Bài viết

Viêm khớp ngón tay cái: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

19/09/2024 dot 5 phút đọc
Y học thường thức

Viêm khớp ngón tay cái không chỉ gây đau nhức mà còn ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị sẽ giúp bạn phòng tránh và quản lý bệnh một cách hiệu quả. Bài viết này của AIA Việt Nam sẽ cung cấp thông tin chi tiết về viêm khớp ngón tay cái, giúp bạn có cái nhìn toàn diện và đưa ra các biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.

1. Viêm khớp ngón tay cái là gì?

Viêm khớp ngón tay cái là một tình trạng phổ biến, thường xuất hiện như một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Khi mắc phải bệnh này, người bệnh sẽ trải qua các triệu chứng như sưng viêm và đau nhức, gây khó khăn trong việc cử động ngón tay cái.

Viêm khớp ngón tay cái là gì?

2. Nguyên nhân viêm khớp ngón tay cái

Hiện nay, nguyên nhân gây ra viêm khớp ngón tay cái vẫn chưa được xác định hoàn toàn rõ ràng nhưng vẫn có một số yếu tố tác động gây ra căn bệnh này. 

Về cơ bản, viêm khớp ngón tay cái thường xuất hiện như một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, các chấn thương trước đây như bong gân hoặc gãy xương cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng viêm khớp ngón tay cái có thể là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm thừa cân, lão hóa, tổn thương khớp, căng thẳng, di truyền (chẳng hạn như dây chằng khớp lỏng hoặc dị dạng khớp) và yếu cơ. Đặc biệt, những người thường xuyên sử dụng ngón tay cái trong công việc hàng ngày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Phụ nữ trên 40 tuổi cũng có nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay cái cao hơn so với nam giới. Ngoài ra, những người đã từng mắc các bệnh ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của sụn, như viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp phản ứng cũng có nguy cơ cao hơn đối với bệnh này.

>>> Xem thêm: Uống Nước Gì Tốt Cho Xương Khớp? Nên và không nên uống nước gì?

Viêm khớp ngón tay cái có thể do quá trình lão hóa

3. Những triệu chứng của viêm khớp ngón tay cái

Dưới đây là các dấu hiệu của bệnh viêm khớp ngón tay cái mà bạn không nên bỏ qua:

  • Đau: Đây là triệu chứng phổ biến nhất và thường xuất hiện đầu tiên. Cảm giác đau có thể xảy ra khi cầm nắm, kẹp một vật giữa ngón cái và ngón trỏ hoặc thậm chí khi không sử dụng ngón tay cái.

  • Sưng và cứng khớp: Khớp ngón tay cái có thể bị sưng và trở nên cứng, kèm theo đó là cảm giác đau nhức. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, làm giảm khả năng hoạt động của ngón tay cái.

  • Suy giảm sức mạnh: Người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi nắm bắt hoặc kẹp các vật do sức mạnh ở ngón tay cái bị giảm sút.

  • Hạn chế vận động: Khả năng chuyển động của ngón tay cái có thể bị suy giảm đáng kể.

  • Xương phì đại: Có thể xuất hiện các vùng xương phát triển hoặc lồi ra ngoài ở gốc của ngón tay cái.

Viêm khớp ngón tay cái gây cản trở vận động hằng ngày

4. Phương pháp chẩn đoán viêm khớp ngón tay cái

Để xác định nguyên nhân gây viêm khớp ngón tay cái, bác sĩ tại các cơ sở y tế sẽ tiến hành một loạt các phương pháp chẩn đoán sau:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của bệnh nhân, bao gồm các bệnh lý như viêm khớp, chấn thương, gãy xương, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout và các vấn đề liên quan khác. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra hoạt động của bàn tay, các ngón tay và đánh giá khu vực quanh ngón tay cái để xem có sưng đỏ hay đau nhức không.

  • Chẩn đoán hình ảnh: Nếu nghi ngờ có tổn thương ở ngón tay cái, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang hoặc MRI (cộng hưởng từ) để có hình ảnh chi tiết hơn về cấu trúc bên trong.

  • Xét nghiệm: Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm CRP, Beta Crosslaps,... để giúp phân biệt giữa các bệnh lý như thoái hóa khớp, gout, viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh tự miễn khác.

  • Phân tích dịch khớp: Phân tích này giúp xác định liệu nguyên nhân gây đau khớp ngón tay cái có phải do viêm khớp dạng thấp hay gout, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và kế hoạch điều trị phù hợp.

Đến các cơ sở uy tín để khám viêm khớp ngón cái

5. Cách điều trị bệnh viêm khớp ngón tay cái

Nếu bạn bị viêm khớp ngón tay cái, bạn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị sau để cải thiện tình trạng này:

5.1 Phương pháp giảm đau tại nhà

Đối với những trường hợp đau nhẹ, không quá nghiêm trọng và vẫn có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày, bạn có thể thử các biện pháp sau:

  • Nghỉ ngơi: Hạn chế các hoạt động gây căng thẳng cho ngón tay cái, chẳng hạn như gõ phím, sử dụng điện thoại, mang vác nặng, hay chơi nhạc cụ. Điều này giúp ngón tay có thời gian phục hồi.

  • Chườm đá: Chườm đá lạnh có thể giúp giảm sưng và giảm đau hiệu quả ở khớp ngón tay cái.

  • Đeo nẹp cố định: Đeo nẹp giúp giữ ngón tay cái ở vị trí ổn định, giảm thiểu cử động và từ đó giảm đau.

  • Bấm huyệt: Kỹ thuật này có thể kích thích lưu thông máu và giảm đau bằng cách tác động lên các huyệt đạo. Tuy nhiên, bạn nên tìm đến các cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

5.2 Sử dụng thuốc

Bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, thuốc không điều trị được nguyên nhân gốc rễ của bệnh và có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt hoặc tổn thương gan, thận. Vì vậy, hãy chỉ sử dụng thuốc khi có sự chỉ định từ bác sĩ.

5.3 Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Phương pháp này giúp tái tạo mô tổn thương, giảm đau và cải thiện khả năng vận động của khớp. Tuy nhiên, PRP không phù hợp cho phụ nữ mang thai, người có tiểu cầu thấp hoặc người bị nhiễm khuẩn quanh khớp. Do vậy bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

5.4 Trị liệu thần kinh cột sống (Chiropractic) kết hợp Vật lý trị liệu

Phương pháp này kết hợp điều chỉnh thần kinh cột sống và vật lý trị liệu để giảm đau, cải thiện chức năng khớp ngón tay cái. Trị liệu thần kinh cột sống còn giúp điều chỉnh sự sai lệch trong cơ thể, trong khi vật lý trị liệu tập trung vào việc tăng cường cơ bắp và cải thiện phạm vi chuyển động.

>>> Xem thêm: Cây Cỏ Xước - Bí quyết chữa bệnh xương khớp hiệu quả từ thiên nhiên

6. Các biện pháp phòng ngừa viêm khớp ngón tay cái

Để phòng ngừa viêm khớp ngón tay cái xuất hiện hay tái phát, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:

  • Giảm tải hoạt động của ngón tay cái: Hạn chế các hoạt động lặp đi lặp lại như gõ bàn phím, sử dụng điện thoại di động trong thời gian dài.

  • Xoa bóp thường xuyên: Thực hiện xoa bóp nhẹ nhàng cho ngón tay để cải thiện lưu thông máu và giảm đau hiệu quả.

  • Duy trì chế độ ăn uống hợp lý: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin D và canxi như sữa, hải sản và các loại đậu để hỗ trợ sức khỏe xương khớp.

  • Tập luyện thường xuyên: Thực hiện các bài tập vận động cho tay giúp duy trì sự linh hoạt và hạn chế tình trạng cứng khớp.

  • Tránh đeo trang sức hoặc bao tay chật: Tránh đeo những món đồ có thể gây áp lực lên ngón tay cái, gây khó chịu và tăng cảm giác đau.

>>> Xem thêm: Nguyên nhân đau cổ chân khi chạy bộ và cách khắc phục

Xoa bóp ngón cái thường xuyên để tránh mắc viêm khớp ngón cái

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về viêm khớp ngón tay cái. Tuy nhiên, AIA Việt Nam vẫn khuyên bạn nếu có những biểu hiện bất thường, hãy tới bệnh viện để được kiểm tra sớm, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm về sau.

 

Nguồn tham khảo:
1. https://bookingcare.vn/cam-nang/viem-khop-ngon-tay-cai-trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-p151.html
2. https://acc.vn/dau-khop-ngon-tay-cai-do-dau-dieu-tri-the-nao-cho-hieu-qua/#3_Cach_chan_doan_dau_ngon_tay_cai

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ