Bài viết

Ý chí là gì? 7 cách rèn luyện ý chí nghị lực

28/07/2023 dot 10 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao một số người có thể vượt qua mọi khó khăn và thử thách để đạt được mục đích của mình, nhưng một số khác thì lại dễ dàng bỏ cuộc khi gặp phải trở ngại? Sự khác biệt đó chính ý chí nghị lực - một phẩm chất mà ai cũng cần có để thành công trong cuộc sống.

Trong bài viết này, AIA sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý chí là gì, sức mạnh của ý chí và 7 cách rèn luyện ý chí nghị lực để bạn có thể tự tin và kiên định theo đuổi ước mơ của mình.

Cùng bắt đầu nhé!

Ý chí là gì?

Theo Từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ (2003), Ý chí là “Khả năng tự xác định mục đích cho hành động và hướng hoạt động của mình, khắc phục khó khăn nhằm đạt mục đích đó.”

Còn theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), Ý chí là khả năng thực hiện ý định của bạn với sự tự chủ. Cụ thể, sức mạnh ý chí là động lực giúp bạn “phớt lờ” tất cả cảm giác xao nhãng, những cản trở bản thân đang đối mặt để kiên định với mục tiêu của mình.

“Đầu hàng” trước những cám dỗ có thể mang lại sự thoải mái nhất thời nhưng lại khiến kế hoạch chúng ta bị gián đoạn, thậm chí là bỏ dở.

Ví dụ: Trong lúc làm việc, bạn chơi game hoặc lướt Facebook. Đây là những hoạt động làm bạn rất vui vẻ và thư giãn, tuy nhiên chúng có thể khiến công việc của bạn bị trễ Deadline. Kết quả này có thể bị cấp trên đánh giá thấp, khiến bạn khó có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

Ngoài ra, dưới đây là một vài ví dụ về ý chí để bạn có cái nhìn trực quan hơn về đức tính này:

  • Bạn hạn chế những buổi tiệc tùng đắt đỏ để duy trì mục tiêu tiết kiệm 5 triệu/tháng.

  • Bạn duy trì đến phòng tập gym mỗi ngày để cố gắng thực hiện mục tiêu “6 múi” của mình.

  • Bạn hạn chế Calo trong bữa ăn hằng ngày để cố gắng hiện thực hóa ước mơ giảm cân.

Sức mạnh của ý chí

Sức mạnh của ý chí tiếp thêm cho bạn sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh, “đánh bại” những khó khăn để hiện thực hóa được những mục tiêu mà mình mong muốn. Sự kỷ luật này còn là điều kiện rất tốt giúp bạn rèn luyện khả năng chịu đựng áp lực.

Khả năng chịu áp lực càng lớn, bạn càng giải quyết được nhiều việc hơn. Từ đó, bạn sẽ được cấp trên, đồng nghiệp đánh giá cao - đây là yếu tố quan trọng giúp con đường sự nghiệp của bạn trở nên thuận lợi hơn.

Do đó, không quá khi nói rằng: Ý chí càng lớn, bạn càng tiến gần đến thành công.

Tuy nhiên, sức mạnh ý chí là một “nguồn tài nguyên” có giới hạn, bạn cần có những khoảng thời gian nghỉ ngơi để nạp lại “năng lượng ý chí” của mình. Nhà tâm lý học xã hội Roy Baumeister đã phát hiện ra rằng, việc liên tục chống lại những cám dỗ sẽ gây tổn hại cho sức khỏe tinh thần của bạn [1]. Việc phải đối diện thường xuyên với tình trạng căng thẳng do chống lại sự cám dỗ xung quanh có thể khiến bạn dần mất tự chủ và cuối cùng là dễ bị bỏ cuộc hơn.

Có 1 cách để chống lại được điều này, đó là: Sự cân bằng trong cuộc sống. Ví dụ như: Trong ăn kiêng giảm cân, việc kiên trì giới hạn Calo trong mỗi bữa ăn sẽ giúp bạn đến gần với mục tiêu hơn. Bên cạnh đó, những ngày Cheat Day là những khoảng thư giãn giúp bạn “nạp lại” năng lượng tâm trí để sẵn sàng hơn khi quay lại chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.

5 cách rèn luyện ý chí nghị lực

Ý chí không phải là một bản năng sinh ra đã có, đức tính này cần phải được bạn rèn luyện và cải thiện liên tục qua thời gian thì mới có được.

Dưới đây là 5 cách bạn có thể áp dụng để tăng cường ý chí nghị lực của mình:

1. Thiền

Thiền là một phương pháp giúp bạn rèn luyện sự tập trung vào hơi thở, kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ của mình một cách có ý thức. Theo nghiên cứu của Đại học Columbia, thiền có tác dụng thay đổi cấu trúc và chức năng não, giúp bạn:

  • Giúp tập trung sâu hơn trong công việc và học tập

  • Tăng cường trí nhớ và kéo dài khoảng thời gian tập trung của con người.

  • Giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.

  • Tăng cường hệ niễn dịch mạnh mẽ hơn và khả năng phục hồi thể chất/tâm lý tốt hơn

  • Ngủ ngon hơn.

2. Lập kế hoạch dài hạn

Một trong những yếu tố quan trọng của ý chí là khả năng nhìn xa trông rộng, không chỉ bị cuốn theo những cám dỗ ngắn hạn. Bạn nên lập ra những mục tiêu dài hạn cho cuộc sống của mình, và xác định những bước cụ thể để đạt được chúng.

Ví dụ như, bạn sẽ như thế nào trong 10 năm nữa? Đây là một câu hỏi khó trả lời, tuy nhiên việc suy nghĩ trước về nó sẽ giúp bạn có những kế hoạch, phương hướng đúng đắn để cải thiện bản thân hơn trong tương lai. Việc lập kế hoạch dài hạn sẽ giúp bạn cảm thấy bản thân sống có mục đích hơn, có những hành động đúng đắn hơn để đạt được những điều mà mình mong muốn.

Bạn cũng nên định kỳ hàng tháng hoặc hàng tuần theo dõi tiến trình hành động của mình và đánh giá lại kế hoạch khi cần thiết để phù hợp hơn với khả năng bản thân. Tránh đưa ra một kế hoạch quá viển vông, điều này khiến bạn có thể dễ bị bỏ cuộc và mọi thứ chẳng đi đến đâu cả.

3. Thử thách bản thân

 

Thử thách bản thân là một cách khác để rèn luyện ý chí là thử thách bản thân với những điều mới mẻ hoặc khó khăn. Bạn có thể học một kỹ năng mới, đọc một vài cuốn sách kinh điển, hay tham gia một hoạt động ngoại khóa nào đó.

Việc này sẽ giúp bạn tăng cường tính kiên trì và nhẫn nại. Thử thách bản thân cũng giúp bạn có cơ hội để khám phá khả năng của mình, và biết đâu… bạn có một tài lẻ nào đó mà chưa được “khai phá”?

4. Xây dựng thói quen

Thói quen là những hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống mà bản thân ta không cần nghĩ nhiều. Những thói quen tốt không tự nhiên sinh ra mà có, chúng phải được rèn luyện thông qua một quá trình nỗ lực với ý chí bền bỉ.

Do đó, để nâng cao ý chí bản thân, bạn có thể tập các thói quen tốt sau:

  • Đặt báo thức và dậy sớm mỗi ngày

  • Ăn sáng đầy đủ

  • Rèn luyện sự tập trung, tránh xao nhãng

  • Đọc sách hoặc học một điều gì đó mới mỗi ngày

5. Tự khen thưởng nỗ lực của mình

Một cách khác để rèn luyện ý chí là tự khen thưởng nỗ lực của mình khi hoàn thành một mục tiêu hoặc vượt qua một thử thách. Việc này sẽ giúp bạn tăng cường động lực để rèn luyện ý chí cho những mục tiêu tiếp theo.

Bạn có thể tự thưởng bản thân bằng cách:

  • Mua một món đồ mà bạn thích

  • Xem một bộ phim hay hoặc chơi một trò chơi yêu thích

  • Ăn một bữa ăn ngon hoặc một món ăn vặt yêu thích

  • Đi du lịch hoặc nghỉ ngơi ở một nơi mình thích.

6. Tự tin vào chính mình

 

 

Suy nghĩ tích cực về bản thân mình cũng giúp bạn cải thiện ý chí của bản thân của mình hơn. Một khi bạn tự tin rằng bản thân mình làm được, bạn sẽ thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc và dồn nhiều tâm huyết để hoàn thành mục tiêu.

Bạn có thể cải thiên sự tự tin của bản thân mình bằng cách:

  • Nhắc nhở bản thân về những thành công và tiến bộ mình đã đạt được

  • Thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực

  • Rút kinh nghiệm từ những sai lầm và khó khăn

  • Nhờ sự hỗ trợ và động viên từ người thân thiết

  • Tập thể hiện bản thân mình trước đám đông (một cách từ từ)

7. Dành thời gian nghỉ ngơi

 

Cuối cùng, bạn cũng không nên quá ép bản thân khi rèn luyện ý chí. Như đã đề cập ở trên, việc ý chí quá mức sẽ có thể khiến tinh thần căng thẳng, khiến ta dễ bị bỏ cuộc hơn. Do đó, bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng, giải tỏa căng thẳng và duy trì sức khỏe để “sạc đầy” lại nguồn năng lượng ý chí của mình nhé!

Bạn có thể cho tâm trí mình nghỉ ngơi bằng cách:

  • Ngủ đủ giấc

  • Thư giãn bằng những hoạt động mình yêu thích

  • Thiền hoặc tập yoga

  • Massage hoặc spa

Điều cần tránh khi rèn luyện ý chí

Khi rèn luyện ý chí, bạn cũng cần tránh những điều sau đây để tránh phản tác dụng khi rèn luyện ý chí cho bản thân:

  • Đặt mục tiêu quá cao hoặc quá thấp: Bạn nên đặt mục tiêu vừa phải, thực tế và có thể đo lường được. Nếu mục tiêu quá cao, bạn sẽ dễ bị nản lòng và từ bỏ khi gặp khó khăn. Nếu mục tiêu quá thấp, bạn sẽ không có động lực để cố gắng và phát triển bản thân.

  • Để cho sự cám dỗ chi phối hành động: Bạn nên kiểm soát sự cám dỗ bằng cách tránh xa những yếu tố gây xao nhãng hoặc hại cho mục tiêu của bạn. Ví dụ: Tránh vừa xem phim vừa làm việc.

  • Tự ti hoặc hạ thấp bản thân: Bạn nên tự tin vào khả năng của mình và không để những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến tâm trạng và hành động của bạn. Bạn cũng nên biết tự tha thứ cho bản thân khi mắc sai lầm và rút kinh nghiệm từ chúng.

  • Quá ép bản thân hoặc quá lười biếng: Bạn nên tìm một sự cân bằng giữa việc rèn luyện ý chí và nghỉ ngơi. Bạn không nên quá ép bản thân khiến cho cơ thể và tinh thần kiệt sức. Bên cạnh đó, tránh việc quá lười biếng gây ra suy giảm ý chí. Bạn nên lắng nghe cơ thể và tâm trí của mình để biết khi nào cần cố gắng và khi nào cần nghỉ ngơi.

Ý chí là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thành công trong cuộc sống. Người có ý chí nghị lực luôn biết mình muốn gì, làm gì và làm thế nào để đạt được điều mình muốn. Họ không bao giờ từ bỏ hay nản lòng trước những khó khăn hay thất bại. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về ý chí nghị lực, cũng như biết cách rèn luyện đức tính tốt đẹp này để thành công hơn trong cuộc sống. Hãy luôn giữ vững ý chí của bạn và đừng bao giờ bỏ cuộc nhé!

 

Nguồn tham khảo:

[1] Văn Khoa - “Ý chí”: Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người, 2021

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ