghiêm trọng.

  • Thèm muối hoặc đồ ăn mặn

  • Hơi thở gấp gáp, khó khăn khi hô hấp, kèm theo chóng mặt và cơn đau đầu dữ dội.

  • Cơ bắp suy yếu đáng kể, thậm chí có thể rơi vào trạng thái mất ý thức.

Nôn ói liên tục là triệu chứng đặc trưng của suy tuyến thượng thận

5. Phương pháp chẩn đoán suy tuyến thượng thận

Để xác định tình trạng suy tuyến thượng thận, bác sĩ ban đầu có thể kiểm tra nồng độ cortisol hoặc hormone adrenocorticotropic (ACTH) trong máu. Khi đã kiểm soát được một phần triệu chứng, các xét nghiệm chuyên sâu sẽ được thực hiện để đánh giá mức độ hoạt động của tuyến thượng thận, bao gồm:

  • Xét nghiệm kali huyết thanh để đo nồng độ kali trong máu.

  • Kiểm tra mức natri thông qua xét nghiệm natri huyết thanh.

  • Đánh giá lượng đường trong máu bằng xét nghiệm đường huyết lúc đói.

  • Đo mức cortisol để xác định chỉ số sản xuất hormone của tuyến thượng thận.

  • Xét nghiệm hormon vỏ thượng thận nhằm đánh giá chức năng tuyến này.

Xét nghiệm cortisol để xác định chỉ số sản xuất hormone của tuyến thượng thận

6. Cách điều trị suy tuyến thượng thận

Việc điều trị suy tuyến thượng thận chủ yếu tập trung vào việc bổ sung hormone thiếu hụt và kiểm soát triệu chứng. Cụ thể:

6.1. Điều trị thay thế hormone

Bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc nhóm corticoid như hydrocortisone hoặc prednisone để bổ sung hormone cortisol bị thiếu hụt. Trong trường hợp người bệnh gặp tình trạng căng thẳng kéo dài hoặc mắc các bệnh cấp tính, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng phù hợp để đảm bảo hiệu quả điều trị.

6.2. Điều trị trong trường hợp cấp cứu

Nếu người bệnh bị sốc tuyến thượng thận, cần truyền tĩnh mạch hydrocortisone và bù dịch nhanh chóng để duy trì huyết áp.

6.3. Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống

Ngoài ra, người bệnh cần chú ý đến các vấn đề lối sống và ăn uống dưới đây để phòng ngừa bệnh:

  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học với thực phẩm giàu vitamin và chất xơ như rau bina, bông cải xanh, súp lơ để tăng cường sức khỏe. Nếu tuyến thượng thận bị tổn thương, nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, đường và chất tạo ngọt nhân tạo.

  • Rèn luyện thể chất thường xuyên bằng cách dành 20-30 phút mỗi ngày để tập luyện, có thể lựa chọn đi bộ, yoga hoặc các bài tập nhẹ nhàng.

  • Tránh xa bia rượu, thuốc lá để giảm nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tuyến thượng thận.

Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống để điều trị bệnh

7. Cách phòng ngừa suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là bệnh lý có tác động lớn đến sức khỏe. Để phòng tránh căn bệnh này, cả người bệnh cần chú ý đến các vấn đề dưới đây để phòng ngừa:

  • Duy trì việc dùng thuốc đúng theo chỉ định, tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc đột ngột.

  • Tránh căng thẳng kéo dài, ngủ đủ giấc để duy trì hormone ổn định.

  • Khi gặp các tình trạng như sốt cao, bệnh cấp tính hoặc tiêu chảy, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.

  • Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra.

Khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là bệnh lý mạn tính nhưng có thể kiểm soát tốt nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Người bệnh cần tuân thủ điều trị, điều chỉnh lối sống lành mạnh và thường xuyên theo dõi sức khỏe để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả. AIA Việt Nam hy vọng bài viết này cung cấp thông tin hữu ích để bạn bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.

Nguồn tham khảo:
1. https://tamanhhospital.vn/suy-tuyen-thuong-than/
2. https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/dau-hieu-suy-tuyen-thuong-than-va-nhung-nguyen-nhan-can-chu-y.html
3. https://www.nhathuocankhang.com/benh/suy-thuong-than#hmenuid4
4. https://yte.nghean.gov.vn/tin-chuyen-nganh/suy-tuyen-thuong-than-nguyen-nhan-trieu-chung-dieu-tri-va-cach-phong-tranh-656893
5. https://www.vinmec.com/vie/benh/suy-tuyen-thuong-than-3053

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ