Bài viết

Mắc sốt xuất huyết có tắm được không? Những điều cần lưu ý

25/08/2023 dot 7 phút đọc
Y học thường thức

Nhiều bệnh nhân khi mắc sốt xuất huyết thường sẽ kiêng tắm và gội đầu. Vậy điều này là đúng hay sai, thực tế người bị mắc sốt xuất huyết có được tắm không?  Cùng AIA Việt Nam tìm hiểu câu trả lời thông qua bài viết sau. 

1. Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có được tắm không?

Người mắc bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể tắm rửa bình thường. Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh cảm thấy mệt mỏi và lo ngại rằng tắm sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn, thực tế cho thấy rằng đây là quan niệm sai lầm. 

Tắm bằng nước ấm và nhanh trong phòng kín là hoàn toàn an toàn. Trong trường hợp không thể tắm, bệnh nhân cũng có thể lau người bằng khăn sạch và nước ấm. Giữ cho cơ thể sạch sẽ khi bị sốt xuất huyết rất quan trọng vì đây là thời điểm sức đề kháng của người bệnh suy giảm, có nguy cơ bị bội nhiễm sốc hay suy đa tạng. Nếu tắm nước có nhiệt độ quá cao hay quá thấp sẽ ảnh hưởng đến việc co giãn mạch máu, khiến bệnh trở nặng, thậm chí có nguy cơ tử vong.

 

Tùy từng trường hợp mà bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tắm hay không

2. Mắc sốt xuất huyết có gội đầu được không?

Bên cạnh câu hỏi: “Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có tắm được không?” thì nhiều người còn có câu hỏi: “Mắc sốt xuất huyết có được gội đầu không?”. Câu trả lời là có thể, nhưng còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. 

Trong những ngày đầu của bệnh, nếu bệnh nhân sốt cao, đang trong giai đoạn nguy hiểm (ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi phát bệnh) hoặc đang điều trị tại bệnh viện thì không nên gội đầu. Khi sức khỏe ổn định hơn, bệnh nhân có thể gội đầu bình thường. 

Lưu ý, khi gội đầu không nên chà sát mạnh, tránh xuất huyết dưới da hoặc trong cơ. Gội đầu nhẹ nhàng bằng nước ấm để loại bỏ mồ hôi trên da, tuyệt đối không sử dụng nước lạnh. Với những người có tóc dày và dài thì nên sấy khô tóc ngay sau khi gội, tránh tình trạng tóc ẩm làm cơ thể nhiễm lạnh.

Xem thêm: Bệnh sốt xuất huyết có lây không? Lây qua đường nào là chủ yếu

Bệnh nhân nên gội đầu khi sức khỏe đã ổn định

3. Một số sai lầm phổ biến người bệnh sốt xuất huyết thường mắc phải

Sốt xuất huyết có thể chuyển nặng ở bất kỳ người nào, lứa tuổi nào vì thế không được chủ quan và có những nhận thức sai lầm về bệnh. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến người bệnh sốt xuất huyết thường mắc phải. 

3.1. Hết sốt là khỏi sốt xuất huyết

Hết sốt không có nghĩa là khỏi bệnh. Sau khi giảm sốt từ ngày thứ ba, bệnh nhân sốt xuất huyết thường chủ quan nghĩ bệnh đã khỏi. Tuy nhiên, từ ngày 3 đến 7 mới là thời gian bệnh có khả năng nặng hơn. Virus Dengue làm suy yếu hệ miễn dịch, có thể gây biến chứng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, và nghiêm trọng hơn là chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí tử vong. Do đó, giai đoạn này cần được được theo dõi chặt chẽ.

3.2. Không mắc lại sốt xuất huyết

 

Nhiều người lầm tưởng rằng, sau khi mắc sốt xuất huyết một lần, họ sẽ không bao giờ mắc lại. Tuy nhiên, quan niệm này không hoàn toàn chính xác. Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có bốn chủng khác nhau: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. 

Khi mắc bệnh, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể, nhưng chỉ đối với chủng virus mà người bệnh đã nhiễm. Do đó, mặc dù người bệnh có thể không bị nhiễm lại chủng virus cũ, họ vẫn có khả năng mắc chủng mới và tái phát sốt xuất huyết. 

3.3. Người mắc bệnh sốt xuất huyết không được uống nước dừa

 

Nhiều người cho rằng người bệnh sốt xuất huyết không được uống nước dừa. Đây là quan niệm sai lầm bởi nước dừa là một trong những loại nước điện giải có thể thay thế cho Oresol. 

Ngoài ra còn có một số loại nước khác như nước cam, nước chanh, nước bưởi đều có thể dùng để bù lại lượng dịch mất đi. Các loại nước này còn cung cấp khoáng chất và vitamin C, góp phần tăng cường sức đề kháng và củng cố thành mạch.

Nước dừa giúp bù lại lượng dịch đã mất khi sốt xuất huyết

3.4. Mẹ dính sốt xuất huyết cách ly bé và không cho con bú

 

Nhiều người lầm tưởng rằng cần phải cách ly và không cho con bú khi mẹ mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, điều này là không chính xác bởi vì bệnh lây qua đường máu, không ảnh hưởng đến trẻ.

Mẹ cần chú trọng dinh dưỡng, uống đủ nước để duy trì lượng sữa. Ngoài ra mẹ nên ngủ màn, tránh muỗi, phun xịt thuốc và diệt bọ gậy. Đặc biệt, khi biết mình bị bệnh mẹ cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn. 

3.5. Cạo gió, cắt lể khi trẻ mắc sốt xuất huyết

 

Nhiều bà mẹ, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ, khi trẻ mắc sốt xuất huyết, thường cạo gió hay cắt lể để lấy bớt máu độc. Đây là một sai lầm, vì những biện pháp này có thể gây chảy máu khó cầm và tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập, dẫn đến rối loạn đông máu nguy hiểm cho trẻ. 

4. Khỏi sốt xuất huyết bao lâu thì người bệnh được tắm?

Để trả lời cho câu hỏi “Khỏi sốt xuất huyết bao lâu thì được tắm?”, trước hết hãy cùng xem lại diễn tiến của bệnh và thời gian hồi phục.

Sốt xuất huyết thường trải qua 4 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1 - ủ bệnh: Virus Dengue đi vào cơ thể, xâm nhập vào máu và lan ra toàn thân từ 2 đến 7 ngày sau khi muỗi đốt. Trung bình, thời gian ủ bệnh sẽ khoảng 4 đến 7 ngày, tùy thuộc vào cơ địa và sức khỏe của mỗi người.

  • Giai đoạn 2 - sốt: Bệnh nhân bắt đầu sốt cao (39 đến 40 độ C) và uống thuốc hạ sốt không giảm. Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến 7 ngày và có thể đi kèm các triệu chứng như phát ban, đau nhức, buồn nôn,...

  • Giai đoạn 3 - hạ sốt: Cơn sốt bắt đầu thuyên giảm sau từ 3 đến 7 ngày tính từ ngày sốt đầu tiên. Đây là giai đoạn nguy hiểm vì bệnh nhân có nguy cơ cao gặp phải những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng thứ phát, cô đặc máu và hạ tiểu cầu.

  • Giai đoạn 4 - hồi phục: Nếu được điều trị đúng và kịp thời, bệnh nhân sẽ vượt qua giai đoạn nguy hiểm và bước vào giai đoạn hồi phục. Bệnh nhân sẽ không còn sốt, huyết áp trở lại bình thường, và các triệu chứng khác sẽ dần cải thiện.

Vậy khỏi sốt xuất huyết bao lâu thì được tắm? Sau khi vượt qua giai đoạn hồi phục, bệnh nhân hoàn toàn có thể tắm và gội đầu bình thường. Tuy nhiên, lúc này cơ thể vẫn còn yếu vì thế bệnh nhân nên tắm nhanh và hạn chế để cơ thể bị nhiễm lạnh.

Sau khi phục hồi, bệnh nhân có thể tắm bình thường

5. Một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

 

Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chăm sóc đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết:

  • Bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại giường, không nên để bệnh nhân đi một mình khi quá mệt hoặc bị choáng để tránh vấp ngã.

  • Cho người bệnh uống điện giải khi bị sốt vì lúc này cơ thể bị mất nước bằng nước dừa, nước cam, oresol,...

  • Uống hạ sốt bằng Paracetamol nếu sốt cao trên 38,5 độ C, mỗi lần uống cách nhau 4 đến 6 tiếng. Nếu người bệnh sốt nhẹ thì dùng khăn ấm lau người, đắp khăn vào vùng bẹn, nách.

  • Người bệnh sốt xuất huyết cần chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, nên chia nhỏ các bữa ăn và ưu tiên các món dạng lỏng, mềm, dễ nuốt.

  • Theo dõi sức khỏe bệnh nhân thường xuyên để kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường. 

  • Tắm và lau người bằng nước ấm, không sử dụng nước lạnh.

  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ dù đã hết sốt.

  • Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân cần bổ sung dưỡng chất và vitamin để hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Hy vọng bài viết trên của AIA Việt Nam đã giúp bạn đọc tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Mắc sốt xuất huyết có tắm được không?”. Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, có thể chuyển nặng nếu không được chăm sóc đúng cách vì thế hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi làm bất cứ điều gì. 

Xem thêm: Dấu hiệu của sốt xuất huyết ở người lớn: Nguyên nhân và các điều trị bệnh

 

Tài liệu tham khảo:
1. https://vienhuyethoc.vn/7-quan-niem-sai-lam-ve-sot-xuat-huyet-khien-benh-de-tro-nang/
2. https://vnvc.vn/sot-xuat-huyet-co-duoc-tam-khong/
3. https://medlatec.vn/tin-tuc/sot-xuat-huyet-co-duoc-tam-khong-can-luu-y-dieu-gi-s94-n30892

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ