Bài viết

Bảo hiểm trùng là gì? Đối tượng và phạm vi áp dụng

26/07/2023 dot 3 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Khi hiểu được tầm quan trọng của bảo hiểm, nhiều người có nhu cầu mua nhiều loại bảo hiểm giống nhau hơn với mong muốn gia tăng quyền lợi bảo vệ của mình. Vì lý do đó, khái niệm “Bảo hiểm trùng” ra đời.

Vậy Bảo hiểm trùng là gì? Chúng có lợi hay hại? Cùng AIA khám phá cụ thể ngay sau đây!

Bảo hiểm trùng là gì? Đối tượng và phạm vi áp dụng

Theo Khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022, Bảo hiểm trùng được định nghĩa là:

Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp có từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Bạn có thể hiểu đơn giản rằng, bảo hiểm trùng là việc mua nhiều hơn 1 bảo hiểm cho cùng một đối tượng tài sản, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.

Đối tượng và phạm vi áp dụng của bảo hiểm trùng là tài sản và trách nhiệm dân sự. Bảo hiểm trùng không áp dụng cho con người, tức bảo hiểm nhân thọ.

Ví dụ: Bạn có một chiếc xe ô tô có giá trị 500 triệu đồng. Bạn mua bảo hiểm vật chất xe của công ty A với số tiền bảo hiểm là 500 triệu đồng. Sau đó, bạn lại mua thêm bảo hiểm vật chất xe của công ty B với số tiền bảo hiểm cũng là 500 triệu đồng. Với hai hợp đồng bảo hiểm đó, điều này có nghĩa bạn đã mua bảo hiểm trùng cho chiếc xe ô tô của mình.

Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, các hợp đồng bảo hiểm trùng được giải quyết như nào?

Căn cứ theo khoản 2 điều 49 Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022:

"Trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, số tiền bồi thường của mỗi hợp đồng bảo hiểm được tính tương ứng theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các hợp đồng bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản."

Do đó, bạn có thể hiểu rằng: Nếu tham gia bảo hiểm trùng, bạn vẫn sẽ được các Công ty Bảo hiểm bồi thường. Tuy nhiên, tổng số tiền bồi thường của cả 2 công ty bảo hiểm sẽ không được vượt quá mức thiệt hại của bạn.

Ví dụ: Tiếp tục với ví dụ về chiếc xe ô tô ở trên. Giả sử xe ô tô của bạn không may bị tai nạn giao thông và thiệt hại tài sản là 300 triệu đồng. Bạn có thể yêu cầu bồi thường từ cả hai công ty A và B. Tuy nhiên, mỗi công ty chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ 50% của số tiền thiệt hại tài sản.

Do đó, bạn sẽ nhận được 150 triệu đồng từ công ty A và 150 triệu đồng từ công ty B. Tổng số tiền bồi thường là 300 triệu đồng, không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của xe ô tô.

1 người có thể mua nhiều bảo hiểm nhân thọ cho bản thân không?

Như đã đề cập ở trên, quy định bảo hiểm trùng không áp dụng cho đối tượng là con người. Do đó, một người có thể mua nhiều bảo hiểm nhân thọ cho bản thân mà vẫn nhận được đầy đủ quyền lợi từ các Công ty Bảo hiểm mà họ đang tham gia.

Ví dụ: Một người mua bảo hiểm nhân thọ của công ty A và B với số tiền bảo hiểm hàng năm là 10 triệu đồng với các chính sách bảo vệ tương tự nhau. Riêng ở quyền lợi tử vong, Công ty A có mức quyền lợi là 500 triệu, công ty B có quyền lợi là 300 triệu.

Khi người được bảo hiểm tử vong, người thụ hưởng được nhận đầy đủ mức quyền lợi trên từ cả hai công ty mà không có hạn mức tối đa như Bảo hiểm trùng, tức tổng cộng: 500 triệu + 300 triệu = 800 triệu đồng.

Bảo hiểm trùng có lợi hay hại cho người mua bảo hiểm?

Mua nhiều loại bảo hiểm trùng có thể đem lại cho bạn một số lợi ích nhất định. Cụ thể như:

- Sự an tâm: Có thêm sự an tâm khi có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng bảo vệ cho tài sản của bạn.

- Quyền lợi bổ sung: Bổ sung quyền lợi để giảm nhẹ thêm thiệt hại khi rủi ro xảy ra (trong hạn mức Luật pháp cho phép)

- Hưởng ưu đãi: Có thể hưởng ưu đãi từ các doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau.

Ngoài ra, bảo hiểm trùng cũng tiềm ẩn một số hạn chế và rủi ro, có thể kể đến:

- Trả nhiều phí hơn: Phải chi trả nhiều phí bảo hiểm hơn để bảo vệ cho cùng một đối tượng và quyền lợi bảo hiểm.

- Rắc rối trong quá trình bồi thường: Phải tuân thủ các điều khoản và điều kiện của nhiều hợp đồng bảo hiểm khác nhau, có thể gây rắc rối trong quá trình giải quyết bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

- Giới hạn mức chi trả bảo hiểm: Hạn mức bồi thường tối đa của bảo hiểm trùng không được vượt quá giá trị thiệt hại tài sản theo Luật. Do đó, bạn có thể không tận dụng hết các quyền lợi của các loại bảo hiểm mà bạn tham gia.

- Rủi ro bị hủy hợp đồng: Nếu Công ty Bảo hiểm phát hiện bạn sử dụng bảo hiểm trùng với mục đích Trục lợi bảo hiểm, rất có thể bạn sẽ bị hủy hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn bị không nhận được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Trên đây, AIA đã giúp bạn đã hiểu rõ hơn về bảo hiểm trùng là gì, đối tượng và phạm vi áp dụng của nó. Bảo hiểm trùng là một loại bảo hiểm có cả mặt lợi ích và hạn chế cho người mua bảo hiểm. Do đó, bạn cần cân nhắc thật sự kỹ lưỡng trước khi quyết định mua bảo hiểm trùng cho tài sản của mình để đảm bảo quyền lợi tối ưu nhất cho bản thân mình.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ