Bài viết

Bóng đè là gì? Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bóng đè?

28/07/2023 dot 10 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về hiện tượng bóng đè khi ngủ, nhưng việc tìm hiểu về các loại, triệu chứng, nguyên nhân, tác động và cách điều trị có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này và cách phòng ngừa nó.

Bóng đè là gì?

Bóng đè hay còn gọi là chứng tê liệt khi ngủ, là một trạng thái được xác định là mất kiểm soát cơ bắp trong thời gian ngắn, điều này xảy ra ngay sau khi ngủ hoặc thức dậy. Ngoài mất năng lực điều khiển, người bị bóng đè còn mắc ảo giác trong các giai đoạn tê liệt khi ngủ.

Triệu chứng bóng đè

Bóng đè không phải là một trường hợp cấp cứu y tế. Nếu bạn hiểu và làm quen với các triệu chứng này bạn sẽ an tâm hơn trong giấc ngủ của mình.

Không có khả năng di chuyển và phát ra âm thanh là triệu chứng đặc biệt điển hình của người bị bóng đè. Thường một lần bóng đè có thể kéo dài khoảng 2 phút. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Cảm giác như thể có một thứ gì đó đẩy bạn xuống

  • Cảm giác như ai đó đang hiện diện trong phòng

  • Cảm thấy sợ hãi

  • Trải nghiệm thôi miên hoặc ảo giác ngay trước hoặc sau khi ngủ…

Ngoài ra, nghiên cứu của Priyanka Vaidya, MD lưu ý rằng người bị đóng đè còn có thể có cảm giác khó thở, đổ mồ hôi, đau cơ, nhức đầu, hoang tưởng, hoặc nặng hơn là cảm giác mình sắp chết…. [1]

Bạn vẫn có thể nhận thức được các vấn đề xảy ra trong suốt quá trình bị bóng đè nhưng gần như không thể di chuyển hoặc nói được. Bạn có thể nhớ lại các chi tiết diễn ra sau khi tình trạng tê liệt tạm thời biến mất.

Tại sao bị bóng đè?

Chưa có nghiên cứu phân tích cụ thể về lý do gây bóng đè hoặc làm tăng nguy cơ bị đóng đè. [3] Tuy nhiên các nhà nghiên cứu tin rằng có nhiều yếu tố liên quan và có thể gây ảnh hưởng đến triệu chứng này:

  • Rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là chứng ngưng thở tạm thời liên quan mật thiết đến hiện tượng bóng đè ở nhiều người. Tỉ lệ người bị bóng đè khi bị rối loạn giấc ngủ cao hơn 38% so với bình thường. Đặc biệt, bóng đè cũng phổ biến hơn với những người bị chuột rút ở chân vào ban đêm.

  • Cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ quá mức vào ban ngày được cho là nguyên nhân của bóng đè.

  • Những người bị thay đổi giờ sinh hoạt đột ngột do thay đổi địa điểm sống, đi máy bay, làm việc theo ca,... có nguy cơ bị bóng đè cao hơn.

  • Những người bị rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ cũng có nhiều khả năng bị bóng đè.

  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) hay phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể gây nên hiện tượng bóng đè khi ngủ….

Bóng đè dễ gặp phải với người bị rối loạn giấc ngủ và giờ giấc sinh hoạt

Cách trị bóng đè hiệu quả nhất

Hiện tượng bóng đè khi ngủ thường sẽ biến mất trong vài phút và không gây ra bất kỳ tác động vật lý hay chấn thương lâu dài nào. Tuy nhiên, trải nghiệm này có thể khiến nhiều người lo lắng và cảm thấy sợ hãi.

Mặc dù không cần thiết phải điều trị bằng thuốc nhưng mọi người có thể tham khảo các cách dưới đây để có một giấc ngủ ổn định và kiểm soát được chứng tê liệt khi ngủ tốt nhất.

1. Tránh nằm ngửa

Không nên nằm ngửa khi ngủ, đặc biệt là tránh đặt tay hoặc gối lên ngực vì điều này có thể làm tình trạng bóng đè dễ xảy ra hơn.

Nếu thường xuyên gặp tình trạng bóng đè, tư thế nằm nghiêng khi ngủ sẽ tốt hơn cho bạn. [5]

2 . Giờ đi ngủ nhất quán

Hãy thiết lập một thói quen cho giấc ngủ của bạn. Thực hiện một lịch trình đi ngủ và thức dậy mỗi ngày kể cả vào cuối tuần. Xây dựng thói quen sẽ giúp cơ thể bạn cảm thấy thoải mái và thư giãn ngay cả trong giấc ngủ.

Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ để hạn chế bị bóng đè

3. Ngủ trưa

Dành thời gian nghỉ trưa từ 20 đến 40 phút để tinh thần được thư giãn, thoải mái.

4. Tạo môi trường thoải mái cho giấc ngủ

Hãy tạo môi trường thoải mái cho giấc ngủ của bạn bằng cách trang bị chiếc giường loại nệm tốt nhất và chiếc gối phù hợp với nhu cầu của bạn. Đặc biệt hãy thiết kế không gian ngủ của bạn có vừa đủ ánh sáng và hạn chế tiếng ồn để có một giấc ngủ ngon.

Môi trường thoải mái cho bạn một giấc ngủ êm ái

5. Ngừng toàn bộ caffeine và rượu trước khi đi ngủ

Hạn chế sử dụng chất kích thích đặc biệt là rượu, caffeine đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ để thần kinh được nghỉ ngơi, thư giãn.

6. Thư giãn trước khi ngủ

Loại bỏ các thiết bị điện tử đặc biệt là điện thoại di động ít nhất một giờ trước khi ngủ để tâm trí được thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Ngoài ra, để giảm thiểu các triệu chứng và tần suất của bóng đè, bạn nên thay đổi vài thói quen lối sống đơn giản như:

  • Giảm căng thẳng trong cuộc sống

  • Tập thể dục thường xuyên

  • Nghỉ ngơi đầy đủ

  • Theo dõi các loại thuốc khi sử dụng…

  • Tập các bài tập yoga và thở để lấy lại cảm giác thư giãn cho cơ thể.

Đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn, thoải mái trước khi chìm vào giấc ngủ

Lời kết

Chứng tê liệt khi ngủ hay bóng đè là một tình trạng phổ biến. Mặc dù không nguy hiểm nhưng có thể sẽ khiến bạn lo lắng và sợ hãi. Qua bài viết, AIA hy vọng rằng có thể mang đến cho bạn đọc thông tin hữu ích. Hãy theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và xây dựng một thói quen sống lành mạnh. Nếu tần suất bóng đè quá nhiều và không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ.

 

Nguồn tham khảo:

  1. Nghiên cứu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), Brooks, PL, & Peever, JH, (2008)

  2. A systematic review of variables associated with sleep paralysis - Dan Denis 1, Christopher C French 2, Alice M Gregory 2

  3. A clinician's guide to recurrent isolated sleep paralysis - Brian A Sharpless 1

  4. The undervalued potential of positional therapy in position-dependent snoring and obstructive sleep apnea-a review of the literature - M J L Ravesloot 1, J P van Maanen, L Dun, N de Vries

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ