Bài viết

Mụn cóc có tự hết không? Cách điều trị tận gốc

19/09/2024 dot 5 phút đọc
Y học thường thức

Mụn cóc là một vấn đề da liễu khá phổ biến và khiến nhiều người băn khoăn liệu mụn cóc có tự hết không. Bài viết này của AIA Việt Nam sẽ giải đáp chi tiết về mụn cóc, nguyên nhân, triệu chứng, và cách điều trị hiệu quả để bạn có thể hiểu rõ hơn về tình trạng này.

1. Mụn cóc là gì?

Mụn cóc là những u nhú nhỏ trên da, gây ra bởi virus Human Papillomavirus (HPV). Virus này lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc qua các bề mặt nhiễm khuẩn. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở tay, chân và vùng sinh dục. 

Mụn cóc có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành từng nhóm và gây mất thẩm mỹ. Mỗi loại mụn cóc đều có những đặc điểm khác nhau, từ kích thước, màu sắc cho đến cảm giác khi chạm vào.

2. Các loại mụn cóc thường gặp

Có nhiều loại mụn cóc khác nhau, mỗi loại có đặc điểm và vị trí xuất hiện riêng. Dưới đây là một số loại mụn cóc thường gặp và triệu chứng:

  • Mụn cóc thường: Loại phổ biến nhất, là những khối u nhỏ, sần sùi với màu sắc đen hoặc xám, thường xuất hiện trên ngón tay, bàn tay, cẳng tay, bàn chân, ngón chân, hoặc quanh móng. Nguyên nhân chủ yếu là do virus xâm nhập qua các vết xước nhỏ trên da khi bạn cắn móng tay, cắt móng hoặc làm móng. Kích thước của mụn cóc rất khác nhau, có thể chỉ nhỏ bằng hạt gạo từ 1 - 2mm hoặc lớn hơn nhiều đến vài chục mm. 

Mụn cóc thường

  • Mụn cóc bàn chân: Mọc ở lòng bàn chân hoặc gót chân, chúng có thể trở nên khá lớn và gây đau khi đi lại và dễ vỡ do áp lực lên vùng mụn.

Mụn cóc bàn chân

  • Mụn cóc sinh dục: hay còn được gọi quen thuộc là bệnh sùi mào gà. Là loại mụn cóc nguy hiểm, lây truyền qua đường tình dục và mọc ở bộ phận sinh dục. Mụn có hình dạng giống súp lơ màu xám hoặc trắng nhạt và là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. 

Mụn cóc sinh dục

  • Mụn cóc phẳng: Mụn có kích thước nhỏ hơn, bề mặt nhẵn và phẳng. Thường xuất hiện trên mặt, cổ và mu bàn tay. Loại này có khả năng lây nhiễm nhanh chóng từ những vết xước hoặc khi cạo râu. 

Mụn cóc phẳng

3. Mụn cóc có tự hết không?

Vậy mụn cóc có tự hết không? Câu trả lời là CÓ, một số mụn cóc có thể tự khỏi nhưng điều này không xảy ra với tất cả mọi người và không phải trong trường hợp nào cũng xảy ra. Thông thường mụn cóc biến mất sau vài tháng đến vài năm. Khoảng 25% các trường hợp mụn cóc có thể tự biến mất trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, đối với 65% còn lại, quá trình tự khỏi có thể kéo dài đến tận hai năm.

Với những trường hợp mụn cóc không tự hết, chúng có thể lan rộng hơn theo thời gian. Đặc biệt, việc không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc lan sang các vị trí khác trên cơ thể.  Do đó, không nên đợi mụn cóc mọc quá nhiều hoặc quá lâu, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa da để kiểm tra và điều trị sớm.

4. Mụn cóc có gây ngứa không?

Mụn cóc có thể gây ngứa ở một số người. Nguyên nhân là do khi virus xâm nhập thông qua các vết thương hở sẽ tạo ra các nốt sần sùi trên bề mặt da.  Những nốt sần này được bao phủ bởi lớp da khô, bị kích ứng nên gây ngứa. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy ngứa, hãy tránh gãi vì điều này có thể làm mụn lan rộng hoặc nhiễm trùng. Ngoài ra, chúng có thể gây ra các triệu chứng khác như đau và rát.

5. Cách điều trị mụn cóc tận gốc hiệu quả

Nếu mụn cóc gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, bạn nên tìm đến bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị. Dưới đây là một số phương pháp điều trị mụn cóc phổ biến:

5.1 Sử dụng thuốc bôi

Sử dụng thuốc bôi ngoài da là một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả để điều trị mụn cóc. Dưới đây là một số thuốc bôi ngoài da để trị mụn cóc:

  • Axit salicylic: Đây là loại thuốc bôi phổ biến giúp loại bỏ các tế bào chết trên bề mặt mụn cóc, dần dần làm mụn cóc nhỏ lại và biến mất.  Salicylic acid được bán dưới nhiều dạng như nước, băng tẩm, dầu thoa hoặc kem.

  • Thuốc bôi chứa cantharidin: Cantharidin là một hợp chất gây phồng rộp da, giúp loại bỏ mụn cóc dễ dàng hơn sau khi các tế bào bị tổn thương bong ra. Cantharidin có thể gây kích ứng da nên cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.

Sử dụng salicylic axit để điều trị mụn cóc

5.2 Điều trị bằng phương pháp y khoa

Điều trị mụn cóc bằng phương pháp y khoa thường được áp dụng khi các phương pháp tự điều trị tại nhà không mang lại kết quả, hoặc khi mụn cóc lớn, lan rộng. Dưới đây là một số phương pháp y khoa phổ biến được sử dụng để điều trị mụn cóc:

  • Đốt điện (Electrocautery): Phương pháp này sử dụng điện cao tần để đốt cháy và loại bỏ mụn cóc và thường được áp dụng cho mụn cóc nhỏ hoặc ở vị trí khó tiểu phẫu như kẽ ngón tay, ngón chân. Nó giúp lấy sạch nhân mụn nhanh chóng, đơn giản và chi phí thấp. Tuy nhiên, vết thương có thể lâu lành và dễ nhiễm trùng, do đó cần chăm sóc kỹ lưỡng.

  • Phẫu thuật lạnh (Cryotherapy): Bác sĩ sử dụng nitơ lỏng tác động vào mụn cóc và tạo vết phồng rộp, sau đó mụn cóc sẽ tự bong tróc. Phương pháp này có thể gây sẹo, tê, mất cảm giác tạm thời hoặc mất sắc tố da vĩnh viễn. Vì thế không nên áp dụng cho da quá sáng hoặc quá tối màu, đặc biệt với mụn cóc trên mặt. Vì có thể gây đau, phương pháp này không phù hợp cho trẻ nhỏ.

  • Liệu pháp laser: Laser CO2 có thể được sử dụng để tiêu diệt các mô mụn cóc một cách nhanh chóng. Người bệnh cần được ủ tê để giảm đau trong quá trình thực hiện và cần được theo dõi vết thương cẩn thận sau khi thực hiện xong để tránh nhiễm trùng hay để lại sẹo. 

Điều trị mụn cóc bằng phương pháp phẫu thuật

6. Các biện pháp phòng ngừa mụn cóc

Để tránh mụn cóc tái phát hoặc lan rộng, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Giữ vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc vật dụng bị nhiễm bẩn.

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc của người khác: Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, kéo cắt móng với người bị mụn cóc.

  • Mang giày dép khi ở nơi công cộng: Nơi công cộng như hồ bơi, phòng thay đồ là môi trường dễ lây lan virus HPV. Mang giày dép sẽ giúp bạn tránh tiếp xúc với virus.

  • Tăng cường sức đề kháng: Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc.

Tóm lại, mụn cóc có thể tự khỏi, nhưng quá trình này có thể kéo dài và không phải lúc nào cũng xảy ra. Để điều trị mụn cóc hiệu quả, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ da liễu.

Các thông tin trên đã giúp bạn trả lời được cho câu hỏi mụn cóc có tự hết không? Và hi vọng rằng bài viết này của AIA Việt Nam giúp bạn trong vài trường hợp cụ thể.

 

Tài liệu tham khảo:
1. https://medlatec.vn/tin-tuc/mun-coc-la-gi-cac-tac-nhan-lay-nhiem-va-cach-dieu-tri-s189-n18608
2. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/mun-coc-thong-thuong-co-tu-rung-vi
3. https://tamanhhospital.vn/cach-tri-mun-coc/

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ