Bài viết

5 bước rèn luyện tư duy ngược để giải quyết vấn đề trong kinh doanh

04/11/2023 dot 3 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Tư duy ngược là một kỹ năng quan trọng trong kinh doanh, giúp bạn tìm ra những giải pháp sáng tạo và hiệu quả cho những vấn đề khó khăn mà cách tư duy thông thường không đáp ứng được. Trong bài viết này, bạn sẽ được giới thiệu 5 bước để rèn luyện tư duy ngược trong kinh doanh, cùng với những ví dụ thực tiễn và bối cảnh phù hợp để bạn thực hiện tư duy ngược. Cùng khám phá ngay nhé!

Tư duy ngược là gì?

Tư duy ngược (trong tiếng Anh là Reverse brainstorming) là một phương pháp sáng tạo, dựa trên việc lật ngược vấn đề và tìm ra những cách để làm cho nó xấu đi, rồi từ đó đảo ngược lại để tìm ra những giải pháp tốt hơn.

Tư duy ngược giúp tìm ra những góc nhìn mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề

Thay vì tập trung vào cách đạt được mục tiêu hoặc giải quyết vấn đề, bạn lại hỏi cách ngăn chặn hoặc làm trầm trọng thêm vấn đề đó. Tư duy ngược không hỏi “Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?”, mà thay vào đó hỏi “Làm thế nào để làm cho vấn đề này tồi tệ hơn?”. Bằng cách này, tư duy ngược giúp khai thác được những ý tưởng mà cách tư duy thông thường có thể bỏ qua do bị giới hạn bởi những quy tắc, giả định hay kinh nghiệm trước đó. Bạn xác định những trở ngại, rủi ro và lỗ hổng tiềm ẩn trong cách tiếp cận hiện tại của mình, sau đó biến chúng thành các giải pháp tích cực.

Khi nào nên dùng tư duy ngược?

Bối cảnh phù hợp để sử dụng tư duy ngược

Tư duy ngược thường được sử dụng khi tư duy thông thường không đạt được điều mong muốn hoặc không hiệu quả mặc dù không có lý do nào giải thích cho việc tại sao chúng ta không sử dụng tư duy ngược ngay từ đầu. Điều này có thể xảy ra vì:

  • Những người trong nhóm đều cạn ý tưởng: Các thành viên đều đã chia sẻ những ý tưởng của mình và không có ý tưởng khác nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

  • Quá trình giải quyết vấn đề trở nên khó khăn bởi những người tham gia thiếu nhiệt tình và không động não: Trong trường hợp này, khai thác những cảm giác tiêu cực và thất vọng có thể là một cách tuyệt vời để khơi dậy năng lượng và sự nhiệt tình - đồng thời khám phá ra những cơ hội để cải thiện.

  • Những người tham gia quá tập trung vào hoặc quá quen thuộc với quy trình cụ thể đến mức họ không thể đưa ra ý tưởng thay thế: Tư duy ngược có thể dẫn đến một số suy nghĩ đột phá đáng ngạc nhiên hoặc những khám phá bất ngờ có thể tạo ra sự khác biệt thực sự và tích cực.

Ngoài ra, tư duy ngược có thể được sử dụng tốt nhất khi:

  • Nhóm đã quen thuộc với vấn đề hoặc thách thức và có thể nhanh chóng nảy sinh nhiều ý tưởng.

  • Những người tham gia hiểu tại sao tiêu cực LÀ tiêu cực và điều ngược lại có thể là gì.

  • Một sản phẩm hoặc dịch vụ đã được thiết kế nội bộ và nhân viên cần hình dung ra trải nghiệm của khách hàng.

  • Nhân viên chưa quen với một chức năng cụ thể.

Tại sao nên dùng tư duy ngược?

Lý do nên dùng từ duy ngược

Tư duy ngược hoàn toàn không phải là cách duy nhất để thúc đẩy sự sáng tạo. Nhưng đó là một cách tuyệt vời để khai thác những cảm xúc tiêu cực, thất vọng và tức giận như một công cụ để giải quyết vấn đề tích cực. Tư duy ngược đem lại những lợi ích sau:

  • Có thể biến một cuộc thảo luận tiêu cực thành một phiên động não tích cực.

  • Nó có thể làm giảm căng thẳng và thất vọng.

  • Nó thú vị và sáng tạo.

  • Đó có thể là một cách tuyệt vời để khiến những người tham gia bỏ qua sự thờ ơ và tích cực tham gia - đặc biệt là khi việc động não thông thường khiến họ cảm thấy nhàm chán hoặc bị áp lực phải “thực hiện”.

Ví dụ về tư duy ngược

Ví dụ về tư duy ngược

Có rất nhiều ví dụ về tư duy ngược, dưới đây là một ví dụ điển hình bạn có thể tham khảo: Chị Lan là quản lý của một phòng khám sức khỏe và cô ấy yêu cầu các nhân viên tìm cách cải thiện sự hài lòng của người tới khám. Các ý tưởng đã được đưa ra và thực hiện nhưng đều không thành công.

Vì vậy, cô ấy quyết định sử dụng sử dụng tư duy ngược trong cuộc họp sắp tới để tìm ra cách sáng tạo giúp giải quyết vấn đề.

Để chuẩn bị cho cuộc họp nhóm, cô ấy suy nghĩ cẩn thận về vấn đề và viết ra tuyên bố vấn đề:

"Làm thế nào để chúng tôi cải thiện sự hài lòng của người tới khám?" Sau đó, cô đảo ngược tuyên bố vấn đề: "Làm thế nào để chúng tôi làm cho người tới khám không hài lòng hơn?". Cô ấy đã bắt đầu thấy góc độ mới có thể tiết lộ một số kết quả đáng ngạc nhiên như thế nào.

Tại cuộc họp nhóm, mọi người đều tham gia vào một cuộc tư duy ngược thú vị và hiệu quả. Cô ấy khuyến khích các luồng ý tưởng tự do, đồng thời đảm bảo rằng mọi người không phán xét ngay cả những đề xuất khó xảy ra nhất.

Đây là một vài trong số những ý tưởng "đảo ngược":

  • Để những người tới khám đặt lịch trước bị trùng lịch với nhau.

  • Dọn ghế ra khỏi phòng chờ.

  • Để người tới khám đợi bên ngoài trong bãi đậu xe.

  • Tăng thời gian chờ kết quả khám từ 2 ngày lên 2 tuần.

Sau một khoảng thời gian dài tư duy ngược, nhóm có một danh sách dài các giải pháp "ngược lại". Bây giờ là lúc xem xét ngược lại từng vấn đề để suy nghĩ về một giải pháp tiềm năng:

  • Ngăn chặn các cuộc hẹn đặt trước bị trùng lịch với nhau bằng cách đầu tư để cải tiến hệ thống đặt lịch.

  • Kê thêm ghế để không ai phải đứng khi chờ đợi.

  • Cố gắng để người tới khám ở trạng thái chờ không quá ba phút.

  • Mở cửa phòng chờ sớm hơn 10 phút để người tới khám không phải xếp hàng ngoài trời vào buổi sáng.

  • Đầu tư vào phần mềm mới để người cần khám có thể có các cuộc hẹn ảo, giảm bớt tình trạng qáu đông người tới khám trực tiếp tại phòng khám.

Cuộc họp với tư duy ngược đã giúp nhóm có được nhiều ý tưởng mới mẻ và có thể thực hiện nhanh chóng. Quá trình này mang lại sự khai sáng và niềm vui cho cả nhóm, đồng thời giúp họ trở nên kiên nhẫn tập trung hơn. Nó mất nhiều thời gian hơn một chút so với việc động não thông thường, nhưng nó tạo ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn.

5 bước rèn luyện tư duy ngược trong kinh doanh

5 bước giúp bạn rèn luyện tư duy ngược trong kinh doanh

Dưới đây là 5 bước giúp bạn rèn luyện tư duy ngược trong kinh doanh:

Bước 1: Xác định vấn đề

Bước đầu tiên đó là bạn cần xác định vấn đề của bạn là gì? Giả sử bạn đang kinh doanh và muốn tăng doanh số bán hàng của mình, vấn đề bạn có thể đặt ra là “Làm thế nào để tăng doanh số bán hàng?”

Bước 2: Lật ngược vấn đề

Sau khi đã xác định được vấn đề, bạn hãy lật ngược vấn đề đó lại hoặc suy nghĩ cách để làm cho vấn đề đó trở nên tệ hơn thay vì tìm cách giải quyết vấn đề đó.

Với vấn đề: “Làm thế nào để tăng doanh số bán hàng?”, bạn có thể lật ngược hoặc làm cho nó trở nên tệ hơn như sau: “Làm thế nào để giảm doanh số bán hàng?”

Bước 3: Thu thập ý kiến

Thu thập ý kiến

Bước tiếp theo là bạn tiến hành thu thập ý kiến của các thành viên trong nhóm, hoặc các khách hàng tiềm năng về vấn đề đã được lật ngược là cách làm cho doanh số bán hàng giảm đi. Bạn có thể phỏng vấn trực tiếp từng thành viên nhóm, khách hàng tiềm năng hoặc sử dụng các công cụ khảo sát trực tuyến, hay tổ chức một buổi thảo luận về nó.

Các ý kiến bạn thu thập được có thể là:

  • Tăng giá sản phẩm.

  • Giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

  • Không triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến mãi, chính sách đổi trả hay bảo hành.

  • Không có phản hồi hay tương tác với khách hàng khi tư vấn sản phẩm, dịch vụ.

  • Không cải tiến sản phẩm.

  • Không phản hồi lại các đánh giá, nhận xét của khách hàng.

  • Cắt giảm các kênh phân phối và phân phối không rõ hàng để khách hàng không biết địa điểm mua.

  • Để những người có ảnh hưởng nói xấu về sản phẩm.

Bước 4: Đảo ngược ý tưởng

Đảo ngược các ý tưởng có ở bước 3 để có được ý tưởng cho vấn đề cần giải quyết

Khi thu thập được những ý kiến về cách làm giảm doanh số bán hàng, bạn tiến hành đảo ngược những ý tưởng đó để thu về những ý tưởng có thể giúp bạn tăng doanh số bán hàng. Kết quả khi bạn đảo ngược các ý tưởng trên sẽ là:

  • Không tăng giá và có thể giảm giá sản phẩm.

  • Tăng thêm chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

  • Triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến mãi, chính sách đổi trả, bảo hành.

  • Liên tục cải tiến sản phẩm để phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng.

  • Phản hồi tích cực các đánh giá, nhận xét của khách hàng.

  • Mở rộng hệ thống kênh phân phối và truyền thông rõ về các kênh phân phối để khách hàng có thể biết.

Bước 5: Đánh giá ý tưởng và xác định giải pháp

Đánh giá các ý tưởng và xác định giải pháp

Khi có được một loạt các ý tưởng có thể giúp bạn giải quyết vấn đề, bạn cần đánh giá xem ý tưởng nào khả thi nhất và xác định giải pháp thực hiện. Để đánh giá ý tưởng, bạn có thể sử dụng các tiêu chí và sắp xếp theo mức độ quan trọng của tiêu chí. Tùy thuộc vào vấn đề mà bạn sẽ sử dụng những tiêu chí khác nhau. Trong tình huống tăng doanh số bán hàng, bạn có thể sử dụng những tiêu chí sau để đánh giá các ý tưởng:

  • Mục tiêu.

  • Chi phí.

  • Thời gian thực hiện.

  • Khả năng thực hiện.

  • Khả năng đo lường hiệu quả.

Sau khi đánh giá, bạn sẽ chọn ra được ý tưởng khả thi và tốt nhất. Bạn sẽ lập kế hoạch, phân công nghiệp vụ để triển khai ý tưởng đó.

Kết luận: Tư duy ngược là một cách giúp bạn tìm ra những giải pháp sáng tạo cho những vấn đề khó khăn mà cách tư duy thông thường không thể giải quyết. Để rèn luyện tư duy ngược trong kinh doanh, bạn thực hiện 5 bước: Xác định vấn đề, lật ngược vấn đề, thu thập ý kiến, đảo ngược ý tưởng, đánh giá ý tưởng và xác định giải pháp. Hãy áp dụng và rèn luyện tư duy ngược để có những góc nhìn mới mẻ và cách giải quyết vấn đề sáng tạo. Chúc bạn thành công!

 

Nguồn tham khảo: 

[1] Reverse Brainstorming, mindtool

[2] Reverse Brainstorming Training: An Innovation and Design Thinking Tool, innovationtraining

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ