Bài viết

Suy nhược thần kinh: Dấu hiệu, Nguyên nhân và Cách điều trị

25/10/2024 dot 5 phút đọc
Y học thường thức

Trong xã hội hiện đại, áp lực công việc và cuộc sống ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần. Một trong những tình trạng phổ biến là suy nhược thần kinh. Vậy suy nhược thần kinh là gì, các dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này như thế nào? Cùng AIA Việt Nam tìm hiểu trong bài sau. 

Suy nhược thần kinh là bệnh gì?

Suy nhược thần kinh, có tên khoa học là Da Costa hay còn gọi là kiệt quệ thần kinh, là một hội chứng thuộc nhóm rối loạn thần kinh chức năng. Tình trạng này xảy ra khi các tế bào não phải làm việc quá sức, dẫn đến sự rối loạn chức năng của vỏ não và các trung khu dưới vỏ não.

Suy nhược thần kinh gây ra những triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, và các rối loạn tâm lý khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.

Suy nhược thần kinh là một hội chứng thuộc nhóm rối loạn thần kinh chức năng

Các dấu hiệu suy nhược thần kinh

Người bị suy nhược thần kinh có thể xuất hiện một trong những dấu hiệu sau:

  • Thay đổi tâm trạng: Người bệnh thường có tâm trạng không ổn định, dễ nổi giận, cảm thấy tội lỗi, dễ khóc và đôi khi trầm lặng.

  • Tự cô lập bản thân: Xu hướng xa lánh mọi người, thích ở một mình, nhất là khi bị căng thẳng.

  • Rối loạn cảm giác: Các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, tê mỏi, chán nản thường xuất hiện và thay đổi theo tâm trạng.

  • Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh có thể bị mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm.

  • Lo âu quá độ: Thường xuyên cảm thấy lo âu, có suy nghĩ tiêu cực và thấy vấn đề khó giải quyết.

  • Tăng nhịp tim: Cảm giác căng thẳng khiến tim đập nhanh và có cảm giác co thắt ở ngực.

  • Triệu chứng trên cơ thể và thần kinh: Đau mỏi cổ, đau lưng, chóng mặt, khó chịu ở da như kim châm, run chân tay, và rối loạn cảm xúc.

Người bị suy nhược thần kinh thường xuyên mất ngủ

>>> Xem thêm: 5 cách chống mất ngủ không dùng thuốc hiệu quả tại nhà    

Các biến chứng nguy hiểm của suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần như:

  • Chứng kích thích suy nhược: Là mức độ nặng hơn của suy nhược thần kinh, khiến người bệnh khó kiểm soát tâm trạng và dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài như lo âu, căng thẳng hay tiếng động. Người bệnh cũng thường gặp rối loạn hormone và trao đổi chất, mệt mỏi, đau đầu.

  • Mất ngủ: Hầu hết bệnh nhân gặp vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, dẫn đến sức khỏe giảm sút, cơ thể uể oải và mệt mỏi kéo dài.

  • Rối loạn thần kinh: Suy nhược thần kinh gây ra nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh như đau cột sống, tê bì tay chân, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác.

  • Rối loạn thần kinh thực vật:  Suy nhược thần kinh nếu kéo dài có thể dẫn đến  rối loạn thần kinh thực vật, khiến người bệnh có các triệu chứng như đánh trống ngực, hạ huyết áp, tăng thân nhiệt và rối loạn kinh nguyệt.

  • Trầm cảm: Suy nhược thần kinh có thể dẫn đến trầm cảm, với các triệu chứng như buồn rầu, chán nản, khó ngủ và mất hứng thú trong cuộc sống. Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày.

Suy nhược thần kinh có thể dẫn đến trầm cảm

Các nguyên nhân gây ra bệnh suy nhược thần kinh

Nguyên nhân gây suy nhược thần kinh chủ yếu là do căng thẳng tâm lý, áp lực và stress kéo dài, nhưng còn nhiều yếu tố khác như:

  • Thần kinh yếu.

  • Kích thích thần kinh từ môi trường sống như ô nhiễm không khí, tiếng ồn và áp lực.

  • Bệnh lý mạn tính gây khó chịu như viêm loét dạ dày, viêm túi mật.

  • Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt.

  • Làm việc nhiều nhưng ngủ không đủ giấc.

  • Nghiện chất kích thích như rượu, bia, cà phê.

  • Lao động trí óc kéo dài.

Phương pháp điều trị suy nhược thần kinh

Để chuẩn đoán bệnh suy nhược thần kinh, các bác sĩ sẽ dựa trên 3 bảng tiêu chuẩn sau:

  • Phân loại quốc tế về bệnh tật (ICD).

  • Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (DSM).

  • Phân loại rối loạn tâm thần của Trung Quốc (CCMD)

Bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, và tiền sử bệnh. Đánh giá mức độ bệnh theo các tiêu chuẩn và kiểm tra các triệu chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. 

Một số phương pháp điều trị bệnh suy nhược thần kinh:

  • Điều trị triệu chứng và áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức.

  • Tập luyện theo từng mức độ.

  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, và thuốc ngủ khi cần.

Bác sĩ cần công nhận triệu chứng của bệnh nhân và hướng dẫn bệnh nhân cách cải thiện tình trạng. Đối với bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ, hướng dẫn thư giãn, xem xét dùng thuốc ngủ nếu không hiệu quả. Nếu bệnh nhân bị đau (đau lưng, đau cột sống) có thể điều trị bằng pregabalin, gabapentin, amitriptyline, duloxetine hoặc bằng vật lý trị liệu.

Tùy tình trạng mà bác sĩ sẽ xem xét có nên sử dụng thuốc không

Chế độ chăm sóc bệnh nhân bị suy nhược thần kinh

Nguyên nhân suy nhược thần kinh chủ yếu bắt nguồn từ lối sống thiếu lành mạnh như: sử dụng chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, cà phê), căng thẳng và áp lực quá mức, tâm trạng tiêu cực không được giải tỏa, cùng chế độ nghỉ ngơi không điều độ.

Biện pháp điều trị đầu tiên là khắc phục nguyên nhân gây bệnh và thay đổi thói quen sống.  Cụ thể, người mắc suy nhược thần kinh nên:

  • Hạn chế sử dụng rượu, bia, và các chất kích thích.

  • Ăn uống đủ dinh dưỡng và điều độ để đảm bảo cung cấp năng lượng cần thiết.

  • Giải tỏa cảm xúc tiêu cực (áp lực, buồn bã) bằng cách chia sẻ với bạn bè hoặc người thân, đồng thời giải quyết sớm các vấn đề gây căng thẳng (mâu thuẫn công việc, xung đột gia đình, áp lực tài chính).

  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để thư giãn tinh thần. Các bài tập như Yoga, thiền định, và thái cực quyền rất hữu ích.

Nếu xuất hiện dấu hiệu suy nhược thần kinh, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ tâm lý và tuân thủ hướng dẫn điều trị, tránh tự mua thuốc. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hỗ trợ như asthenal, sulbutiamine, hoặc thuốc tăng cường tuần hoàn, giúp giảm tình trạng suy nhược.

Tập thể dục mỗi ngày để đẩy lùi suy nhược thần kinh

Biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả

Bệnh thần kinh suy nhược có thể phòng ngừa. Khi có dấu hiệu, cần chú ý đến những điểm sau:

  • Xây dựng mối quan hệ tốt với gia đình và bạn bè.

  • Khắc phục tình trạng căng thẳng và mệt mỏi kéo dài.

  • Cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi.

  • Thư giãn giúp hạn chế suy nhược cơ thể. 

  • Tránh làm việc ở khu vực ồn ào, tạo tâm lý thoải mái và năng lượng tích cực. 

  • Đảm bảo giấc ngủ tốt, tránh thức khuya và rèn luyện thân thể thường xuyên. 

  • Phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý thực thể

Việc hiểu rõ về các dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp điều trị là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe tâm thần của bản thân và những người xung quanh. Hy vọng rằng bài viết trên của AIA Việt Nam đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh suy nhược thần kinh.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ