Bài viết

Bật mí cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV cực hay cho ứng viên

20/09/2024 dot 7 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe

Kinh nghiệm làm việc luôn là phần quan trọng nhất trong CV, quyết định đến ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng về bạn. Nhưng làm sao để biến những kinh nghiệm đó thành điểm sáng thu hút và giúp bạn nổi bật giữa hàng loạt ứng viên khác? Trong bài viết này, AIA Việt Nam sẽ bật mí cho bạn những cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV để giúp bạn gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng.

Kinh nghiệm viết CV cực hay cho ứng viên

1. Tầm quan trọng của việc viết kinh nghiệm làm việc trong CV

Mỗi ngày, nhà tuyển dụng thường phải đối mặt với hàng trăm CV ứng tuyển và chỉ có thời gian để lướt qua những thông tin chính, từ đó chọn ra những ứng viên tiềm năng phù hợp với công ty.

Vậy làm sao để CV của bạn nổi bật giữa hàng loạt hồ sơ đó? Bí quyết nằm ở cách bạn trình bày kinh nghiệm làm việc của mình – Đây là yếu tố then chốt giúp bạn ghi điểm cao trong mắt nhà tuyển dụng trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Kinh nghiệm làm việc trong CV được viết chuẩn chỉnh và khéo léo không chỉ giúp nhà tuyển dụng nhận diện năng lực, tiềm năng phát triển của bạn mà còn cho thấy bạn có thực sự phù hợp với vị trí họ đang tìm kiếm. Hơn nữa, kỹ năng này còn có thể là vũ khí giúp bạn thương lượng mức lương như mong muốn.

Viết kinh nghiệm CV có quan trọng không?

2. Kinh nghiệm làm việc trong CV bao gồm những nội dung gì?

Việc trình bày kinh nghiệm trong CV như thế nào còn phụ thuộc vào các hạng mục công việc mà mỗi người đạt được. Tuy nhiên nhìn chung thì hầu hết các mẫu kinh nghiệm làm việc trong CV đều có 5 phần chính như sau:

  • Tên (các) công ty bạn từng làm;

  • Thời gian làm việc cụ thể ở (các) công ty cũ.;

  • Vị trí/chức vụ mà bạn từng đảm nhận ở (các) công ty cũ;

  • Mô tả chi tiết về công việc và thành tựu bạn đã đạt được.

  • Liệt kê thêm các chứng chỉ có liên quan và hoạt động tình nguyện (nếu có).

Trong CV không thể thiếu các kinh nghiệm bạn đã có

3. Viết kinh nghiệm theo hướng mô tả công việc hay hướng tới kết quả?

Một bí quyết quan trọng khi viết kinh nghiệm làm việc trong CV mà có thể bạn chưa biết. Thay vì bạn chỉ liệt kê các nhiệm vụ chung chung, hãy nhấn mạnh vào những kết quả cụ thể mà bạn đã đạt được, cả về chất lượng và số lượng.

Nhà tuyển dụng thường sử dụng hiệu suất trong quá khứ để dự đoán khả năng thành công trong tương lai của ứng viên. Vì vậy, để tạo ấn tượng mạnh mẽ, bạn nên chuyển đổi CV của mình từ việc chỉ liệt kê công việc sang một bản tóm tắt ngắn gọn về hiệu suất và thành tích.

Việc viết mô tả kinh nghiệm theo định hướng kết quả, bạn sẽ cung cấp được cho nhà tuyển dụng những minh chứng rõ ràng về năng lực và hiệu quả làm việc của bạn ở các vị trí trước đây. Phương pháp giúp bạn này nhấn mạnh những số liệu hoặc thành tích cụ thể để thể hiện rõ ràng những gì bạn đã đạt được, thay vì chỉ liệt kê những nhiệm vụ bạn đã thực hiện.

4. Cách đưa thành tích đạt được vào CV?

Viết kinh nghiệm làm việc trong CV không chỉ đơn thuần là việc liệt kê những gì bạn đã đạt được mà còn là một nghệ thuật giúp hồ sơ của bạn nổi bật trước nhà tuyển dụng. Để thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng mạnh thì bạn cần trình bày những thành tựu của mình một cách thông minh và hợp lý. 

4.1 Chọn lọc những thành tích phù hợp với vị trí ứng tuyển

Thay vì liệt kê mọi thành tựu mà bạn đã đạt được, bạn hãy chỉ tập trung vào những thành tích có liên quan mật thiết đến công việc bạn đang ứng tuyển. Bạn nên đọc kỹ yêu cầu công việc và tìm hiểu về công ty để sắp xếp các thành tích theo mức độ quan trọng và liên quan. Điều này không chỉ giúp nội dung trong CV của bạn rõ ràng hơn mà còn thể hiện sự hiểu biết và khả năng phù hợp với vị trí ứng tuyển.

4.2 Mô tả thành tích bằng con số rõ ràng

Những con số luôn có một sức mạnh thuyết phục rất cao với người khác. Do đó bạn đừng chỉ nói về thành tích của mình một cách chung chung mà hãy đưa ra những số liệu cụ thể để nhà tuyển dụng dễ dàng hình dung và đánh giá. 

Ví dụ: "Tăng trưởng doanh thu 180% trong 6 tháng" hoặc "Quản lý nhóm 20 người với tỷ lệ hài lòng khách hàng đạt 95%". Những con số này không chỉ làm rõ ràng hơn về thành tích của bạn mà còn giúp bạn nổi bật giữa hàng loạt ứng viên khác.

4.3 Đặt thành tích trong những bối cảnh cụ thể

Ngoài việc mô tả thành tích bằng những con số, bạn nên mô tả thêm các bối cảnh liên quan đến thành tích sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về giá trị của nó. Những chi tiết này không chỉ làm rõ ràng hơn về năng lực của bạn mà còn giúp nhà tuyển dụng dễ dàng hình dung được quy mô và tác động của thành tích đó.

Ví dụ: "Tăng trưởng doanh thu 180% từ tình trạng lỗ XX triệu đến lợi nhuận YY triệu trong vòng 6 tháng" hoặc "Quản lý team 20 người với sự hài lòng khách hàng tăng 30% trong một năm".

Bạn nên đặt các thành tựu của mình vào những hoàn cảnh cụ thể

4.4 Sử dụng động từ mạnh

Khi viết về thành tích của mình, bạn hãy sử dụng các động từ mạnh để thể hiện sự chủ động và tự tin. 

Thay vì nói "Chịu trách nhiệm quản lý", hãy dùng từ ngắn gọn lại như "Quản lý", "Dẫn dắt", "Triển khai" để tạo cảm giác tích cực và năng động. Điều này không chỉ giúp CV của bạn rõ ràng và súc tích mà còn tạo ấn tượng mạnh về khả năng hành động và lãnh đạo của bạn.

4.5 Sắp xếp thành tích một cách chiến lược

Sau khi chọn lọc được các thành tích nổi bật, bạn cần sắp xếp chúng sao cho hợp lý trong CV. Bạn có thể lồng ghép thành tích vào phần kinh nghiệm làm việc để bổ trợ hoặc tách riêng thành một mục "Thành tích" nổi bật. Những thành tích đáng chú ý nhất có thể được đặt trong phần giới thiệu cá nhân hoặc mục tiêu nghề nghiệp để tạo dấu ấn ngay từ đầu với nhà tuyển dụng.

5. 5 bước viết kinh nghiệm làm việc trong CV cực hay và cực chuẩn

Viết kinh nghiệm làm việc trong CV là một trong những phần quan trọng để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Dưới đây là 5 bước chi tiết giúp bạn hoàn thiện phần này một cách chuyên nghiệp:

5.1 Bước 1: Xem xét lại CV hiện tại của bản thân

Trước khi cập nhật thêm kinh nghiệm làm việc, bạn hãy xem xét lại CV hiện tại của mình. Đặc biệt chú ý đến những công việc gần đây nhất và xác định những phần nào có thể giữ lại, thêm số liệu hoặc bổ sung thành tích mới liên quan đến vị trí sắp ứng tuyển.

5.2 Bước 2: Xem lại nội dung mô tả kinh nghiệm công việc cũ

Khi xem xét các mô tả kinh nghiệm làm việc cũ, bạn cần xác định được những phần mô tả quá chung chung hoặc thiếu số liệu cụ thể. 

Bên cạnh đó, bạn cần tránh việc chỉ liệt kê nhiệm vụ mà không nêu được kết quả hoặc giá trị mà bạn đã mang lại cho công ty. Vì vậy, bạn hãy thay thế những mô tả mơ hồ đó bằng những ví dụ cụ thể về thành tựu hoặc kết quả bạn đã đạt được.

5.3 Bước 3: Liệt kê ra các thành tích đã đạt được

Bạn hãy liệt kê các thành tựu mà bạn đã đạt được kèm theo các con số cụ thể để chứng minh. 

Ví dụ: Nếu bạn làm ở vị trí chuyên viên bán bảo hiểm, các thành tựu có thể được liệt kê trong CV như sau: Tăng doanh số bán bảo hiểm lên 25% trong năm qua, từ 1 tỷ đồng lên 1,25 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra 15%; Duy trì tỷ lệ gia hạn hợp đồng ở mức 90%, cao hơn mức trung bình của công ty là 80%,...

Liệt kê chi tiết các thành tựu bạn đã đạt được

5.4 Bước 4: Lồng ghép những thành tựu vào mô tả kinh nghiệm làm việc

Sau khi đã có danh sách các thành tựu, bạn hãy trình bày nó một cách khéo léo vào phần kinh nghiệm làm việc của mình. Phương pháp này cũng có thể áp dụng cho những người mới tốt nghiệp để làm nổi bật các hoạt động ngoại khóa hoặc dự án học thuật.

Ví dụ: Thay vì chỉ viết “Quản lý thông tin khách hàng” thì bạn có thể chuyển thành “Quản lý thông tin của hơn 1.500 khách hàng, góp phần tăng doanh thu 20% trong 3 tháng nhờ chiến dịch marketing hiệu quả”.

5.5 Bước 5: Chỉnh sửa lại "phần nhìn" của CV

Đảm bảo rằng phần kinh nghiệm làm việc của bạn sẽ không trình bày quá dài, giữ trong khoảng 150 ký tự cho mỗi công việc để nhà tuyển dụng có thể đọc được thông tin cô đọng và dễ hiểu. Đặc biệt là bạn cần kiểm tra kỹ ngữ pháp, chính tả và định dạng của CV để đảm bảo tính chuyên nghiệp. 

Đối với sinh viên mới ra trường nếu chưa có nhiều kinh nghiệm và thành tựu, bạn hãy đặt phần này nằm sau phần học vấn và sắp xếp theo thứ tự thời gian từ gần nhất trở đi. Hãy chắc chắn rằng bạn làm nổi bật chức danh, tên công ty và thời gian làm việc bằng cách in đậm hoặc sử dụng kiểu chữ khác.

6. Cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm làm việc

Nhiều sinh viên mới ra trường thường lo lắng về việc mình thiếu kinh nghiệm khi viết CV, đặc biệt là khi các tin tuyển dụng thường yêu cầu kinh nghiệm từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, kinh nghiệm không chỉ giới hạn ở việc làm chính thức mà có thể bao gồm nhiều dạng khác nhau như sau:

  • Kinh nghiệm toàn thời gian: Đây là công việc chính thức, nơi bạn làm việc ít nhất 8 giờ/ngày cho một công ty hoặc doanh nghiệp.

  • Kinh nghiệm bán thời gian hoặc thực tập: Đây là thời gian bạn làm thêm hoặc thực tập tại một tổ chức.

  • Hoạt động ngoại khóa hoặc dự án cá nhân: Tham gia vào các câu lạc bộ sinh viên, làm dự án startup, bán hàng online hoặc bất kỳ hoạt động nào ngoài giờ học.

  • Các môn học thực tiễn ở trường: Những môn học yêu cầu bạn tham gia vào các dự án thực tế, cho ra sản phẩm thật.

Mỗi sinh viên đều có ít nhất một trong những kinh nghiệm này, điều quan trọng là xác định xem chúng có phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển hay không. Do đó, khi viết kinh nghiệm làm việc trong CV, bạn hãy tự tin trình bày những thông tin này.

Ngoài ra, nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, hãy tập trung vào các kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống hoặc các kỹ năng cụ thể liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Những kỹ năng này có thể làm nổi bật CV của bạn và giúp bạn tự tin hơn khi ứng tuyển vào các vị trí mong muốn.

Người chưa có kinh nghiệm trình bày CV thế nào?

7. Một số lưu ý khi viết kinh nghiệm làm việc trong CV

Để viết phần kinh nghiệm làm việc trong CV tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, bạn cần lưu ý một số điểm sau:

  • Chỉ ghi kinh nghiệm liên quan: Hãy tập trung vào những kinh nghiệm phù hợp với mô tả công việc (JD) và tránh nói lan man. Bạn cần hiểu rõ các kỹ năng cần thiết và sắp xếp chúng một cách hợp lý trong CV.

  • Trình bày theo thứ tự thời gian: Hãy đặt công việc gần đây nhất lên đầu để giúp nhà tuyển dụng dễ dàng thấy kỹ năng hiện tại của bạn. Đối với các công việc cũ hơn thì bạn chỉ giữ lại những việc trong 3 năm gần đây.

  • Sử dụng số liệu cụ thể: Bạn hãy tập trung đưa ra các, chứng chỉ và thành tích cụ thể để chứng minh năng lực của bạn.

Đính kèm portfolio: Một portfolio chất lượng là điểm cộng lớn trong mắt nhà tuyển dụng, đặc biệt trong các ngành liên quan đến sáng tạo như marketing, content, designer,... Nó giúp bạn thể hiện rõ ràng và xác minh được năng lực và kinh nghiệm đã có của mình.

Bạn chỉ nên ghi các kinh nghiệm liên quan đến vị trí ứng tuyển

Việc viết kinh nghiệm làm việc trong CV không chỉ đơn thuần là liệt kê những gì bạn đã làm, mà còn là cơ hội để bạn tỏa sáng trước nhà tuyển dụng. Qua bài viết trên, AIA Việt Nam hy vọng bạn sẽ thể hiện được năng lực, tiềm năng và sự phù hợp của mình với vị trí ứng tuyển để tiến gần hơn đến công việc mơ ước.

NGUỒN THAM KHẢO: 

1. https://www.topcv.vn/cach-viet-thanh-tich-dat-duoc-trong-cv

2. https://careerviet.vn/vi/talentcommunity/bi-kip-viet-kinh-nghiem-lam-viec-trong-cv-chuan-chinh-nhat.35A522EA.html

3. https://www.topcv.vn/cach-viet-kinh-nghiem-lam-viec-trong-cv

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.