Bài viết

Vitamin D là gì? Công dụng, liều dùng, tác dụng phụ

17/04/2023 dot 10 phút đọc
Dinh Dưỡng Lời khuyên Sống Khỏe

Vitamin D có tác dụng gì? Vitamin D (từ D1 đến D5) là loại vitamin tan trong chất béo, đóng nhiều vai trò quan trọng không chỉ hỗ trợ đắc lực cho hệ xương và răng chắc khỏe mà còn tác động đến hệ miễn dịch, hệ nội tiết, sức khỏe não bộ và hệ thần kinh,... Trên thực tế, cơ thể chúng ta được tổng hợp vitamin D (nhất là D2 và D3) khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hàng ngày qua da. Tuy nhiên, như vậy thường là chưa đủ, bạn có thể cần phải nạp thêm Vitamin D qua ăn uống, thực phẩm hỗ trợ (viên sủi, viên nén).

Vitamin D có tác dụng gì?

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể. Nó giúp tăng cường hấp thu canxi và phospho, từ đó cải thiện sức khỏe xương và răng. Vitamin D cũng hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật hiệu quả hơn. Ngoài ra, nó còn có tác dụng điều hòa tâm trạng, giảm nguy cơ trầm cảm, cải thiện sức khỏe tim mạch và hỗ trợ chức năng cơ bắp. Vitamin D tham gia vào quá trình trao đổi chất, góp phần duy trì sức khỏe tổng thể. Thiếu hụt vitamin này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, vì vậy việc bổ sung đủ vitamin D thông qua ánh nắng mặt trời và chế độ ăn uống hợp lý là rất cần thiết. Dưới đây là chi tiết các tác dụng của vitamin D:

Hỗ trợ hấp thụ canxi giúp xương chắc khỏe

Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì xương khỏe mạnh. Hiện nay, đa phần hiện nay ở thành phố lớn, mọi người thường ở cả ngày trong các tòa nhà máy lạnh từ sáng sớm đến tối mịt, thiếu "phơi mình" ánh nắng tự nhiên. Trong khi đó, nếu không quan tâm bổ sung bù việc ăn uống bù vitamin D, cơ thể dần dần sẽ thiếu hụt, nhất là lượng canxi, và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể về lâu dài 

Khoáng chất canxi - một thành phần chính cấu tạo nên xương, rất khó để cơ thể hấp thụ qua đường ăn uống nếu không có vitamin D. 

Theo Học viện Phẫu thuật Chỉnh hình Hoa Kỳ, thiếu vitamin D ở trẻ em sẽ gây ra tình trạng còi xương - một tình trạng khiến xương bị yếu đi, tạo ra hàng loạt triệu chứng nghiêm trọng như: chân đi vòng kiềng, gù lưng và các biến dạng xương khác.

Theo nghiên cứu của Eamon Laird và cộng sự vào năm 2010, vitamin D có cơ chế điều hòa miễn dịch tác động đến các cytokine tiền viêm liên quan đến tình trạng loãng xương. Điều này giúp xương chắc khỏe hơn, tránh tình trạng gãy xương, chấn thương xương ở người trưởng thành - đặc biệt ở tuổi trung niên và tuổi già. 

Vitamin D cho hệ tim mạch khỏe mạnh

Bên cạnh lợi ích tốt cho xương, Vitamin D còn giúp bạn có một hệ tim mạch khỏe mạnh. Cụ thể được chứng minh bởi các nghiên cứu sau:

Vitamin D có tác dụng điều chỉnh các tế bào miễn dịch giúp chống lại các tình trạng của bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch (1). Bên cạnh đó, loại vitamin này còn giúp các động mạch giãn ra, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, làm giảm huyết áp (2). Điều này rất có ý nghĩa trong việc kiểm soát tình trạng huyết áp cao.

Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Y Harvard theo dõi sức khỏe tim mạch của gần 50.000 nam giới trong 10 năm đã cho kết quả như sau: những người có lượng vitamin D thấp nhất trong cơ thể có nguy cơ bị đau tim cao gấp đôi so với những người có lượng vitamin D trong cơ thể cao nhất.

Vitamin D giúp ngăn ngừa nguy cơ bị đái tháo đường

Vitamin D còn là một loại vitamin quan trọng trong việc giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường tuýp 2. Sự thiếu hụt vitamin D có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình chuyển hóa như suy giảm chức năng tế bào Beta trong tuyến tụy, kháng insulin,...

Theo nghiên cứu của Joanna Mitri và Anastassios G Pittas được đăng trên thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng: Sự gia tăng nồng độ vitamin D trong máu sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh Đái tháo đường tuýp 2 xuống mức thấp hơn.

Vitamin D giúp ngăn ngừa ung thư

Vitamin D đã là một chủ đề được quan tâm trong nghiên cứu phòng chống ung thư trong nhiều thập kỷ qua. Giả thuyết này nảy sinh từ quan sát tỷ lệ tử vong do ung thư ruột kết ở những người sống ở vĩ độ cao hơn như Châu Âu, Bắc Mỹ cao hơn so với những người sống ở vùng Nhiệt đới (vùng Xích đạo). Cụ thể, Tia UVB của mặt trời cao hơn hơn ở vùng Xích đạo, do đó, nồng độ vitamin D trong máu của người dân ở những vùng này có xu hướng cao hơn. Điều này dẫn đến giả thuyết vitamin D thấp “bằng một cách nào đó” có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết. (3)

Các nghiên cứu dịch tễ học ở người cho thấy nồng độ vitamin D trong huyết thanh cao hơn có liên quan đến sự thấp hơn đáng kể của tỷ lệ ung thư ruột kết, tuyến tụy, tuyến tiền liệt và các loại ung thư khác, với bằng chứng mạnh nhất đối với ung thư đại trực tràng. (4) (5)

Xem thêm: Thực phẩm và chế độ ăn thông minh giúp tăng chiều cao tự nhiên

Liều dùng vitamin D

Liều dùng vitamin D khuyến nghị hàng ngày thay đổi theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe:

  • Trẻ sơ sinh đến 12 tháng: 400 IU/ngày

  • Trẻ em và người lớn 1-70 tuổi: 600 IU/ngày

  • Người trên 70 tuổi: 800 IU/ngày

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: 600 IU/ngày

Một số trường hợp đặc biệt như người thiếu vitamin D nặng, bệnh nhân loãng xương, hoặc người có nguy cơ cao thiếu vitamin D có thể cần liều cao hơn, tới 1000-2000 IU/ngày hoặc nhiều hơn theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý rằng quá nhiều vitamin D cũng có thể gây hại. Giới hạn an toàn tối đa hàng ngày cho người lớn là 4000 IU. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định liều dùng phù hợp cho từng cá nhân.

Một số tác dụng phụ khi bổ sung vitamin D không đúng cách

Bổ sung vitamin D không đúng cách, đặc biệt là quá liều, có thể dẫn đến một số tác dụng phụ:

  • Tăng canxi máu (Hypercalcemia): Có thể gây buồn nôn, nôn, chán ăn, táo bón, yếu cơ, và nhịp tim không đều.

  • Sỏi thận: Do tăng hấp thu canxi, có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

  • Độc tính cho thận: Quá nhiều vitamin D có thể gây tổn thương thận.

  • Rối loạn tim mạch: Có thể gây rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp.

  • Mất phương hướng và lú lẫn: Đặc biệt ở người cao tuổi.

  • Mệt mỏi và suy nhược: Cảm giác mệt mỏi kéo dài bất thường.

  • Đau đầu và khô miệng: Triệu chứng thường gặp khi dư thừa vitamin D.

  • Giảm cảm giác thèm ăn và sụt cân: Do ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.

Để tránh những tác dụng phụ này, nên tuân thủ liều lượng được khuyến nghị và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin D, đặc biệt nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác hoặc có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Xem thêm: Top 7 thực phẩm bổ sung canxi cho người lớn tuổi

Dấu hiệu nhận biết cần bổ sung vitamin D

Theo Cleveland Clinic, dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bạn đang thiếu hụt và cần bổ sung thêm vitamin D cho cơ thể:

  • Xương phát triển bất thường: Chân vòng kiềng, vẹo xương, gù lưng,...

  • Yếu cơ, đau cơ hoặc chuột rút cơ

  • Đau xương

  • Mệt mỏi

  • Thay đổi tâm trạng, tương tự như trầm cảm

  • Dị tật ở khớp

Nguồn thực phẩm có nhiều vitamin D

Nếu bạn muốn bổ sung vitamin D cho bản thân, cách tốt và lành mạnh nhất là nạp dưỡng chất này thông qua đường ăn uống. Dưới đây là một số gợi ý thực phẩm giàu vitamin D từ Đại học Y khoa Harvard để bạn tham khảo:

  • Dầu gan cá

  • Cá hồi

  • Cá ngừ

  • Nước cam tăng cường vitamin D

  • Sữa và sữa thực vật được bổ sung vitamin D

  • Cá mòi

  • Gan bò

  • Lòng đỏ trứng

  • Ngũ cốc

Việc sử dụng những thực phẩm giàu vitamin D sẽ rất tốt để bổ sung dinh dưỡng cho bạn đủ chất hơn. Tuy nhiên, “cái gì nhiều quá cũng không tốt”, bạn chỉ nên nạp vừa đủ lượng vitamin D vào cơ thể để tránh những tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Qua bài viết trên, có thể thấy vitamin D có vai trò quan trọng để duy trì sức khỏe ổn định, phòng tránh bệnh tật hiệu quả. Sự thiếu hụt vitamin D gây ra không ít các vấn đề nghiêm trọng như: xương phát triển bất thường, đau khớp, dị tật,... Do đó, việc bổ sung vitamin D đầy đủ thông qua việc tắm nắng, ăn uống và sử dụng thực phẩm hỗ trợ là điều cực kỳ cần thiết.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ