Bài viết

Đầu cơ là gì? Khác gì so với đầu tư? Có nên đầu cơ không?

26/07/2023 dot 3 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Rất nhiều người mong muốn sử dụng tài sản của mình để tạo nên khoản lợi nhuận khổng lồ, một trong những phương pháp nhanh nhất để họ đạt được mục tiêu chính là hoạt động đầu cơ. Vậy bạn có bao giờ thắc mắc đầu cơ là gì? Khác gì so với đầu tư? Tại sao họ lại đầu cơ? Có nên đầu cơ không? Để giải đáp những câu hỏi trên, hãy cùng AIA làm rõ trong bài viết dưới đây.

Đầu cơ là gì?

Hoạt động đầu cơ - tên Tiếng Anh được gọi là Speculation, một thuật ngữ chuyên ngành trong lĩnh vực tài chính. Đầu cơ là việc nhà giao dịch chứng khoán thu lợi nhuận từ việc mua bán, tích lũy hay bán khống các loại tài sản tài chính như cổ phiếu, tiền tệ, hàng hóa, bất động sản… [1]

Nếu như trên thị trường nhu cầu về hàng hóa cao, nghĩa là đang có sự tham gia của số lượng lớn người bên mua, dẫn đến tăng giá và ngược lại, nếu quá nhiều người bán sẽ dẫn đến sự dư thừa nguồn cung, giá hạ dần, tùy theo vị thế người giao dịch mà sự tăng giảm đó đem lại lợi nhuận cho họ.

Vì đây là hình thức diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, kiếm lời dựa trên chênh lệch cung cầu và quá trình biến động mạnh của thị trường cho nên đầu cơ đem lại lợi nhuận rất cao, kèm với đó là rủi ro cao không kém. Có thể nói đây là hoạt động có thể khiến một người “được ăn cả, ngã về không”.

Phân biệt đầu cơ và đầu tư

Đầu tư là một hoạt động, trong đó chủ sở hữu sử dụng các tài sản hiện tại ( tài chính, vật chất, lao động, trí tuệ, thời gian…), để đạt được lợi nhuận và thu về lợi ích kinh tế lớn hơn trong tương lai so với nguồn lực đã bỏ ra.

Khác biệt với đầu cơ - kiếm lợi từ chênh lệch giá trên thị trường biến động, đầu tư không phải là một canh bạc may rủi. Không một nhà đầu tư nào “ném tiền qua cửa sổ” cả, họ thường dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, thu thập kiến thức và thông tin, đo lường rủi ro và lợi ích kinh tế của dự án. Mặc dù có tỷ lệ phần trăm thất bại nhưng việc đầu tư qua các kênh an toàn, có trang bị kiến thức vẫn sẽ thu được nguồn lợi nhuận đáng kể.

Để phân biệt đầu tư và đầu cơ, AIA sẽ đưa ra những tiêu chí so sánh cụ thể làm rõ vấn đề

 

Đầu cơ

Đầu tư

Cách sinh lời

Nhà đầu cơ kỳ vọng lợi nhuận thu được dựa trên sự chênh lệch giá ảnh hưởng bởi mức cung cầu trên thị trường trong thời gian ngắn hạn

Nhà đầu tư kỳ vọng thu được lợi nhuận từ sự thay đổi về giá trị của tài sản đó

Thời gian nắm giữ

Ngắn hạn (thường là vài ngày hoặc vài tháng)

Giữ trong thời gian dài (nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ)

Cách phân tích và tiếp cận tài sản

Dựa trên thông tin, mối quan hệ cung cầu, tin đồn và tâm lý đám đông, lợi nhuận ngắn hạn hoặc doanh thu của doanh nghiệp

Sự phân tích chuyên sâu về kinh tế vi mô - vĩ mô, bối cảnh nền kinh tế và các nguyên tắc cơ bản về sản phẩm tài chính đó

Lợi nhuận mong đợi

Nếu thành công thì sẽ có lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên cũng có thể giảm mạnh thậm chí ảnh hưởng số vốn đầu tư

Lợi nhuận ngắn hạn thường đồng đều và không cao như đầu cơ.

Nhưng lợi nhuận tổng kết sau một thời gian hoặc nhiều năm thì thông thường sẽ có mức lợi nhuận tốt hơn các nhà đầu cơ

Đòn bẩy tài chính

Chủ yêu sử dụng tiền đi vay, tận dụng đòn bẩy tài chính cao để tối ưu lợi nhuận

Hầu hết là vốn tự có (tiền, tài sản cá nhân). Cũng có thể sử dụng vốn vay nhưng số lượng ít và trong thời gian ngắn hạn.

Rủi ro

Đầu cơ đem lại rủi ro cao, phù hợp cho những người ưa sự mạo hiểm

Rủi ro thấp, dành cho những người có tính cẩn thận, chắc chắn

Quy định pháp luật về tội đầu cơ

Tội đầu cơ theo Bộ luật Hình sự bị phạt tù đến 15 năm tù [2], chia ra làm các trường hợp như sau:

Đối với cá nhân

Khung 1: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với:

Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp:

- Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 2: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người phạm tội:

- Có tổ chức;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

 - Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Khung 3: Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội:

- Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Tái phạm nguy hiểm.

Lưu ý: Ngoài các khung hình phạt trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 [2], thì bị xử phạt như sau:

- Phạm tội thuộc Khung 1 thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp tại khung 3 thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Hành vi đầu cơ hàng hóa

Tại Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về hành vi đầu cơ hàng hóa như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi:

Lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;

- Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với:

Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Hình thức xử phạt bổ sung:

- Tịch thu tang vật;

- Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Có nên đầu cơ không?

Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, bởi đầu tư hay đầu cơ còn phụ thuộc vào góc nhìn, kiến thức cũng như cách tiếp cận vấn đề của mỗi người.

Bạn là một người ưa mạo hiểm, thích sự táo bạo và không tuân theo bất cứ quy luật nào? Với sự nhạy bén nắm bắt tâm lý giao dịch, xu hướng dịch chuyển của dòng tiền, bạn sẽ trở thành nhà đầu cơ thành công. Hơn nữa bạn cũng phải chấp nhận rủi ro và linh hoạt trong các quyết định mua bán.

Ngược lại, nếu bạn là người có tính cách thận trọng, thích sự an toàn chắc chắn, đam mê nghiên cứu các báo cáo, không muốn gặp rủi ro quá nhiều nhưng vẫn thu được lợi nhuận ổn định trong thời gian dài thì phương thức đầu tư dài hạn là dành cho bạn.

Trên đây AIA đã cung cấp các thông tin về 2 khái niệm chuyên ngành đầu tư và đầu cơ. Nếu bạn chưa hiểu rõ đầu cơ là gì, hi vọng bài viết sẽ giúp bạn có quyết định đúng đắn và lựa chọn được hình thức kiếm lợi nhuận phù hợp.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ