Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ (2003), từ "giản dị" có thể được hiểu theo 2 nghĩa như sau:
"Đơn giản một cách tự nhiên, trong phong cách sống". Ví dụ như: Con người giản dị. Lối sống giản dị. Ăn mặc giản dị mà lịch sự
"Dễ hiểu, không có gì rắc rối". Ví dụ như: Lời văn giản dị mà sâu sắc.
Cả 2 nghĩa này đều cho thấy đây là một từ chỉ về sự đơn giản, không cầu kỳ. Người có đức tính giản dị sẽ không chạy đua theo xu hướng của xã hội và không mơ mộng đến điều cao xa, hào nhoáng. Thay vào đó, họ chọn sống đúng với hoàn cảnh trong thực tại - một lối sống đơn giản, không khoe khoang và chỉ vừa đủ với nhu cầu cá nhân.
Tóm lại, giản dị là một lối sống đơn giản, không có sự cầu kỳ, câu nệ. Điều này sẽ giúp con người trở nên thân thiện, dễ gần và thoải mái hơn.
Ý nghĩa của lối sống giản dị
Từ trước đến nay, đức tính giản dị luôn được ca ngợi và thường được người đời sử dụng để làm hình mẫu dạy dỗ chúng ta học hỏi và noi theo. Một triết gia người Pháp tên là La Bruyere đã nói:
“Chân thành, giản dị là cách cư xử khôn khéo”
- La Bruyere
Thật vậy, một người có tâm hồn đơn giản mà chân thành - Ai mà không quý cho được chứ! Được mọi người yêu mến là một yếu tố khiến người giản dị luôn có một trạng thái hạnh phúc hơn, được tin cậy hơn trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, sự giản dị làm cho mọi người thoải mái hơn, gần gũi với nhau hơn và tránh sự khiên cưỡng, câu nệ.
Bạn có thể nhận thấy đức tính giản dị ở mọi mặt trong cuộc sống. Ví dụ như: lối sống sinh hoạt hằng ngay, trong lời nói, cách ăn mặc, cách đối nhân xử thế,... Cùng tìm hiểu kỹ hơn về điều này ở ngay sau đây nhé!