Bài viết

Cây Nhân trần và sức khỏe: Điều quan trọng để tránh gây hại

24/08/2023 dot 10 phút đọc
Dinh Dưỡng Lời khuyên Sống Khỏe

Một trong những loại dược liệu được sử dụng rộng rãi trong Đông y đó chính là nhân trần - loại cây mọc rất nhiều ở Việt Nam. Vậy nhân trần có tác dụng gì? Cùng tham khảo tác dụng của cây nhân trần trong bài viết sau đây nhé!

Sơ lược về cây nhân trần

Cây nhân trần là gì?

Cây nhân trần là một loại cây cỏ mọc hoang có nhiều lợi ích cho sức khoẻ và được sử dụng rộng rãi trong Đông y. Nhân trần có tên khoa học là Herba Adenosmatis cacrulei thuộc họ Scrophulanaceae (họ hoa Mõm chó). Cây nhân trần còn có các tên gọi khác như cây chèn nội, chè cát, hoắc hương núi, tuyến hương lam,...

Cây nhân trần

Một số loại cây nhân trần thường gặp như:

- Nhân trần cao ( Nhân trần Trung Quốc) là loại nhân trần thuộc họ Cúc, có tác dụng kháng khuẩn, hạ sốt.

- Hoắc hương núi có tên khoa học là Adesnosma caeruleum R. Br thuộc họ Mõm chó, có tác dụng kháng viêm, tăng tiết mật.

- Nhân trần đực hay còn gọi là bồ bồ có tên khoa học là Adesnosma capitatum Benth cũng thuộc họ Mõm chó.

Đặc điểm của cây nhân trần

Thân cây nhân trần hình tròn, cao khoảng 30-100cm và nhiều lông nhỏ. Lá cây nhân trần mọc đối xứng nhau qua thân cây, hình trái xoan và dài khoảng 4-6cm, bề ngang 2-3 cm. Mép lá khía hình răng cưa đều nhau, 2 mặt đều có lông và khi vò có mùi thơm nhẹ. Cuống lá tròn và dài khoảng 0,5 - 1,2 cm.

Hoa nhân trần

Hoa nhân trần có màu lam tím, đài hình chuông xẻ thành 5 cánh. Hoa thường mọc ở vị trí giao giữa cành và cuống lá, mọc thành chùm dạng bông dài khoảng 30cm.

Quả dài bằng đài hoa, hình trứng có mỏ ngắn, chứa hạt màu vàng.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây nhân trần phân bổ ở các vùng nhiệt đới như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam,.... Ở Việt Nam, loài cây này mọc nhiều ở các tỉnh phía bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh [1]...

Nhân trần là cây ưa ẩm ưa sáng nên thường mọc lẫn với các loại cây cỏ thấp nhỏ ven rừng. Mùa hoa của nhân trần rơi vào tháng 4 - tháng 7 hàng năm.

Cây nhân trần có thể sử dụng toàn bộ để làm thuốc. Thường sẽ thu hái lúc cây đang ra hoa sau đó đem phơi hoặc sấy khô, bó thành từng bó và bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.

Khi sử dụng thì đem cây đi rửa sạch, chặt thành từng khúc khoảng 3-5cm và sao khô.

Thành phần hóa học

Thân cây nhân trần có chứa khoảng 1% tinh dầu trong đó chất paracymen chiếm phần lớn, và một số chất như: limonen, pinen, cineol, anethol.

Ngoài ra, trong nhân trần còn chứa hàm lượng lớn chất chống oxi hoá flavonoid, polyphenol và coumarin. Điều này cũng giúp nhân trần có nhiều công dụng trong y học.

Tác dụng của cây nhân trần

Tác dụng theo y học cổ truyền

Với đặc tính bình, hơi hàn và có vị đắng, tác dụng của nhân trần là thanh nhiệt, lợi tiểu, mát gan và giảm vàng da. Vì vậy cây nhân trần được sử dụng chữa một số bệnh như:

- Sốt nóng, ra mồ hôi nhiều.

- Tiểu tiện khó, vàng da

- Phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh, giúp ăn uống ngon miệng hơn.

Nhân trần khô

Tác dụng theo y học hiện đại

Ngoài đông y thì nhân trần cũng là một loại thuốc được dùng nhiều trong y học hiện đại bởi các công dụng sau:

- Tăng tiết mật: Nước nhân trần sắc thuốc có tác dụng làm giảm trương lực cơ vòng Oddi của chó khi gây mê. Chất 6,7-dimethoxycoumarin trong nhân trần có tác dụng lợi mật chủ yếu.

- Tăng cường chức năng thải độc của gan.

- Kháng khuẩn: Giúp tiêu diệt các khuẩn gây viêm phổi, viêm não như tụ cầu vàng, mủ xanh, E.coli…

- Diệt giun: Thực hiện thí nghiệm trên giun đũa lợn thấy có kết quả tốt.

- Ức chế các loại nấm gây bệnh ngoài da.

- Giảm mỡ máu, làm giãn mạch vành và hạ áp.

Cách dùng cây nhân trần đạt hiệu quả tối đa

Nhân trần tuy rất tốt cho sức khoẻ nhưng chúng ta không nên quá lạm dụng dùng hàng ngày. Để đạt hiệu quả tốt nhất, có thể sắc nhân trần dưới dạng thuốc hoặc pha trà uống, liều lượng khoảng 8-20g.

Một số lưu ý khi dùng nhân trần:

- Không nên kết hợp Nhân trần và cam thảo vì tính chất khác nhau. Nhân trần đào thải nước, cam thảo giữ nước nên nếu kết hợp sẽ làm giảm hiệu quả điều trị và dễ phát sinh tác dụng phụ.

- Không nên uống trà nhân trần hàng ngày sẽ dễ bị mất nước, mệt mỏi vì nhân trần có tính đào thải nước.

- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên cân nhắc khi sử dụng. Nếu không mắc bệnh về gan thì không nên dùng vì có thể làm mất sữa.

Một số bài thuốc từ cây nhân trần

Bài thuốc trị viêm gan cấp

Thành phần: Nhân trần 18-24 gam, Chi tử 12 gam, Đại hoàng 6-8 gam ( Nhân trần cao thang - Thương hàn luận).

Cách dùng: Sắc nước uống chia 3 lần/1 ngày.

Bài thuốc này chuyên trị bệnh viêm gan virus cấp.

Trị viêm gan vàng da, tiểu ít

Thành phần:

- Nhân trần: 16g

- Bạch truật: 12g

- Trạch tả: 12g

- Bạch linh: 12g

- Trư linh: 12g

- Quế chi: 6g

Cách dùng: Tán bột mịn, pha với nước sôi ấm ngày 2 lần, mỗi lần 6-12g. Có thể sắc thuốc uống, gia giảm tuỳ chứng bệnh.

Trị viêm túi mật

Thành phần: Nhân trần cao, bồ công anh, quảng uất kim mỗi loại 40g, khương hoàng 16 gam. Sắc uống hàng ngày.

Bài thuốc trị mỡ máu cao

Thành phần:

- Nhân trần: 30g

- Sơn tra: 20g

- Sinh mạch nha: 15g

Sắc uống hàng ngày.

Chữa say nắng, nhức đầu

Nhân trần và hành trắng mỗi loại một lượng bằng nhau (khoảng 1 nắm). Tất cả đem sắc lấy nước uống.

Hạ sốt

Thành phần:

- Nhân trần: 16g

- Hoạt thạch: 20g

- Hoàng Cầm: 12g

- Thạch xương bồ: 8g

- Mộc thông: 8g

- Xuyên bối mẫu: 8g

- Xạ can: 6g

- Liên kiều: 6g

- Bạc hà: 6g

- Bạch đậu khấu: 6g

Sắc lấy nước uống.

Kết luận:

Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc nhân trần có tác dụng gì mà lại được sử dụng rất phổ biến trong y học và đưa ra một số bài thuốc chữa bệnh từ nhân trần. Dù công dụng của nhân trần rất tốt nhưng bạn cũng nên thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ khi mắc bệnh để có thể sử dụng liều lượng chính xác và đảm bảo sức khoẻ nhất, tránh những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra.

Tham khảo:

Youmed, Nhân trần: Thảo dược thanh nhiệt, mát gan quen thuộc, 2022

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ