Bài viết

Hội chứng sợ đám đông: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

22/03/2025 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Bạn có cảm thấy lo lắng khi ở trong đám đông? Bạn có biết rằng hội chứng sợ đám đông đang ngày càng phổ biến? Vậy, hội chứng sợ đám đông thực sự là gì? Làm thế nào để nhận biết và đối phó với nó? Hãy cùng AIA Việt Nam khám phá những thông tin hữu ích về hội chứng này.

1. Hội chứng sợ đám đông là gì?

Hội chứng sợ đám đông (enochlophobia) là nỗi sợ quá mức, đối với đám đông, khi đối diện với một nhóm lớn người bạn có thể cảm thấy khó chịu, lo lắng hoặc hoảng sợ. Dù là ở trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim hay bất kỳ nơi nào đông người cũng đều có thể trở thành nỗi ám ảnh.

Chứng sợ đám đông (enochlophobia) là nỗi sợ đám đông đến mức phi lý

Khi rối loạn lo âu trở nên nghiêm trọng, việc kiểm soát hay can thiệp vào cảm giác sợ hãi do bệnh gây ra trở nên vô cùng khó khăn. Hội chứng sợ đám đông thường phát sinh sau một hoặc nhiều lần trải qua cơn hoảng loạn. Người mắc hội chứng này luôn cảm thấy lo sợ về khả năng tái diễn hoảng loạn, vì vậy họ thường tìm cách tránh xa những nơi mà họ nghĩ có thể gây ra tình huống tương tự.

Mắc hội chứng sợ đám đông sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, đặc biệt đối với những người nhút nhát, sống nội tâm. Họ rất sợ phải ở những nơi đông người một mình và luôn cần người đồng hành bên cạnh. Đôi lúc họ sợ hãi đến mức không dám rời khỏi nhà.

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ đám đông

Mặc dù nguyên nhân gây ra hội chứng sợ đám đông vẫn còn là một ẩn số, song các nghiên cứu đã hé lộ một số yếu tố then chốt có mối liên hệ mật thiết với sự hình thành của nó

Liên quan đến rối loạn lo âu

Hội chứng sợ đám đông có thể phát sinh từ nền tảng của các rối loạn lo âu. Những người có xu hướng lo lắng quá độ thường dễ bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ hãi này. 

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, hội chứng sợ đám đông hiếm khi xuất hiện đơn lẻ. Nó thường đi kèm với các nỗi ám ảnh và sợ hãi khác, chẳng hạn như chứng sợ không gian mở, rối loạn lo âu xã hội, v.v.

Yếu tố di truyền và sự ảnh hưởng từ môi trường gia đình

Các nhà khoa học cho rằng, yếu tố gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành chứng sợ đám đông. Nếu cha mẹ có tiền sử mắc chứng bệnh này, con cái của họ có nguy cơ cao hơn do di truyền hoặc do "học hỏi" từ những quan sát trong quá trình trưởng thành.

Bên cạnh đó, một số trường hợp trẻ em phát triển nỗi sợ hãi từ những trải nghiệm thời thơ ấu. Ví dụ, trẻ từng bị lạc cha mẹ trong đám đông, hoặc bị cha mẹ bảo bọc quá kỹ, hạn chế tiếp xúc với xã hội. Những trải nghiệm này có thể khiến trẻ trở nên nhút nhát, xa lánh và dần dần hình thành nỗi sợ hãi đối với đám đông.

Ảnh hưởng của những chấn thương trong quá khứ

Những người từng trải qua những chấn thương về thể chất hoặc tinh thần trong đám đông có nguy cơ cao mắc chứng sợ đám đông. Họ có thể đã bị thương trong những sự kiện chen lấn, hoặc bị mắc kẹt, lạc lối trong đám đông.

Những trải nghiệm tiêu cực ở đám đông trong quá khứ có thể gây ra những chấn thương tâm lý

Những trải nghiệm tiêu cực này để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí, tạo ra mối liên kết giữa đám đông và nguy hiểm. Do đó, họ luôn tìm cách tránh xa những nơi đông người để phòng ngừa những rủi ro tương tự.

3. Dấu hiệu nhận biết người mắc hội chứng sợ đám đông

Việc xác định một người có mắc hội chứng sợ đám đông hay không có thể được thực hiện thông qua nhiều phương pháp. Tuy nhiên, do sự khác biệt trong triệu chứng giữa các cá nhân, hội chứng này biểu hiện một loạt các dấu hiệu đa dạng, ảnh hưởng đến cả khía cạnh tâm lý, hành vi, cảm xúc, tinh thần và thể chất

Dưới đây là tổng hợp một vài dấu hiệu của hội chứng sợ đám đông mà bạn nên lưu ý:

  • Người bệnh có cảm giác nghẹt thở hoặc không thể thở mỗi khi đứng trong đám đông.

  • Luôn trong trạng thái căng thẳng tinh thần hay đổ mồ hôi và run rẩy.

  • Người bệnh không phân biệt được thực tế và vô thực. Bệnh nhân có thể không hoạt động được bình thường.

  • Bị tăng nhịp tim, huyết áp cao và thường xuyên cảm thấy buồn nôn, đau dạ dày, hội chứng ruột kích thích là một trong số những dấu hiệu về mặt thể chất của hội chứng này.

  • Bệnh nhân thường tự cô lập bản thân để tránh tiếp xúc với đám đông. Biểu hiện lo lắng và có thể biến thành hoảng loạn khi nghĩ về đám đông.

Người bệnh luôn trong trạng thái căng thẳng khi ở trong đám đông

Nếu bạn nhận thấy bản thân có những biểu hiện tương tự, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm lý. Họ sẽ tiến hành các đánh giá chuyên môn, bao gồm cả bài kiểm tra hội chứng sợ đám đông, để đưa ra chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp.

4. Cách điều trị, khắc phục hội chứng sợ đám đông

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc chống trầm cảm thường được áp dụng trong việc điều trị hội chứng sợ đám đông, mặc dù thuốc chống lo âu cũng có thể được sử dụng nhưng ít phổ biến hơn. Trong các phương pháp điều trị này, thuốc chống trầm cảm thường mang lại kết quả tốt hơn. 

Hai loại thuốc chống trầm cảm phổ biến là fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft), ngoài ra cũng có thể sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm khác tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

Có thể điều trị hội chứng sợ đám đông bằng thuốc

Các triệu chứng có thể mất vài tuần mới có dấu hiệu cải thiện sau khi bắt đầu sử dụng thuốc. Đôi khi, bệnh nhân cần thử nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Khi bắt đầu hoặc kết thúc quá trình điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như cảm giác khó chịu hoặc thậm chí các triệu chứng hoảng loạn. Vì vậy, bác sĩ thường áp dụng phương pháp tăng dần liều khi mới bắt đầu và giảm dần liều khi sắp kết thúc điều trị để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ không mong muốn.

Điều trị tâm lý

Bên cạnh phương pháp điều trị dược lý, liệu pháp tâm lý là một cách hiệu quả để bạn vượt qua nỗi sợ đám đông từ bên trong.

  • Liệu pháp Hành vi - Nhận thức (CBT): Đây là một phương pháp điều trị rất hiệu quả đối với chứng sợ đám đông. CBT giúp bạn nhận diện và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực đang gây ra nỗi sợ. Bạn sẽ học cách thách thức những suy nghĩ phi lý và giảm bớt cảm giác lo lắng khi đối diện với đám đông.

  • Liệu pháp Phơi nhiễm: Liệu pháp này giúp bạn tiếp cận từ từ với nỗi sợ của mình qua từng bước nhỏ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tưởng tượng mình đang ở giữa đám đông hoặc nhìn vào hình ảnh của đám đông. Dần dần, bạn sẽ học cách đối mặt với đám đông thực tế một cách thoải mái hơn.

  • Kỹ thuật thư giãn: Các kỹ thuật như hít thở sâu, tưởng tượng và hình ảnh hướng dẫn giúp bạn thư giãn và giảm lo âu. Những phương pháp này giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn khi ở trong đám đông và làm giảm căng thẳng.

Vừa rồi là những thông tin chia sẻ về hội chứng sợ đám đông mà AIA Việt Nam gửi đến bạn. Nếu bạn xuất hiện một số các biểu hiện trên, hay đến gặp bác sĩ để có thể được điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo:
1. https://tamlyvietphap.vn/vuot-qua-chung-so-dam-dong-enochlophobia/
2. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/ban-hieu-gi-ve-hoi-chung-so-dam-dong-
3. https://youmed.vn/tin-tuc/hoi-chung-so-dam-dong/
4. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/co-khac-phuc-hoi-chung-so-dam-dong-nhu-nao
5. https://tamlyvietphap.vn/vuot-qua-chung-so-dam-dong-enochlophobia/

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ