Bài viết

Bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người phải làm sao?

22/09/2024 dot 5 phút đọc
Y học thường thức

Tình trạng bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Vậy phải làm sao để xử lý khi gặp phải tình trạng này? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng AIA Việt Nam tìm hiểu rõ nguyên nhân, cách nhận biết và những biện pháp hiệu quả để giảm triệu chứng dị ứng, mang lại sự thoải mái cho làn da và cơ thể của bạn.

1. Nổi mẩn đỏ khắp người là bệnh gì?

Thông thường, hiện tượng bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người có thể do các nguyên nhân đơn giản như vệ sinh kém, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, dị ứng với các tác nhân từ bên ngoài hoặc do yếu tố di truyền. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm mà bạn không ngờ tới.

  • Bệnh mề đay: Đây là một bệnh phổ biến và dễ nhận biết, với các triệu chứng đặc trưng như ngứa da, đặc biệt vào ban đêm, xuất hiện các nốt sần ở một vị trí hoặc lan khắp cơ thể. Kèm theo đó có thể là phù lưỡi, khó thở, buồn nôn, chóng mặt và đau bụng.

  • Bệnh vảy nến: Vảy nến là một bệnh da liễu mãn tính do quá trình tái tạo tế bào da diễn ra quá nhanh, dẫn đến tích tụ và tạo thành các mảng vảy bạc trên bề mặt da. Bệnh này gây ngứa ngáy khắp người và kéo dài trong thời gian dài.

  • Bệnh ghẻ: Đây là một bệnh có tính lây lan nhanh chóng, khi ký sinh trùng ghẻ sống trên da thì người bệnh sẽ bị ngứa ngáy khắp cơ thể, đặc biệt vào ban đêm. Việc bạn liên tục gãi ngứa sẽ làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

  • Viêm da: Viêm da có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau với các triệu chứng điển hình như ngứa da, da khô bong tróc vảy, có thể xuất hiện mụn nước hoặc phát ban.

Nổi mẩn đỏ cảnh báo nhiều căn bệnh ngoài da

2. Nguyên nhân da bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người

Khi bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người, nhiều người thường nghĩ ngay đến các vấn đề về da. Tuy nhiên, tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

Nổi mẩn ngứa toàn thân do các bệnh ngoài da:

  • Da khô: Đây là nguyên nhân thường gặp và gây ngứa mà không kèm theo các triệu chứng như nốt sần hay mụn. Chủ yếu do thời tiết lạnh, tắm nước nóng, hoặc lão hóa da.

  • Dị ứng: Do thuốc, thức ăn, mỹ phẩm, dẫn đến nổi mẩn và ngứa toàn thân hoặc tại vùng da tiếp xúc.

  • Vảy nến: Bệnh nhân thường bị khô da, nứt nẻ, đau nhức và ngứa rát do các mảng da bị phủ vảy bạc.

  • Viêm da dị ứng: Gây mẩn ngứa, đặc biệt ở những người có tiền sử dị ứng hoặc hen suyễn.

  • Thời tiết nóng: Nắng nóng làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây mẩn đỏ và ngứa, đặc biệt ở cổ, ngực và các nếp gấp da.

  • Nhiễm nấm: Thường ảnh hưởng đến các nếp gấp da như ngực hoặc bẹn.

  • Nổi mề đay: Đặc trưng bởi các mảng mẩn đỏ gây ngứa ngáy, đau rát.

  • Nhiễm ký sinh trùng: Như ghẻ, gây ngứa rát và nổi mẩn khi cơ thể phản ứng dị ứng.

  • Nguyên nhân khác: Bao gồm viêm nang lông, viêm tuyến bã nhờn, tổ đỉa,...

Bị mẩn ngứa khắp người do các bệnh lý bên trong cơ thể:

  • Chức năng thận suy giảm: Thận yếu gây tích tụ độc tố, dẫn đến phù nề và ngứa toàn thân.

  • Bệnh lý về gan: Xơ gan, gan nhiễm mỡ làm gan giảm khả năng đào thải độc tố, gây ngứa da và có thể kèm theo vàng da.

  • Tiểu đường: Đường huyết cao làm tổn thương mạch máu dưới da, dẫn đến da khô và ngứa.

  • Rối loạn tuyến giáp: Cường giáp hoặc suy giáp gây mất cân bằng hệ miễn dịch, dẫn đến nổi mẩn đỏ và ngứa.

  • Thay đổi hormone: Mất cân bằng hormone gây bốc hỏa và ngứa da, thường gặp ở phụ nữ mang thai, mãn kinh và tiền mãn kinh.

  • Bệnh xã hội: Các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV cũng gây ngứa da.

  • Nguyên nhân khác: Thay đổi thời tiết, vệ sinh kém, căng thẳng, thiếu sắt, đa hồng cầu,...

Mẩn đỏ xuất hiện do nhiều nguyên nhân trong và ngoài da

3. Những đối tượng thường hay mắc phải

Dưới đây là 3 nhóm đối tượng dễ bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người:

  • Trẻ em: Thường dễ bị nổi mẩn đỏ khắp người do dị ứng với thực phẩm, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc côn trùng cắn. Các yếu tố như thay đổi áp suất, thời tiết lạnh và yếu tố thể chất cũng là nguyên nhân phổ biến. 

  • Phụ nữ mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố và căng thẳng trong giai đoạn mang thai làm tăng nguy cơ bị mẩn đỏ. Ngoài ra, cảm lạnh, cúm và sự mất cân bằng tạm thời của men gan cũng có thể gây ra hiện tượng trên. 

  • Phụ nữ sau sinh: Sau khi sinh, các yếu tố về thể chất, tinh thần và cảm xúc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch có thể khiến người mẹ dễ mắc các bệnh về da như mẩn đỏ, mề đay. Quá trình sinh nở và chăm sóc trẻ sơ sinh làm sức khỏe của người mẹ suy kiệt và dễ bị tác động bởi các yếu tố môi trường. Bên cạnh đó, việc thiếu ngủ, lo lắng quá mức và thay đổi chế độ ăn uống cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng da mẩn đỏ.

Đa số mọi người đều có khả năng bị mẩn đỏ da

4. Cách xử lý khi bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người

Khi gặp phải tình trạng bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người, tốt nhất bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý từ AIA:

4.1 Sử dụng thuốc giảm ngứa

Nếu cơn ngứa khiến bạn khó chịu mà chưa rõ nguyên nhân, bạn có thể sử dụng các loại thuốc sau (theo chỉ định của bác sĩ):

  • Thuốc kháng Histamin H1: Giúp giảm triệu chứng dị ứng bằng cách ức chế histamin, từ đó làm giảm cảm giác ngứa.

  • Thuốc chẹnH2: Thu hẹp mạch máu, giảm viêm và phù nề tại các vết ngứa.

  • Thuốc Corticoid: Giảm ngứa nhanh bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch.

Các cách xử lý khi bị mẩn đỏ khắp người

4.2 Điều trị nguyên nhân gây ngứa

Khi đã xác định nguyên nhân gây ngứa, việc bạn điều trị đúng nguyên nhân sẽ giúp giảm triệu chứng:

  • Loại bỏ tác nhân dị ứng: Nếu ngứa do dị ứng, loại bỏ nguyên nhân sẽ giúp giảm ngứa nhanh chóng.

  • Điều trị bệnh gan: Dùng thuốc bổ gan, giải độc gan hoặc các thảo dược như mật nhân, cà gai leo,..

  • Điều trị tiểu đường: Kiểm soát đường huyết bằng thuốc như Gliclazide, Metformin hoặc các thảo dược như tâm sen, cây thìa canh.

4.3 Mẹo giảm ngứa tại nhà

Nếu chỉ mới bị ngứa nhẹ hoặc nghi ngờ do dị ứng, bạn có thể thử các biện pháp sau:

  • Tránh gãi: Gãi có thể làm tổn thương da và làm cơn ngứa trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Mặc quần áo thoáng mát: Giữ cơ thể mát mẻ và tránh để da bị quá khô hoặc quá nóng.

  • Không tắm nước nóng: Nước nóng có thể làm da khô hơn, gây ngứa.

  • Dưỡng ẩm cho da: Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm an toàn, phù hợp và lành tính với da.

  • Chườm lạnh: Chườm khăn lạnh lên vùng da ngứa để giảm nhanh cơn ngứa.

  • Tắm bằng lá trà xanh hoặc bạc hà: Giúp sát khuẩn và làm dịu da.

  • Giảm căng thẳng: Nghỉ ngơi, tập yoga hoặc thiền để giảm căng thẳng cho cơ thể.

  • Bôi gel nha đam: Bôi nha đam lên vùng bị mẩn đỏ giúp làm dịu da và cấp ẩm.

  • Tránh tiếp xúc hóa chất: Đeo găng tay khi rửa bát, giặt đồ và tránh thức ăn dễ gây dị ứng.

Tránh gãi da khi đang bị mẩn đỏ

Trên đây là những chia sẻ của AIA Việt Nam về tình trạng bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người. Hy vọng những chia sẻ này đã cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích để xử lý hiệu quả khi bản thân hoặc người thân gặp phải vấn đề này.

 

Nguồn tham khảo:
1. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/tu-nhien-bi-man-ngua-khap-nguoi-phai-lam-sao-vi
2. https://tamanhhospital.vn/me-day/
3. https://dalieuhongcuong.com/cac-yeu-to-gay-nen-tinh-trang-ngua-toan-than

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ