Khám tổng quát là gì
Khám tổng quát là hình thức khám sức khỏe thường được tiến hành định kỳ. Mục đích khám tổng quát là kiểm tra chức năng, hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Khám tổng quát giúp phát hiện sớm các nguy cơ mắc bệnh và là cơ sở để bác sĩ đưa ra các lời khuyên phù hợp cho người khám giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, khám tổng quát bao gồm nhiều hạng mục tùy thuộc vào nhu cầu của người khám nhưng thường bao gồm khám thể lực, khám lâm sàng và khám cận lâm sàng. Cụ thể như sau:
Khám thể lực
Bác sĩ kiểm tra về chiều cao, cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI), và đo huyết áp của người khám. Thông qua khám thể lực bác sĩ sẽ có đánh giá cơ bản về tình trạng sức khỏe của người khám.
Khám lâm sàng
Bác sĩ khám lâm sàng sẽ kiểm tra và đánh giá tình trạng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Khám lâm sàng bao gồm:
Khám nội khoa: Gồm kiểm tra hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, thận - tiết niệu, cơ - xương - khớp, hệ thần kinh và tâm thần.
Khám phụ khoa / nam khoa: Khám phụ khoa áp dụng cho người khám là nữ giới. Bác sĩ kiểm tra cơ quan sinh sản nhằm phát hiện các bệnh ở nữ giới như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, viêm âm đạo … Đối với nam giới thì bác sĩ sẽ khám sức khỏe nam khoa.
Khám mắt: Bác sĩ kiểm tra thị lực mắt trái, mắt phải và đánh giá các tình trạng bệnh về mắt (nếu có).
Khám tai - mũi - họng: Bác sĩ kiểm tra chức năng của tai, mũi và họng. Các bệnh liên quan đến các cơ quan này thường không có biểu hiện nặng nhưng rất dễ trở thành mãn tính. Việc khám tổng quát sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh và có phương án điều trị dứt điểm.
Khám răng - hàm - mặt: Bác sĩ tiến hành kiểm tra và phân loại tình trạng các bệnh liên quan đến các cơ quan này (nếu có).
Khám da liễu: Bác sĩ kiểm tra tình trạng da, phát hiện các bệnh liên quan đến da như viêm da, dị ứng, nhiễm trùng da … nếu có.
Khám cận lâm sàng
Khám cận lâm sàng bao gồm:
Xét nghiệm máu: gồm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm sinh hóa. Xét nghiệm công thức máu giúp bác sĩ biết số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong máu của người khám, từ đó chẩn đoán được các nguy cơ nhiễm trùng, thiếu máu, đông máu … Xét nghiệm sinh hóa giúp kiểm tra được các thông số như hàm lượng đường trong máu, hàm lượng ure trong máu, creatinin, … giúp phát hiện các bệnh tiểu đường, bệnh về gan, thận …
Xét nghiệm nước tiểu: Giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng của thận và hệ tiết niệu, phát hiện các bệnh quan đến thận, viêm đường tiết niệu …
Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ thực hiện chụp X -quang lồng ngực, siêu âm ổ bụng.