Bài viết

TOP 20 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn mà ứng viên cần biết

21/09/2024 dot 7 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe

Phỏng vấn là cơ hội để bạn được trao đổi với nhà tuyển dụng, từ đó tìm được những cơ hội việc làm tốt nhất. Ngoài việc chuẩn bị CV thật kỹ, bạn cũng nên chuẩn bị trước các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn để tránh bị lúng túng, trả lời sai trọng tâm trong buổi phỏng vấn. Dưới đây là TOP 20 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấnAIA Việt Nam đã tổng hợp giúp bạn tự tin hơn trong cuộc phỏng vấn.

1. Hãy giới thiệu về bản thân bạn?

Đây là câu hỏi cơ bản nhất và chắc chắn sẽ xuất hiện trong mọi cuộc phỏng vấn. Với câu hỏi này, bạn nên trả lời ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ ý.

Khi giới thiệu về bản thân cần những nội dung sau:

  • Họ tên

  • Học vấn, kinh nghiệm làm việc có liên quan tới công việc đang ứng tuyển

  • Điều bạn đang tìm kiếm đối với công việc mới

Giới thiệu bản thân là nội dung chắc chắn sẽ có trong mọi cuộc phỏng vấn

2. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?

Mục tiêu nghề nghiệp là định hướng của bạn trong công việc, đích đến cuối cùng mà bạn muốn đạt được. Lưu ý, mục tiêu này cần thực tế và liên quan tới công việc, công ty đang ứng tuyển. 

Các mục tiêu nghề nghiệp mà bạn có thể nhắc tới bao gồm: phát triển kỹ năng chuyên môn, thành thạo trong lĩnh vực, đạt được thành tựu trong công việc, sự gắn bó và sự thăng tiến.

3. Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?

Đây là một trong số các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn khiến rất nhiều ứng viên lúng túng và khó khăn trong việc đưa ra câu trả lời. Với câu hỏi này, hãy trả lời thật khéo léo để thể hiện sự chuyên nghiệp trong công việc cũng như tôn trọng công ty cũ. Hãy cố gắng giải thích lý do nghỉ việc theo hướng tích cực để tránh nhà tuyển dụng có những ấn tượng ban đầu không tốt về mình. 

4. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?

Đây cũng là một câu hỏi cũng rất thường gặp trong các buổi phỏng vấn mà bạn có thể chuẩn bị trước. Hãy chuẩn bị trước các thế mạnh nổi bật, phù hợp với công việc, có thể nâng cao cụ thể công việc. Nếu có dẫn chứng cụ thể thì sẽ càng tốt hơn.

Đối với điểm yếu, bạn cũng nên khéo léo thừa nhận các điểm yếu của mình, đồng thời nêu ra những giải pháp mà mình có thể làm để khắc phục điểm yếu đó. Hãy nêu những điểm yếu không gây ảnh hưởng nhiều tới công việc mà bạn ứng tuyển.

Điểm mạnh, điểm yếu là yếu tố quan trọng để đánh giá bạn có phù hợp với công việc hay không

5. Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?

Đối với câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ mong muốn nhận được câu trả lời thể hiện sự quan tâm của ứng viên đối với công việc đang ứng tuyển. Bạn hãy đưa ra nhận xét về công ty, ví dụ như bạn biết công ty qua đâu, ấn tượng điều gì với công ty, định hướng phát triển của công ty phù hợp với bạn như thế nào,…

6. Tại sao bạn ứng tuyển vị trí này?

Câu hỏi này được đặt ra để nhà tuyển dụng hiểu được mức độ quan tâm của bạn đối với công việc. Với câu hỏi này, bạn nên thể hiện sự đam mê đối với công việc, muốn chinh phục công việc này, muốn phát triển như thế nào đối với công việc, mong muốn cống hiến và có thể đề cập tới những kinh nghiệm ở vị trí tương đương. 

7. Bạn đã có kinh nghiệm gì liên quan đến vị trí ứng tuyển?

Đây là câu hỏi rất quan trọng, đặc biệt khi bạn ứng tuyển các vị trí như chuyên viên hay trưởng, phó nhóm. Hãy nêu ra những công việc liên quan đến vị trí ứng tuyển mà bạn từng làm, thành tựu mà bạn đạt được hay sự phát triển của bạn khi làm việc.

Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc này, hãy nhắc tới những điều bạn mong muốn với công việc này và những gì bạn có thể làm được nếu được trao cơ hội.

Người đã có kinh nghiệm ở các công việc liên quan sẽ được đánh giá cao hơn trong buổi phỏng vấn

9. Những thành tựu nào trong công việc khiến bạn tự hào nhất?

Hãy nêu ngắn gọn và đúng trọng tâm nếu nhận được các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn như câu hỏi này. Bạn có thể trả lời theo các ý sau:

  • Mục tiêu của công việc

  • Khó khăn mà bạn gặp phải

  • Thành tựu đã đạt được

  • Bài học rút ra

Điều này sẽ thể hiện sự tâm huyết của bạn đối với công việc và tạo thiện cảm đối với nhà tuyển dụng.

10. Bạn không hài lòng điểm gì ở sếp cũ của mình?

Đây là câu hỏi đánh giá tính cách của bạn. Không nên đưa ra những nhận xét quá tiêu cực, mang tính đổ lỗi cho sếp cũ. Hãy nêu ra những gì bạn học được từ sếp cũ và nhận xét tích cực về họ. 

11. Bạn hay bị stress hay áp lực trong những trường hợp nào? Cách bạn vượt qua nó là gì?

Trong số các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn, đây là câu hỏi đánh giá khả năng điều chỉnh tâm lý và sắp xếp công việc của bạn. Áp lực có thể đến từ nhiều lý do. Đối với câu hỏi này, hãy thể hiện khả năng quản trị cảm xúc và xử lý vấn đề của bạn. Tốt nhất, hãy nêu ra 1 ví dụ cụ thể về vấn đề bạn từng gặp phải và cách vượt qua.

Lưu ý, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn không phải là người để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng tới công việc hay là người sợ đối mặt với áp lực công việc.

 

Bạn có thể gặp các câu hỏi đánh giá khả năng sắp xếp công việc trong cuộc phỏng vấn

12. Bạn là người làm việc độc lập hay làm việc nhóm tốt? Hãy nêu ra vài tình huống cụ thể

Làm việc độc lập và làm việc nhóm là 2 kỹ năng quan trọng ngang nhau trong công việc. Để hoàn thành tốt một công việc cần cả bộ máy phối hợp để vận hành trơn tru. Hãy thể hiện với nhà tuyển dụng khả năng giải quyết công việc độc lập cũng như khả năng phối hợp với đồng nghiệp để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc. 

13. Khả năng chịu áp lực công việc của bạn như thế nào?

Một trong số các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn đó là hỏi về khả năng chịu áp lực của bạn. Người có khả năng chịu áp lực là người có năng suất làm việc tốt và sẽ đem lại hiệu quả tốt trong công việc. Bạn có thể chia sẻ trải nghiệm cụ thể, nhấn mạnh kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian để đảm bảo công việc và thể hiện sự tích cực, coi áp lực như một cơ hội để học hỏi và phát triển.

14. Bạn mong muốn làm việc với người sếp như thế nào? Sở hữu những đức tính gì?

Đây là cơ hội để bạn thể hiện những phẩm chất mà bạn đánh giá cao ở một người lãnh đạo. Bạn có thể chia sẻ thành thật về mong muốn của mình về người sếp.

Một số đức tính mà bạn có thể đề cập bao gồm: có khả năng hỗ trợ và hướng dẫn nhân viên, biết lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ kiến thức, cởi mở và minh bạch trong giao tiếp, có khả năng truyền cảm hứng và khuyến khích nhân viên, công bằng và biết công nhận những nỗ lực của nhân viên…

Bạn mong đợi gì ở người sếp mới?

15. Bạn mong đợi điều gì ở vị trí mới/môi trường mới?

Khi trả lời câu hỏi này, bạn cần nêu được kỳ vọng của bản thân, đồng thời nhấn mạnh sự phù hợp của bạn với công ty và văn hóa làm việc. Hãy chia sẻ mong đợi của mình về các nhiệm vụ và trách nhiệm trong vai trò mới, đề cập đến mong muốn phát triển kỹ năng và học hỏi từ môi trường mới.

Hãy đảm bảo rằng những điều bạn nêu ra phù hợp với văn hóa và các giá trị của công ty mà bạn đang phỏng vấn. Điều này không chỉ giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng mà còn thể hiện sự chuẩn bị và quan tâm của bạn đối với vị trí ứng tuyển và công ty.

16. Nếu sếp của bạn làm sai, bạn sẽ góp ý trực tiếp hay bỏ qua

Đây là một trong số các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn khá khó để trả lời. Nếu sếp sai và gây ảnh hưởng tới công việc, bạn nên tìm cách góp ý mang tính xây dựng và trao đổi rõ ràng với sếp để tìm ra hướng giải quyết. Hãy thể hiện rằng bạn quan tâm tới kết quả sau cùng và luôn cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc.  

17. Bạn có ngại việc đi công tác ở xa?

Đây là một câu hỏi đánh giá mức độ ưu tiên giữa công việc và gia đình của bạn. Đối với một số vị trí, công tác là một phần bắt buộc của công việc và các công ty luôn ưu tiên những người sẵn sàng đi công tác. 

Tuy nhiên, đối với câu hỏi này, bạn nên hỏi kỹ hơn về mật độ của các chuyến công tác, suy nghĩ thật kỹ về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Nếu bạn không thể đi công tác nhiều, trong khi yêu cầu công việc lại cần phải đi công tác liên tục thì có thể tìm cơ hội khác phù hợp hơn cho mình.

Mức độ sẵn sàng đi công tác cũng là ưu điểm mà nhà tuyển dụng tim kiếm ở ứng viên

18. Bạn sẽ làm gì nếu hết giờ nhưng các thành viên khác vẫn chưa ra về?

Đây là một trong số các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn để kiểm tra thái độ của bạn đối với những phát sinh trong công việc. Khi được hỏi câu hỏi này trong một buổi phỏng vấn, bạn có thể trả lời một cách khéo léo để thể hiện tính chuyên nghiệp, tinh thần hợp tác và khả năng quản lý công việc của mình. Trước hết hãy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm việc nhóm và hỗ trợ lẫn nhau, sau đó thể hiện cam kết của bạn đối với công việc và mục tiêu chung của nhóm, bạn ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ. 

Đối với câu hỏi này, hãy để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn sẵn sàng linh hoạt và thích nghi với mọi tình huống trong công việc.

19. Nếu tôi muốn hỏi một đồng nghiệp cũ/sếp cũ của bạn để mô tả về bạn, họ sẽ nói gì?

Hãy nghĩ đến những điều mà đồng nghiệp hoặc sếp cũ của bạn sẽ mô tả về bạn. Bạn có thể nêu ra các phẩm chất như trách nhiệm, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm hoặc khả năng giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, bạn hãy cố gắng cung cấp một ví dụ cụ thể để minh họa cho những phẩm chất đó. Điều này sẽ làm cho câu trả lời của bạn thuyết phục hơn. Lưu ý nên chọn những phẩm chất mà bạn nghĩ rằng sẽ phù hợp và có lợi cho vị trí bạn đang ứng tuyển.

20. Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?

Đây cũng là một câu hỏi thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công ty. Bạn có thể hỏi về các vấn đề sau:

  • Chế độ phúc lợi của công ty

  • Quy trình làm việc, nghỉ phép

  • Định hướng cụ thể của công ty cho vị trí công việc này

  • Mong đợi của công ty đối với ứng viên

Trên đây là các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấnAIA Việt Nam đã tổng hợp. Hy vọng với những câu hỏi trên, bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất khi đi phỏng vấn và sẽ trúng tuyển vào vị trí mà mình yêu thích. 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.topcv.vn/cau-hoi-phong-van-thuong-gap-nhat-ung-vien-can-biet

  2. https://navigossearch.com/vi-VN/cau-hoi-phong-van

  3. https://sinhviendanghoc.lhu.edu.vn/113/29780/35-cau-hoi-phong-van-xin-viec-thuong-gap-va-cach-tra-loi-mot-so-CV-mau-bang-tieng-Anh-tham-khao.html

  4. https://timviec365.vn/cau-hoi-tuyen-dung

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.