Bài viết

Thắt chặt chi tiêu hiệu quả với phương pháp Zero Based Budgeting

08/03/2023 dot 10 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Zero-Based Budgeting là một phương pháp tài chính nhằm tối ưu chi phí và gia tăng lợi nhuận được các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng. Phương pháp này giúp quản lý dòng tiền hiệu quả và có thể được áp dụng cho cả cá nhân. Vậy Zero-Based Budgeting là gì? Cùng tìm hiểu cách thắt chặt chi tiêu hiệu quả với phương pháp Zero-Based Budgeting trong bài viết này nhé!

Zero based budgeting là gì?

Zero-Based Budgeting được phát triển vào những năm 1960 bởi Peter Pyhrr, cựu giám đốc tại Texas Instruments. Zero-Based Budgeting được hiểu là phương pháp đưa toàn bộ ngân sách về con số 0. Phương pháp này sẽ giúp ta phân loại thu nhập và kiểm soát 100% dòng tiền ngay từ đầu. 

Cách hoạt động của Zero based budgeting

Zero-Based Budgeting là phương pháp lập ngân sách chi tiêu cá nhân dựa trên công thức:

Thu nhập - Chi phí = 0

Trong đó:

●       Thu nhập là tất cả số tiền bạn kiếm được trong một tháng, bao gồm tiền lương, phúc lợi, phụ cấp, tiền thưởng, lợi nhuận kinh doanh và lợi tức đầu tư.

●       Chi tiêu là tất cả số tiền bạn dự định chi tiêu trong tháng, bao gồm cả tiền tiết kiệm. Tiết kiệm được coi là một khoản chi tiêu dài hạn.

Mục đích của phương pháp Zero-Based Budgeting khi đưa toàn bộ ngân sách về 0 đó là buộc mỗi người phải phân bổ tiền của họ một cách hợp lý trước khi bắt đầu chi tiêu.

Lợi ích của phương pháp Zero based budgeting

Để có thể áp dụng được Zero-Based Budgeting vào việc thắt chặt chi tiêu cá nhân, bạn cần phải nắm rõ lợi ích thực sự của phương pháp này cũng như yêu cầu khi thực hiện.

Với Zero-Based Budgeting, bạn có thể đánh giá được một cách tổng quan về thực trạng thu chi của bản thân và biết được đâu là ưu tiên trong cuộc sống của mình. Áp dụng nghiêm túc Zero-Based Budgeting sẽ giúp bạn cải thiện cách thức chi tiêu trong 1 chu kỳ nhất định, từ đó hạn chế tối đa tình trạng thiếu trước hụt sau. Khi đã có kế hoạch cụ thể, bạn có thể chi tiêu trong khoản ngân sách đã đề ra mà không lo phải đối mặt với tình huống bội chi.

Đổi lại, quá trình lập kế hoạch và thực hiện hóa phương pháp này sẽ khiến bạn tốn nhiều thời gian hơn so với các phương pháp khác. Bởi lẽ bạn cần phải quan sát một cách tỉ mỉ, chi tiết từng khoản thu - chi trong 1 tháng/quý/năm để thiết lập ngân sách sao cho phù hợp cho từng nhóm chi phí. Bên cạnh đó, mọi khoản chi tiêu đều đã được phân chia rõ ràng ngay từ đầu nên đòi hỏi bạn phải theo dõi cẩn thận, sát sao dòng tiền trong ngân sách.

Ngoài ra, bạn cũng cần linh hoạt trong việc điều chỉnh các khoản chi trong phạm vi ngân sách của mình. Chẳng hạn, nếu có sự kiện đột ngột phát sinh chi phí, bắt buộc bạn phải giảm chi tiêu ở các khoản khác, như sinh hoạt phí hoặc nhu cầu cá nhân, để đảm bảo số dư chắc chắn bằng 0.

Ứng dụng Zero based budgeting để thắt chặt chi tiêu cá nhân

Để ứng dụng phương pháp Zero-Based Budgeting vào quản lý tài chính cá nhân, trước tiên bạn cần tính tổng thu nhập hàng tháng sau khi đã trừ đi thuế. Con số này cần độ chính xác cao. Tiếp theo, hãy liệt kê và phân loại các khoản chi tiêu hàng tháng của bạn. Chi phí thường có thể được phân loại thành các nhóm lớn, việc của bạn là sắp xếp chúng theo trật tự ưu tiên:

●       Chi phí sinh hoạt: tiền thuê nhà, tiền điện nước wifi, chi phí ăn uống và đi lại...

●       Chi tiêu cá nhân: tiền mua sắm, đi du lịch, tụ họp bạn bè...

●       Chi trả các khoản nợ: các khoản vay ngân hàng, nợ thẻ tín dụng…

●       Chi phí phát sinh: thuốc men, cưới hỏi, sinh nhật...

●       Tiết kiệm và đầu tư: các khoản tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, mua bảo hiểm…

Ví dụ, thu nhập hàng tháng của bạn là 20 triệu đồng, phương pháp Zero-Based Budgeting được ứng dụng như sau:

Số dư đầu kỳ

20.000.000 đồng

Chi phí sinh hoạt

7.000.000 đồng​

Chi tiêu cá nhân

5.000.000 đồng​

Nợ ngân hàng/tín dụng

3.000.000 đồng​

Chi phí phát sinh

2.000.000 đồng​

Tiết kiệm và đầu tư

3.000.000 đồng​

Số dư cuối kỳ

0

Sau khi đã phân bổ thu nhập vào tất cả các khoản trên mà ngân sách vẫn còn dư, bạn có thể tùy ý phân bổ khoản dư này vào các khoản khác như chi tiêu cá nhân hoặc tiết kiệm và đầu tư tùy theo hoàn cảnh thực tại. Đặc biệt, để đảm bảo sức khỏe tài chính lâu dài, bạn nên để một khoản chi cho bảo hiểm, có thể là bảo hiểm sức khỏe hoặc bảo hiểm nhân thọ vào như là một phần chi phí cần phải chi trong danh mục hàng tháng. Bạn có thể khám phá nhu cầu tài chính bảo hiểm của mình tại đây.

Bảng phân tích chi tiết các khoản thu - chi cần phải xử lý trong tháng này sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho việc kế hoạch chi tiêu trong các tháng tiếp theo. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp Zero-Based Budgeting cho các chu kỳ dài hạn hơn như 1 quý hoặc 1 năm.

​Lời kết

Zero-Based Budgeting là phương pháp thắt chặt chi tiêu hiệu quả mà mọi cá nhân và doanh nghiệp đều có thể áp dụng. Bất kỳ một kế hoạch quản lý tài chính nào cũng cần có sự cam kết và đầu tư nghiêm túc. Bởi vậy, một khi đã quyết định ứng dụng phương pháp Zero-Based Budgeting, bạn cần thực hiện đều đặn theo chu kỳ và duy trì trong dài hạn để đạt hiệu quả cao nhất.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ