Bài viết

Wabi Sabi là gì? Nét đẹp của sự không hoàn hảo

10/03/2023 dot 10 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với gu thẩm mỹ tinh tế và độc đáo bậc nhất trên thế giới. Và ở đất nước này, cái đẹp đã hình thành nên những trường phái đặc biệt mà thế giới phải nhớ mặt đặt tên. Wabi Sabi là một trong những phong cách thẩm mỹ có lịch sử lâu đời. Để hiểu rõ hơn về Wabi Sabi - nét đẹp của sự không hoàn hảo, hãy.cùng AIA Việt Nam tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!

1. Wabi Sabi là gì?

Wabi Sabi đại diện cho một trường phái thẩm mỹ (nghệ thuật) tinh túy của xứ sở mặt trời mọc. Nguồn cảm hứng chính cho phong cách Wabi Sabi này đó chính là chưa hoàn thiện. Tức là vạn vật ở trên cuộc đời này đều không toàn vẹn, và vẻ đẹp đích thực chính là nằm ở những sự không toàn vẹn ấy.

Có thể tóm gọn trường phái thẩm mỹ Wabi Sabi này bằng những từ như sau:

  • Sự bất đối xứng (asymmetry)

  • Sự không bằng phẳng (roughness)

  • Sự giản lược hóa (simplicity)

  • Sự cần kiệm (economy)

  • Sự khắc khổ (austerity)

  • Sự khiêm nhường (modesty)

  • Sự gần gũi (intimacy)

Không phải bất kỳ một hoạt động hay một vật thể nào mang phong cách Wabi Sabi đều hội tụ đầy đủ những yếu tố này. Và bạn cũng đừng phân biệt cụ thể từng yếu tố như là những mảnh ghép riêng biệt. Bởi vì những gì thuộc về phạm trù cái đẹp thì các yếu tố đều có sự giao thoa với nhau.

Hiểu được Wabi Sabi, chúng ta cần phải hiểu một cách linh hoạt và cảm nhận bằng cả tâm hồn. Một sản phẩm được làm ra không hoàn thiện hay bị lỗi trong quá trình sản xuất thì đó là do sự cẩu thả chứ không phải là theo phong cách Wabi Sabi.

Wabi Sabi thể hiện vẻ đẹp của sự không cân đối

2. Lịch sử hình thành phong cách Wabi Sabi

Có người cho rằng trường phái này bắt đầu nhen nhóm từ khoảng thế kỷ XII – XIV, Wabi sabi ban đầu là kết quả của sự xâm nhập Đạo giáo và đặc biệt là Thiền Phật vào cách sống và cảm nhận về cái đẹp của người Nhật.

Phong cách Wabi sabi bắt nguồn từ Trà đạo. Và câu chuyện được nhiều người truyền tai nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác về người khai sinh ra phong cách này chính là một thiền sư sống vào thế kỷ XVI có tên là Sen no Rikyu.

Theo truyền thuyết, chàng trai trẻ chàng trai trẻ Rikyu, háo hức muốn tìm hiểu các quy tắc của nghi lễ trà đạo tổ tiên, đã đi tìm một bậc thầy về trà được công nhận tên là Takeeno Joo.

Thấy được niềm khát khao to lớn của chàng trai trẻ này, Takeeno Joo muốn kiểm tra khả năng của anh bằng cách nhờ anh ấy chăm sóc khu vườn. Rikyu đã cố gắng làm sạch khu vườn này một cách hoàn hảo từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. 

Tuy nhiên, trước khi trình bày tác phẩm của mình với chủ nhân, anh ấy đã rung một cây anh đào và hoa anh đào rơi xuống đất. Sự không hoàn hảo này đã mang lại vẻ đẹp cho khung cảnh và đó là cách khái niệm Wabi sabi ra đời.

Sen no Rikyu sau nà được xem là một trong những bậc thầy về trà đạo được kính trọng hàng đầu tại xứ sở Phù Tang. Nhờ vào những cánh hoa anh đào vô tình rơi trong một khung cảnh tưởng chừng như hoàn hảo không tì vết, Rikyu đã tạo nên một phong cách thưởng thức trà chân thực, gần gũi hơn và không cần yêu cầu một khung cảnh hoàn hảo mỹ lệ nào. Vì đó là tiếng gọi từ trong tâm hồn.

3. Wabi Sabi - Vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo

3.1 Wabi sabi trong Trà đạo

Người đi đầu trong việc triển khai triết lý Wabi Sabi trong trà đạo này là nhà sư Murata Juko. Ông đã biên soạn tài liệu Kokoro no fumi (Lá thư của trái tim) với nội dung viết về một buổi lễ trà dựa trên tư tưởng của triết lý Wabi Sabi.

Tinh thần Wabi Sabi trong trà đạo này được thể hiện ở những chi tiết:

  • Trà cụ: tập trung vào các dụng cụ đơn giản, bình nấu trà cùng các yếu tố liên quan. Và một điểm thú vị đó là sử dụng chén uống trà được làm từ gốm raku-yaki.

  • Phong cách: Uống trà với một phong cách thong thả, không quá rườm rà về mặt hình thức theo kiểu quý tộc nhưng cũng không quá sơ sài.

Wabi Sabi trong trà đạo

3.2 Wabi sabi và gốm raku-yaki

Raku là một dòng gốm cổ Nhật từ những năm 1550.

Dòng gốm này thường được dùng trong các nghi thức về trà đạo truyền thống. Theo tinh thần của Wabi Sabi này, các công đoạn chế tạo ra dòng gốm này sẽ được định hình từ ban đầu, sau đó sẽ qua quá trình nung gốm ở nhiệt độ thấp (tầm 1.000 độ) trong khoảng 50 phút, sản phẩm được lấy ra khỏi lò một cách đột ngột và được đặt vào thùng có chứa vật liệu cháy như mùn cưa, lá khô… để sản phẩm có thể nguội nhanh sau khi mở lò.

Các nghệ nhân làm ra dòng gốm này có thể dùng các kỹ thuật như chống sáp, men nứt, men đồng hoặc sơn màu đen mờ. Một số người thợ sáng tạo hơn còn gắn thêm những sợi lông ngựa trên sản phẩm của mình và đưa vào lò, để tạo ra những họa tiết bất quy tắc trên đồ gốm.

Wabi Sabi trong gốm Raku Yaki

3.3 Wabi sabi trong phong cách kiến trúc

Không chỉ đáng chú ý ở lĩnh vực gốm sứ, tinh thần Wabi Sabi còn nổi bật trong kiến trúc nội thất với tư tưởng chủ đạo là tôn trọng và cố gắng giữ nguyên bản chất vốn có của mọi vật. Kiến trúc Wabi Sabi là sự mộc mạc, gần gũi, dễ chịu được kết hợp từ các yếu tố kiểu dáng, kết cấu không gian, chất liệu và màu sắc.

Wabi Sabi trong kiến trúc

  • Về đường nét: Các thiết kế Wabi Sabi mang đường nét đơn giản, hạn chế tối đa việc uốn, nắn, có thể thay đổi theo mục đích của người dùng miễn sao thể hiện đầy đủ công năng của sản phẩm.

  • Về không gian, ánh sáng: Wabi Sabi chú trọng tạo nhiều khoảng trống, nhưng mỗi khoảng trống đều mang “ý đồ” riêng của tác giả. Tất cả đều được tính toán cẩn thận để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cũng như để gió có thể tràn vào mọi ngóc ngách, nhằm tạo không gian kiến trúc thoáng đãng, dễ chịu.

  • Về chất liệu: Gỗ, đá, vải vóc, kim loại thô là những chất liệu được ưa chuộng trong các thiết kế mang phong cách Wabi Sabi.

4. Những lưu ý khi áp dụng phong cách Wabi Sabi

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi áp dụng phong cách Wabi Sabi vào cuộc sống và không gian sống:

Thứ nhất, tinh thần Wabi Sabi đề cao sự đơn giản, mộc mạc và không hoàn hảo. Vì vậy, khi trang trí nhà cửa, hãy ưu tiên sử dụng các vật liệu tự nhiên như gỗ, đá, gốm với những đường nét thô mộc, không cầu kỳ. Tránh xa sự chải chuốt, đối xứng và hoàn mỹ đến từng chi tiết. Hãy để cho vẻ đẹp tự nhiên, hữu cơ của vật liệu được thể hiện một cách chân thực nhất.

Thứ hai, Wabi Sabi cũng chú trọng đến sự hài hòa với thiên nhiên. Do đó, hãy mang cây xanh, ánh sáng và không khí trong lành vào không gian sống. Sắp đặt cây cảnh ở những vị trí thích hợp, tận dụng ánh sáng tự nhiên qua cửa sổ, cửa chính. Dùng màu sắc trung tính, nhã nhặn như nâu đất, xám, be để tạo cảm giác thư thái, gần gũi với thiên nhiên.

Cuối cùng, triết lý Wabi Sabi khuyến khích sự trân trọng những gì mình đang có, dù cho chúng có phần khiêm tốn, giản dị. Thay vì mải mê theo đuổi những đồ vật mới, hãy biết quý những thứ cũ kỹ nhưng là kỷ vật đong đầy kỷ niệm. Một chiếc bình gốm sứt mẻ, một cuốn sách cũ với những trang giấy đã ngả màu, một chiếc ghế gỗ với vết xước thời gian... tất cả đều xứng đáng có một vị trí trong ngôi nhà Wabi Sabi. Điều quan trọng là biết sống chậm lại, trân quý những khoảnh khắc giản đơn trong cuộc sống thường nhật.

Lời kết

Qua bài viết trên, có thể thấy mỗi một trường phái thẩm mỹ đều mang trong mình những vẻ đẹp khác nhau. Cho dù bạn có thích phong cách Wabi Sabi này hay không thì không thể phủ nhận đây là một trường phái thẩm mỹ rất ấn tượng.

Bạn có thể áp dụng kiểu phong cách Wabi Sabi này ngay trong chính cuộc sống của mình để trở nên thoải mái hơn, tập chấp nhận những gì không trọn vẹn để cuộc sống trở nên trọn vẹn hơn.

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ