Bài viết

Rối loạn tiền đình là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả

15/03/2025 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Bạn gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng? Đây có thể là dấu hiệu của rối loạn tiền đình. Vậy rối loạn tiền đình là gì? Bệnh lý này tuy không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đây của AIA Việt Nam sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý thần kinh này.

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Tiền đình là một hệ thống nằm ở tai trong và não bộ, có nhiệm vụ duy trì thăng bằng cho cơ thể khi di chuyển, đứng hoặc thay đổi tư thế. Hệ thống tiền đình đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tư thế, giữ thăng bằng và định hướng không gian cho cơ thể. Rối loạn tiền đình là tình trạng hệ thống tiền đình trong tai trong hoặc não bộ bị rối loạn, gây mất cân bằng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, thậm chí té ngã.

Rối loạn tiền đình là bệnh lý thần kinh thường gặp

Rối loạn tiền đình có thể xuất hiện đột ngột hoặc kéo dài theo thời gian, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến hệ thần kinh và tuần hoàn máu não.

2. Phân loại rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình được chia thành hai loại chính:

2.1. Rối loạn tiền đình ngoại biên

Rối loạn tiền đình ngoại biên (90-95% trường hợp) do nhiều nguyên nhân như tổn thương tai trong, dây thần kinh tiền đình hoặc tắc nghẽn mạch máu vùng sau cổ.  

Biểu hiện của rối loạn tiền đình ngoại biên là chóng mặt thoáng qua khi đổi tư thế nhưng vẫn khá tỉnh táo khi di chuyển. Triệu chứng khi bị nặng sẽ là chóng mặt dữ dội, kéo dài kèm nôn ói, ù tai, giảm thính lực, thậm chí té ngã.

Rối loạn tiền đình ngoại biên do tắc nghẽn mạch máu vùng sau cổ

2.2. Rối loạn tiền đình trung ương

Rối loạn tiền đình trung ương là do tai biến mạch máu não, viêm, u não…. gây nên tổn thương hệ thần kinh trung ương (nhân tiền đình, thân não, tiểu não). Loại rối loạn tiền đình này gây nên triệu chứng chóng mặt, đi đứng khó khăn, choáng váng khi đổi tư thế, kèm theo cả nôn ói. 

3. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là bệnh lý thần kinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến như:

3.1. Rối loạn tuần hoàn máu não

Rối loạn tuần hoàn máu não do lưu lượng máu đến não kém, tắc nghẽn mạch máu, thiếu máu lên não, huyết áp thấp hoặc xơ vữa động mạch. Đây là nguyên nhân khiến hệ tiền đình bị ảnh hưởng và gây ra chóng mặt, mất thăng bằng.

Rối loạn tuần hoàn máu não gây chóng mặt

3.2. Viêm dây thần kinh tiền đình

Khi dây thần kinh bị viêm, các virus, vi khuẩn hoặc các bệnh nhiễm trùng sẽ tổn thương dây thần kinh điều khiển tiền đình, gây ra rối loạn. Viêm tai giữa, nhiễm trùng tai trong, bệnh Ménière (tích tụ dịch trong tai trong) có thể gây mất thăng bằng và ù tai.

3.3. Chấn thương vùng đầu, cổ

Các chấn thương vùng đầu, cổ, dù là do tai nạn hay va đập mạnh, đều gây tổn thương hệ tiền đình. Nguyên nhân này thường ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng, thậm chí gây rối loạn tiền đình mãn tính nếu chấn thương lặp lại nhiều lần.

3.4. Rối loạn chuyển hóa

Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu, suy giáp đều ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tuần hoàn máu. Khi các cơ quan thần kinh và máu bị ảnh hưởng, chức năng tiền đình cũng bị suy giảm, gây rối loạn kéo dài.

3.5. Ảnh hưởng từ thuốc và chất kích thích

Một số loại thuốc như kháng sinh nhóm aminoglycosid, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, cũng như các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê cũng là nguyên nhân gây tổn thương tiền đình. Trong quá trình sử dụng các chất trên, hệ thần kinh trung ương bị tác động và rất dễ gặp phải tình trạng rối loạn tiền đình.

Sử dụng chất kích thích gây rối loạn tiền đình

4. Triệu chứng nhận biết rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân bệnh. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Chóng mặt, đầu quay cuồng, hoa mắt

  • Mất thăng bằng, dễ té ngã

  • Buồn nôn, nôn ói

  • Mất ngủ, hay mệt mỏi

  • Ù tai, giảm thính lực

  • Rối loạn thị giác, nhìn mờ, sợ ánh sáng

  • Tập trung kém, trí nhớ suy giảm

  • Rung giật nhãn cầu 

5. Cách chẩn đoán rối loạn tiền đình

Để chẩn đoán rối loạn tiền đình, bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng, kết hợp với các xét nghiệm chuyên biệt. Dưới đây là một số phương pháp được dùng để bệnh lý này:

MRI chẩn đoán rối loạn tiền đình và phát hiện các khối u

  • Điện ký rung giật nhãn cầu (ENG): Sử dụng điện cực để đo chuyển động mắt, đánh giá chức năng tiền đình và các vấn đề thần kinh.

  • Xét nghiệm xoay vòng: Theo dõi chuyển động mắt khi đầu di chuyển để đánh giá sự phối hợp giữa mắt và tai trong.

  • Đo âm ốc tai (OAE): Đo đáp ứng của tế bào lông chuyển trong ốc tai với kích thích âm thanh, đánh giá chức năng của chúng.

  • MRI và CT-Scanner sọ não: Phát hiện các khối u, tai biến và bất thường mô mềm liên quan.

  • Siêu âm chuyên sâu hệ mạch cảnh đốt sống: xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch…

6. Phương pháp điều trị rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là bệnh lý có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm của bác sĩ, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra bệnh:

6.1. Sử dụng thuốc điều trị

Các loại thuốc dùng trong điều trị rối loạn tiền đình gồm:

  • Thuốc giảm chóng mặt như betahistine, dimenhydrinate

  • Thuốc hỗ trợ tuần hoàn não như piracetam, cinnarizine

  • Thuốc giảm lo âu, chống nôn…

Sử dụng thuốc điều trị rối loạn tiền đình

6.2. Phục hồi chức năng tiền đình

Các bài tập vật lý trị liệu gồm đầu, mắt và toàn thân sẽ được thiết kế đặc biệt cho bệnh nhân điều trị rối loạn tiền đình. Các động tác này cải thiện khả năng thăng bằng, giảm các triệu chứng chóng mặt, giúp hệ tiền đình thích nghi và phục hồi chức năng tốt hơn. 

6.3. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống cũng rất quan trọng để giảm rối loạn tiền đình, cụ thể bệnh nhân trong quá trình điều trị cần:

  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B, omega-3 như thịt, trứng, sữa, cá hồi, cá thu, dầu ô liu

  • Hạn chế sử dụng muối, đường và các loại chất béo xấu

  • Uống đủ 2l nước mỗi ngày

  • Kiêng các chất kích thích như: rượu bia, cà phê, thuốc lá…

7. Cách phòng ngừa rối loạn tiền đình

Để giảm nguy cơ mắc rối loạn tiền đình, bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo chỉ định của bác sĩ, ví dụ như:

7.1. Tập thể dục thường xuyên

Một trong những cách hiệu quả nhất là tập thể dục thường xuyên. Các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ hoặc đạp xe không chỉ giúp tăng cường tuần hoàn máu lên não mà còn cải thiện khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. 

Tập yoga giúp giảm thiểu nguy cơ rối loạn tiền đình hiệu quả

7.2. Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng

Để giảm căng thẳng, bạn nên duy trì giấc ngủ chất lượng, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày và hạn chế thức khuya. Ngoài ra, tham gia các hoạt động thư giãn như thiền, nghe nhạc, xem phim để giúp tinh thần thư thái hơn.

7.3. Kiểm soát các bệnh lý nền

Các bệnh lý như huyết áp cao, tiểu đường hay rối loạn mỡ máu đều có thể gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn và thần kinh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó bạn cần kiểm soát bệnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện các bệnh lý này.

7.4. Hạn chế tác động xấu đến tiền đình

Khi thay đổi tư thế, bạn nên thực hiện một cách từ từ để tránh làm ảnh hưởng đến hệ tiền đình. Đồng thời, người rối loạn tiền đình cần hạn chế tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng hay tiếng ồn Vì đây cũng là nguyên nhân kích thích quá mức hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng khó chịu. 

Hy vọng bài viết trên đây của AIA Việt Nam đã giúp bạn hiểu về rối loạn tiền đình là gì. Rối loạn tiền đình không phải là một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bạn và gia đình cần chủ động bảo vệ sức khỏe, điều chỉnh lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh ngay từ bây giờ.

Nguồn tham khảo:
1. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/roi-loan-tien-dinh-la-benh-gi-vi
2. https://tamanhhospital.vn/roi-loan-tien-dinh/
3. https://tytphuongsoky.medinet.gov.vn/chuyen-muc/roi-loan-tien-dinh-nguyen-nhan-bieu-hien-va-dieu-tri-cmobile11684-91282.aspx
4. https://www.vinmec.com/vie/benh/roi-loan-tien-dinh-3032
5. https://tamanhhospital.vn/dieu-tri-roi-loan-tien-dinh/

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ