Bài viết

Khủng hoảng hiện sinh là gì? Làm thế nào để vượt qua nó?

31/07/2023 dot 10 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Khủng hoảng hiện sinh là một trạng thái tâm lý mà hầu hết mọi người từng trải qua ít nhất một lần trong cuộc đời. Vậy khủng hoảng hiện sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, các loại khủng hoảng hiện sinh là gì? Nếu rơi vào khủng hoảng hiện sinh, cách để vượt qua là gì? Cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây!

Khủng hoảng hiện sinh là gì?

Khủng hoảng hiện sinh (existential crisis) là tình trạng mà một người cảm thấy hoang mang, lo lắng, bất an về ý nghĩa, mục đích, sự tồn tại và lựa chọn của cuộc sống.

Katie Leikam, một nhà trị liệu được cấp phép ở Decatur, Georgia, người chuyên điều trị chứng lo âu, căng thẳng trong mối quan hệ, và nhận dạng giới tính giải thích: “Mọi người có thể gặp khủng hoảng hiện sinh khi họ bắt đầu tự hỏi cuộc sống có ý nghĩa gì, mục đích của họ hoặc mục đích của cuộc sống nói chung là gì”.

Khủng hoảng hiện sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi. Với một cuộc khủng hoảng hiện sinh, việc không thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng làm nảy sinh mâu thuẫn cá nhân từ bên trong, gây ra sự thất vọng và mất niềm vui nội tâm.

Khủng hoảng hiện sinh là tình trạng một người cảm thấy hoang mang, lo lắng về ý nghĩa của cuộc sống

Nguyên nhân, triệu chứng

Nguyên nhân khủng hoảng hiện sinh có thể không đến từ những thách thức và căng thẳng hàng ngày. Loại khủng hoảng này có khả năng xảy ra sau sự tuyệt vọng sâu sắc hoặc một sự kiện quan trọng, chẳng hạn như chấn thương nặng hoặc sự mất mát lớn. Một số nguyên nhân của một cuộc khủng hoảng hiện sinh có thể là:

  • Cảm thấy tội lỗi về một cái gì đó.

  • Cảm thấy mất mát khi người thân qua đời, hoặc đối mặt với thực tế về cái chết của chính mình.

  • Cảm thấy không thỏa mãn về mặt xã hội.

  • Cảm thấy không hài lòng với chính bản thân.

  • Sự hình thành của những cảm xúc kìm nén bên trong.

Khủng hoảng hiện sinh có thể bắt nguồn từ việc cảm thấy không hài lòng với chính bản thân

Khủng hoảng hiện sinh có một số triệu chứng như:

  • Cảm xúc tiêu cực như buồn bã, trầm cảm, lo âu, tuyệt vọng, tức giận hay hối hận.

  • Suy nghĩ tiêu cực như tự ti, tự trách, tự hủy hoại hay tự sát.

  • Hành vi tiêu cực như xa lánh xã hội, trốn tránh trách nhiệm, nghiện rượu hay ma túy.

  • Thay đổi nhu cầu sinh lý như ăn uống kém hay quá mức, ngủ quá ít hay quá nhiều.

  • Thay đổi quan điểm nhìn nhận cuộc sống như cảm thấy vô nghĩa, vô vị.

Các loại khủng hoảng hiện sinh

Khủng hoảng hiện sinh có nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào trải nghiệm và tính cách của mỗi con người. Một số loại khủng hoảng hiện sinh thường gặp đó là:

Khủng hoảng tự do và trách nhiệm của bản thân: Mọi người có quyền tự do đưa ra lựa chọn của riêng mình đồng thời chịu trách nhiệm cho quyết định đó. Nhưng khi quyết định đó không mang lại kết quả tốt đẹp, họ có thể cảm thấy bị ràng buộc trong quyết định đó và không có sự lựa chọn trong cuộc sống. Họ cảm thấy bị thấy áp lực, lo lắng và không có sự kiểm soát.

Khủng hoảng xoay quanh cái chết: Khi bước sang một độ tuổi nhất định (ví dụ như sinh nhật lần thứ 50 - cuộc đời đã trải qua được một nửa), chúng ta có thể suy ngẫm về ý nghĩa của sự sống và cái chết, và đặt những câu hỏi như: “Điều gì xảy ra sau khi chết?” Nỗi sợ hãi về những gì có thể xảy ra sau cái chết có thể gây ra lo lắng, bi quan. Loại khủng hoảng này cũng có thể xảy ra sau khi được chẩn đoán mắc một căn bệnh nghiêm trọng hoặc khi người thân qua đời.

Khi về già nhiều người sẽ suy nghĩ về ý nghĩa của sự sống và cái chết

Khủng hoảng của sự kết nối và cô lập: Những mối quan hệ bền chặt có thể hỗ trợ tinh thần và cảm xúc cho chúng ta, mang đến sự hài lòng và niềm vui nội tâm. Vấn đề là các mối quan hệ không phải lúc nào cũng bền vững. Mọi người có thể rời xa nhau về thể chất và tình cảm, và cái chết thường chia cắt những người thân yêu. Điều này có thể dẫn đến sự cô lập và cô đơn, khiến một số người cảm thấy cuộc sống của họ thật vô nghĩa.

Khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống: Có một ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống có thể mang lại hy vọng. Nhưng sau khi nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta có thể cảm thấy rằng mình chưa đạt được điều gì quan trọng hoặc tạo ra sự khác biệt. Điều này có thể khiến mọi người đặt câu hỏi như: “Mục đích trong cuộc sống của mình là gì? Ý nghĩa cuộc sống của mình nằm ở đâu? …” .

Khủng hoảng cảm xúc, trải nghiệm và sự tồn tại: Một số người cố gắng ngăn chặn những cảm xúc tiêu cực và nghĩ rằng điều này có thể giúp bản thân trở nên vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng chính điều này có thể dẫn đến cảm giác hạnh phúc giả tạo. Và khi không trải nghiệm được hạnh phúc thực sự, cuộc sống có thể cảm thấy trống rỗng. Mặt khác, thể hiện cảm xúc và thừa nhận cảm giác đau đớn, bất mãn và không hài lòng có thể mở ra cánh cửa cho sự phát triển cá nhân, cải thiện cách nhìn về cuộc sống.

8 cách vượt qua khủng hoảng hiện sinh?

Dựa vào người thân yêu là một cách để vượt qua khủng hoảng hiện sinh

Bạn có thể tham khảo 8 cách dưới đây để vượt qua khủng hoảng hiện sinh:

1. Dựa vào người thân yêu

Sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình là rất quan trọng khi chúng ta đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Nó có thể giúp chúng ta cảm thấy bớt cô đơn, những lời động viên, những ý kiến đóng góp có thể giúp chúng ta vượt qua nó dễ dàng hơn.

2. Thể hiện cảm xúc của bạn

Đừng đóng chặt mọi thứ hoặc phớt lờ cảm giác của bản thân. Điều quan trọng là phải lắng nghe những gì cuộc khủng hoảng này đang “nói” với bạn và hiểu được tại sao nó lại xảy ra. Bạn hãy dành thời gian viết ra những suy nghĩ và câu hỏi đang có, đồng thời phân tích chúng để hiểu những ý nghĩa của chúng đối với bạn.

3. Tìm niềm vui từ những điều nhỏ nhặt

Khi gặp bất kỳ loại khủng hoảng nào, thay vì cứ ở trong cảm giác như mọi thứ đều xám xịt bạn có thể lựa chọn tận hưởng những thứ mình từng có/ đang làm. Hãy thử viết ra những điều bạn biết ơn mỗi ngày và tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt hàng ngày đó.

4. Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát

Việc tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát sẽ giúp bạn tự tin hơn, dần giúp cho tinh thần phấn chấn trở lại. Còn với những thứ không thể kiểm soát, giải pháp tạm thời là… không quan tâm đến chúng và để chúng ra đi.

Bạn nên tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát

5. Viết nhật ký

Viết nhật ký giúp bạn viết lại những điều tích cực mỗi ngày, những điều bạn biết ơn, dù cho là một việc lớn hay bất kỳ điều gì đó nhỏ nhặt. Điều này sẽ giúp bạn kết nối lại với cuộc sống, liên lạc lại với các giá trị và mục đích của bạn.

6. Thực hành thiền hoặc chánh niệm

Chánh niệm và thiền định là cách tuyệt vời để kết nối với nội tâm của bạn, cho bản thân một không gian để phát triển và khám phá. Thiền chính là dịp để chúng ta cảm thấy vững vàng và giao tiếp với bản thân.

7. Tham gia nhóm hỗ trợ

Sự kết nối chính là cách thức hiệu quả để giải quyết cho sự lo lắng. Việc gặp gỡ kết giao với những người khác, lắng nghe chia sẻ của họ sẽ phần nào giúp bạn bớt đau buồn, thoát khỏi sự cô đơn … Và những người trong có thể lan tỏa sự tích cực cho bạn.

8. Kết nối lại với mục đích sống của bạn

Gốc rễ của những lo lắng hiện sinh của chúng ta là nỗi sợ hãi rằng mình đang sống một cuộc đời vô nghĩa, chúng ta đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai? Mục đích sống của tôi là gì?”. Chính vì vậy, việc kết nối lại với những điều mà bạn muốn tạo ra trên thế giới có thể là một bước ngoặt trong mối quan tâm hiện sinh của bạn.

Nếu mục đích sống của bạn là mong muốn giúp đỡ những người khác thì bạn hãy kết nối với điều đó

Kết luận:

Khủng hoảng hiện sinh là một tình trạng tâm lý mà nhiều người có thể gặp phải trong cuộc sống. Nó là biểu hiện của sự lo lắng, hoang mang và bất an về ý nghĩa, mục đích, sự tồn tại và lựa chọn của cuộc sống. Khủng hoảng hiện sinh có thể có nhiều nguyên nhân và triệu chứng khác nhau, và cũng có thể được phân loại thành nhiều loại khác nhau. Có nhiều cách để bạn có thể vượt qua khủng hoảng hiện sinh và tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Bạn có thể dựa vào người thân yêu, thể hiện cảm xúc của bạn, tìm niềm vui từ những điều nhỏ nhặt, tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát, viết nhật ký, thực hành thiền hoặc chánh niệm, tham gia nhóm hỗ trợ hay kết nối lại với mục đích sống của bạn.

Nguồn tham khảo:

https://www.healthline.com/health/existential-crisis

https://www.betterup.com/blog/what-is-an-existential-crisis

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ