Bài viết

8 triệu chứng sỏi thận thường gặp không phải ai cũng biết

15/03/2025 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Sỏi thận là là một trong những bệnh lý tiết niệu phổ biến nhưng không phải ai cũng nhận ra triệu chứng sỏi thận ngay từ đầu. Bệnh có thể không gây triệu chứng ở giai đoạn đầu, nhưng khi sỏi di chuyển hoặc phát triển lớn, người bệnh sẽ gặp phải biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm 8 dấu hiệu sỏi thận giúp phát hiện và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Cùng AIA Việt Nam bảo vệ sức khỏe thận ngay từ bây giờ.

1. Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là tình trạng xuất hiện các khối rắn kết tinh từ khoáng chất và muối trong nước tiểu, hình thành trong thận hoặc đường tiết niệu. Sỏi nhỏ mới hình thành có kích thước như hạt cát và sỏi lớn có thể lên đến vài centimet. Nếu di chuyển trong niệu quản, sỏi sẽ gây đau đớn dữ dội, viêm nhiễm lây lan và ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.

Sỏi thận ảnh hưởng đến thận và cả niệu đạo

2. 8 triệu chứng sỏi thận thường gặp

Sỏi thận dần hình thành và xuất hiện những triệu chứng phổ biến dưới đây:

2.1. Cơn đau quặn thận dữ dội

Cơn đau quặn thận là triệu chứng sỏi thận điển hình nhất của sỏi thận. Đau xuất hiện đột ngột, tăng dần theo cấp độ  ở vùng lưng dưới hoặc hông, có thể lan xuống vùng bụng dưới, bẹn hoặc cơ quan sinh dục. Cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ và kèm theo các triệu chứng khác.

2.2. Đau hoặc rát khi đi tiểu

Khi di chuyển qua niệu quản và bàng quang, sỏi thận cọ xát vào niêm mạc đường tiết niệu, gây kích ứng và tổn thương. Nguyên nhân này làm cho bạn cảm giác đau rát khi đi tiểu, do nước tiểu tiếp xúc với vùng niêm mạc bị tổn thương. Ngoài ra, sỏi cũng có thể gây viêm nhiễm, làm tăng thêm cảm giác khó chịu khi đi tiểu.

Đau hoặc rát khi đi tiểu là triệu chứng của sỏi thận

2.3. Tiểu gấp, tiểu buốt, tiểu rắt

Sỏi thận khi di chuyển vào niệu quản hoặc bàng quang sẽ gây kích thích và cản trở dòng chảy nước tiểu, tạo cảm giác buồn tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu mỗi lần lại ít. Đồng thời, sự cọ xát của sỏi vào niêm mạc đường tiết niệu gây ra tình trạng viêm nhiễm, dẫn đến cảm giác buốt rát mỗi khi đi tiểu.

2.4. Tiểu ra máu

Sỏi thận cọ xát và làm tổn thương niêm mạc đường tiết niệu trong quá trình di chuyển. Tổn thương này dẫn đến triệu chứng sỏi thận nước tiểu có máu. Đây là triệu chứng rõ rệt nhất mà người bệnh cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra. 

2.5. Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi

Nếu nước tiểu có màu đục hoặc mùi hôi, đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu do sỏi gây ra. Vi khuẩn phát triển trong nước tiểu bị ứ đọng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi thường là do viêm nhiễm

2.6. Giảm lượng nước tiểu hoặc bí tiểu

Sỏi lớn có thể gây tắc nghẽn đường tiểu, làm giảm hoặc ngừng dòng chảy nước tiểu, dẫn đến tình trạng bí tiểu. Sự tắc nghẽn này làm tăng áp lực lên thận, nếu kéo dài sẽ gây tổn thương thận nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến suy thận.

2.7. Buồn nôn và nôn mửa

Sỏi thận gây nôn ói không chỉ do suy giảm chức năng lọc và tích tụ độc tố, mà còn do sự kích thích dây thần kinh từ thận đến đường tiêu hóa. Khi sỏi tích tụ nhiều, các dây thần kinh này bị kích thích, dẫn đến phản ứng buồn nôn và nôn. Ngoài ra, cơn đau quặn thận dữ dội do sỏi cũng cũng là nguyên nhân gây ra phản xạ nôn mửa.

2.8. Sốt và ớn lạnh

Sốt và ớn lạnh cũng là triệu chứng sỏi thận thường gặp. Khi sỏi thận gây tắc nghẽn đường tiết niệu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Sự viêm nhiễm này nếu không được xử lý kịp thời sẽ lan rộng từ đường tiết niệu đến thận, gây ra các triệu chứng sốt cao và ớn lạnh. 

3. Biến chứng nguy hiểm của sỏi thận

Sỏi thận nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: 

Bệnh nhân chạy thận do biến chứng sỏi thận

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Sỏi gây cản trở quá trình đào thải của thận, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm nhiễm.

  • Suy thận: Sỏi tắc nghẽn đường tiểu ở cả hai thận gây bí tiểu, kéo dài dẫn đến tử vong. Thận ứ nước, nhiễm trùng lâu ngày phá hủy nhu mô thận, gây suy thận khi mất 75% chức năng. Lúc này, bệnh nhân cần chạy thận hoặc ghép thận, chi phí cao và không chữa khỏi hoàn toàn.

  • Viêm bể thận cấp: Tắc nghẽn đường tiểu kéo dài gây nhiễm khuẩn cấp tính đài thận, niệu quản và bể thận, dẫn đến viêm bể thận cấp. Triệu chứng bao gồm sốt cao, đau hông dữ dội và tiểu ra mủ.

  • Vỡ thận: Khi thận ứ quá nhiều nước và vách thận mỏng, có thể dẫn đến vỡ thận, dù trường hợp này rất hiếm. Nước tiểu căng trướng trong đài thận tạo áp lực cao, gây đau quặn thận, viêm nhiễm nặng và hoại tử đường tiểu.

  • Tắc đường tiểu: Sỏi từ thận, đài thận hoặc bàng quang di chuyển xuống niệu quản, niệu đạo gây tắc nghẽn. Hệ niệu đạo co bóp mạnh để đẩy sỏi, gây đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng sườn và háng. Sự tắc nghẽn này khiến nước tiểu và chất thải ứ đọng, gây ứ nước thận hoặc niệu quản.

4. Cách phòng ngừa sỏi thận

Để phòng ngừa sỏi thận, bạn cần điều chỉnh lối sống lành mạnh ngay từ bây giờ bằng những biện pháp sau:

Sinh hoạt điều độ mỗi ngày để thận luôn khỏe mạnh

4.1. Uống đủ nước mỗi ngày

Uống từ 2 - 2,5 lít nước/ngày giúp nước tiểu không bị đặc, ngăn ngừa sự kết tinh của khoáng chất - nguyên nhân gây sỏi. Ngoài ra, những người thường xuyên vận động mạnh hoặc sống ở môi trường nóng bức cần uống nhiều nước hơn để bù lượng nước mất qua mồ hôi.

4.2. Chế độ ăn uống khoa học

Để phòng sỏi thận, bạn cần giảm muối, đường và thực phẩm giàu oxalate (như rau bina, khoai lang, sô cô la) vì chúng có thể thúc đẩy sự hình thành sỏi. Ngoài ra cũng cần hạn chế đạm động vật vì có thể làm tăng bài tiết canxi, dẫn đến sỏi thận.

4.3. Hoạt động thể chất thường xuyên

Tập thể dục đều đặn giúp cơ thể chuyển hóa khoáng chất tốt hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ hình thành sỏi. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hay bơi lội không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn đặc biệt có lợi cho thận.

4.4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Cuối cùng, kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng đóng vai trò then chốt, nhất là đối với những người có tiền sử sỏi thận. Thông qua các buổi thăm khám lâm sàng và xét nghiệm nước tiểu định kỳ, bạn có thể phát hiện sớm nguy cơ triệu chứng sỏi thận tái phát và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Hy vọng bài viết trên của AIA Việt Nam đã giúp bạn hiểu rõ các triệu chứng sỏi thận giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe. Hãy bảo vệ sức khỏe và thăm khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý về thận và các vấn đề sức khỏe.

Nguồn tham khảo:
1. https://umcclinic.com.vn/soi-than-phan-loai-nguyen-nhan-trieu-chung-chan-doan-va-dieu-tri
2. https://hellobacsi.com/benh-than-va-duong-tiet-nieu/soi-duong-tiet-nieu/8-trieu-chung-soi-than-ban-khong-the-bo-qua/
3. https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/bien-chung-soi-than-nguy-hiem-nhu-the-nao.html
4. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/nhung-bien-chung-soi-than-kho-luong-vi
5. http://trungtamytequan3.medinet.gov.vn/chuyen-muc/7-cach-phong-benh-soi-than-de-thuc-hien-cmobile14838-125732.aspx

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ