Bài viết

Cyberbullying là gì? 7 điều nên làm khi bị bắt nạt qua mạng

14/04/2023 dot 7 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Cyberbullying là thuật ngữ đề cập đến hành vi đe dọa và bắt nạt lặp đi lặp lại thông qua các nền tảng mạng xã hội. Tình trạng này phổ biến ở trẻ vị thành niên, thanh niên và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không vượt qua được. Cùng AIA giải đáp vấn đề “Cyberbullying là gì?” và 7 điều nên làm khi bị bạo lực mạng.

Cyberbullying là gì? Tác hại bắt nạt qua mạng?

Theo từ điển Oxford, cyberbullying (sai-bờ-buli-ing) là bắt nạt qua mạng, đây cũng đang là vấn đề nóng trên toàn cầu vì độ phổ biến và nguy hiểm tiềm ẩn.

Cụ thể từ này được hiểu là những hành vi bắt nạt, quấy rối xảy ra thông qua các phương tiện điện tử với một số hành động như: đe dọa, lạm dụng, sỉ nhục hoặc tra tấn tinh thần một cá nhân thông qua tin nhắn, trang web, mạng xã hội hoặc thiết bị điện tử.

Định nghĩa Cyberbullying là gì theo từ điển Oxford

Thực tế, bắt nạt qua mạng hiện nay có thể gây thương tổn gấp nhiêu lần so với xô xát thực tế khi nạn nhân bị tấn công bởi nhiều người hơn mà thậm chí không biết họ là ai. Trước đây, mọi người thường có suy nghĩ: “Đối tượng bị bắt nạt qua mạng thường là thanh thiếu niên, nhưng thực tế bất kỳ ở độ tuổi nào bạn cũng có thể trở thành đối tượng bị bắt nạt.” Cụ thể một số tác hại thường gặp bao gồm:

Cảm thấy bị sỉ nhục

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu của Microsoft ngày 14/09/2020 về tác động của bắt nạt trực tuyến tại nơi làm việc, những người được hỏi cho biết hậu quả phổ biến nhất là họ cảm thấy bị sỉ nhục (58%).

Mất tinh thần

Trong báo cáo này của Microsoft cũng đưa ra hậu quả phổ biến thứ 2 là mất tinh thần chiếm 52%. Mức độ tác động của các hành vi này sẽ thay đổi theo thế hệ.

Mất tự tin

Trong báo cáo này của Microsoft cũng đưa ra hậu quả phổ biến tiếp theo là mất tự tin chiếm 51%. 53% người trả lời ở độ tuổi 18-24 cho biết họ cảm thấy bị cô lập và chán nản vì bị bắt nạt, trong khi những người trả lời thuộc thế hệ X (những người sinh từ thập niên 1960 đến đầu thập niên 80) làm việc kém hiệu quả hơn (58%).

Có thể dẫn đến tự tử

Những người từng bị bắt nạt hoặc quấy rối trên mạng tại nơi làm việc cũng báo cáo rằng trải nghiệm đó khiến họ cảm thấy đau khổ "cực kỳ hoặc nghiêm trọng".

Bắt nạt qua mạng khiến nạn nhân bị sỉ nhục, mất tự tin, thậm chí có suy nghĩ muốn tự tử

Ở Việt Nam, hẳn người ta còn nhớ một thảm kịch xảy ra ở tỉnh Đồng Nai cách đây 5 năm. T. là học sinh cấp 2 - 15 tuổi bị bạn trai tung video sex lên mạng. Đoạn video nhanh chóng được chia sẻ và nhận về vô số bình luận gay gắt. Không chịu được miệng lưỡi của mọi người - hầu hết là những người không quen biết - cô gái đã uống thuốc diệt cỏ tự tử và sau đó qua đời.

Dấu hiệu nhận biết bị bắt nạt qua mạng

Bắt nạt trên mạng thường thể hiện qua một số hành vi sau:

Tin nhắn đe doạ

Một trong những hình thức bắt nạt trực tuyến phổ biến nhưng rất tinh vi là gửi tin nhắn đe dọa. Thông điệp bắt nạt không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nếu thông tin này làm bạn sợ, có lẽ bạn nên tự hỏi liệu thông tin này có bao nhiêu khả năng biến thành hành động thực tế.

Sợ tin nhắn trực tuyến có thể dẫn đến sự căng thẳng về lâu dài. Nếu không cảnh giác với kiểu bắt nạt trực tuyến này, đôi khi nó có thể gây ra tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho người bị bắt nạt.

Chia sẻ hình ảnh riêng tư

Một hình thức phổ biến khác của cyberbullying tiềm ẩn là phát tán hình ảnh riêng tư trực tuyến mà không có sự cho phép của chủ sở hữu. Nó có thể là bất kỳ loại hình ảnh nào mà bạn không muốn công khai.

Bạn có thể cảm thấy quyền riêng tư của mình bị xâm phạm khi những bức ảnh thuộc quyền sở hữu của bạn được chia sẻ trên mạng xã hội mà không nhận được sự cho phép. Nếu bạn yêu cầu người đăng xóa một hình ảnh và họ không đồng ý, thì đó chắc chắn là hành vi cyberbullying.

Chụp ảnh của ai đó mà không được sự đồng ý của họ và đăng chúng lên mạng xã hội có vẻ như là một hành động vô thưởng vô phạt, nhưng thực ra đó là hành vi xâm phạm quyền riêng tư.

Xúc phạm, lăng mạ

Trong một số trò chơi trực tuyến, bắt nạt qua mạng đang lan tràn. Trong trường hợp bạn chưa biết, rage gamer (thuật ngữ có thể được hiểu là game thủ cuồng nộ) đôi khi được dùng để chỉ một người thường xuyên thể hiện sự tức giận và hung hăng khi tham gia trò chơi.

Trong những trường hợp đó, một số người đã sử dụng ngôn ngữ thô tục, bao gồm đe dọa và xúc phạm nặng nề đối với những người chơi khác. Dấu hiệu này không được nhiều người biết đến nhưng có thể gây hại cho người bị bắt nạt.

Thậm chí, kẻ bắt nạt có thể thiết lập một trang web để lăng mạ người khác. Những trang web này được thiết kế để hạ nhục và làm tổn hại danh tiếng của một cá nhân. Đôi khi, bạn chẳng làm gì sai nhưng vẫn có người không thích bạn. Đây là những người sẽ làm bất cứ điều gì để xúc phạm và làm tổn hại danh dự của bạn chỉ để mua vui.

Xúc phạm, lăng mạ chính là một trong những dấu hiệu bắt nạt qua mạng

Đánh cắp dữ liệu

Đánh cắp dữ liệu mạng xã hội (MXH) cũng là một hình thức bắt nạt trên mạng ít được biết đến hơn. Tin tặc có thể xâm nhập vào tài khoản cá nhân và mạo danh bạn; sau đó gửi những tin nhắn không lành mạnh cho bạn bè của bạn, chia sẻ thông tin cá nhân và thậm chí phát tán ảnh của bạn trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook. Những hành vi này có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Khi bị bắt nạt qua mạng nên làm gì?

Trong thời gian dịch bệnh, thời gian mọi người lên mạng nhiều hơn. Số lượt truy cập đã tăng từ 11 triệu lên 28 triệu trong ba tháng đầu năm 2021, theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam. Kéo theo đó là những vấn đề bảo vệ và bắt nạt trên mạng phổ biến hơn. Vậy chúng ta nên làm gì để tránh trở thành nạn nhân của bắt nạt trên mạng?

Chặn tài khoản MXH với mục đích đe hoạ

Một trong những hình thức bắt nạt trực tuyến phổ biến nhưng rất tinh vi là gửi tin nhắn đe dọa. Thông điệp bắt nạt không phải lúc nào cũng rõ ràng. Thực sự, với một tin nhắn như thế này, bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu được ý định thực sự của người gửi.

Nếu thông tin này làm bạn sợ, có lẽ bạn nên tự hỏi liệu thông tin này có thể biến thành hành động hay không. Cách tốt nhất để ngăn chặn bắt nạt trên mạng là chặn các tài khoản mạng xã hội cố tình gửi email và tin nhắn đe dọa. Đây là cách mà đối tượng xấu không thể tiếp cận bạn nữa.

Lưu giữ bằng chứng

Bằng chứng về các mối đe dọa, khiêu khích, tin nhắn và bình luận gây tổn hại được ghi lại trong thời gian thực. Ngoài việc giữ bản kỹ thuật số, hãy in ra khi cần thiết.

Nói chuyện với người tin cậy

Nói chuyện với cha mẹ không phải là điều dễ dàng đối với tất cả mọi người. Nhưng khi gặp vấn đề khó giải quyết, bạn nên trò chuyện và tham khảo ý kiến của bố mẹ.

Nếu bạn vẫn không biết phải làm gì, hãy cân nhắc liên hệ với những người đáng tin cậy khác. Thường có nhiều người quan tâm đến bạn và sẵn sàng giúp đỡ bạn hơn bạn nghĩ.

Cách tốt nhất để giải quyết cyberbullying là nói chuyện với người tin cậy

Hạn chế công khai nhiều thông tin trên MXH

Những người mới sử dụng mạng xã hội thường không nhận thức được những rủi ro khi thông tin cá nhân được công khai trên các nền tảng trực tuyến. Khi điều tồi tệ xảy ra, người dùng có thể bị mắc kẹt trong trạng thái căng thẳng quá mức.

Đó là lý do tại sao điều quan trọng là học cách sử dụng mạng xã hội đúng cách và biết thông tin nào nên chia sẻ. Đôi khi, bạn có thể không nhận ra rằng mình đang chia sẻ thông tin cá nhân không mong muốn trực tuyến.

Báo cơ quan chức năng

Trường hợp nghiêm trọng thì báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật An ninh mạng cũng là một cách bảo vệ bạn khỏi bị bắt nạt trên mạng. Sự khác biệt giữa tự do ngôn luận và xúc phạm cá nhân rất rõ ràng. Hành động xử lý kiên quyết để chấm dứt bắt nạt trên mạng.

Tránh kích thích đối tượng xấu

Phản ứng gay gắt có thể làm trầm trọng thêm tình hình và khiến kẻ bắt nạt tức giận. Tùy thuộc vào tình huống, bạn có thể cân nhắc bỏ qua các hành vi khiêu khích trực tuyến và khóa tài khoản hoặc báo cáo hành vi đó lên trang web hoặc mạng xã hội.

Thông thường, kẻ bắt nạt sẽ quan tâm hơn khi nạn nhân phản hồi. Nếu bạn nhận được email hoặc tin nhắn văn bản từ người lạ, hãy cân nhắc đổi sang một địa chỉ email, số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội khác.

Đổi mật khẩu tài khoản

Hành vi xâm nhập mạng xã hội và đánh cắp dữ liệu tài khoản ngày càng phổ biến. Khi bạo lực mạng xảy ra, bạn cần đặt lại tất cả mật khẩu, vì thông tin của bạn có thể bị đánh cắp.

Lời kết

Mạng xã hội là một công cụ rất mạnh vì chúng cung cấp mặt nạ mà mọi người có thể sử dụng để che giấu và tấn công người khác. Web là ảo, nhưng hậu quả là có thật. Vì thế hãy tử tế và có trách nhiệm với mỗi bình luận, mỗi nút like và share trên mạng xã hội để tạo ra một môi trường an toàn. Bài viết này của AIA hy vọng giúp bạn hiểu được cyberbullying là gì và cách để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh tránh khỏi bắt nạt trên mạng.

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ