Hội chứng kẻ mạo danh là một trạng thái tâm lý khiến người bị ảnh hưởng cảm thấy mình không đủ tài năng, không đủ giỏi và không xứng với những gì đã đạt được. Họ luôn lo sợ rằng, một lúc nào đó sẽ bị “bóc mẽ” là kẻ lừa bịp và bị xem thường. Họ cũng thường đánh giá thấp những gì mình làm được và tự cho rằng họ chỉ may mắn hoặc được giúp đỡ để đạt được thành tựu đó. [1]
Hội chứng kẻ mạo danh được hai nhà tâm lý học lâm sàng Pauline Rose Clance và Suzanne Imes lần đầu tiên phát hiện và đặt tên vào năm 1978.
Khi so sánh với sự khiêm tốn, hội chứng kẻ mạo danh tưởng chừng tương đồng về biểu hiện bên ngoài nhưng về mặt tâm lý thì hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
Khiêm tốn: Là sự không tự mãn, kiêu ngạo về những gì mình làm được. Đức tính này xuất phát từ mong muốn không muốn tỏ ra hơn người để bày tỏ sự tôn trọng người khác.
Hội chứng kẻ mạo danh: Hạ thấp bản thân, cho rằng những thứ mình làm được là do may mắn hoặc thông qua sự giúp đỡ từ người khác.
Khi mắc phải Hội chứng kẻ mạo danh, một người có thể gặp những ảnh hưởng đến tâm lý từ nhẹ đến nặng như:
Lo lắng
Bất an
Sợ hãi
Trầm cảm…
Những vấn đề tâm lý trên không được giải quyết, khắc phục kịp thời sẽ khiến người mang hội chứng này bị bỏ lỡ những cơ hội, thậm chí từ bỏ sự nghiệp thành công của mình.
Hội chứng kẻ mạo danh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp hay trình độ học vấn. Tuy nhiên, hội chứng này thường xuất hiện ở những người có thành tích cao hoặc những người đang đối mặt với những thử thách mới.