Bài viết

11 sai lầm tài chính phổ biến nhất mà giới trẻ thường mắc phải

26/07/2023 dot 3 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Giới trẻ hiện nay thường vô tình mắc phải những sai lầm về tài chính dẫn đến gặp khó khăn về kinh tế. Bài viết sau đây sẽ nói về 11 sai lầm tài chính mà mọi người thường mắc phải đồng thời giúp bạn hiểu hơn về khái niệm này!

Không theo dõi thu chi

Nhiều khoản chi nhỏ cộng lại sẽ thành một khoản chi lớn khiến bạn bất ngờ vì sao lại tiêu tốn nhiều tiền đến thế. Nhiều người chủ quan cứ nghĩ ăn một bữa không tốn lắm đâu, mua một đôi giày thôi không sao đâu,...nhưng khi chi tiêu quá nhiều khoản như vậy mà không kiểm soát, không theo dõi sẽ khiến bạn hết tiền lúc nào chẳng hay.

Chi tiêu nhiều hơn thu nhập

Kiểm soát chi tiêu đang là một vấn đề khó khăn với nhiều người đặc biệt là trong thời đại công nghệ thanh toán vô cùng dễ dàng với việc quẹt thẻ, quét mã QR,... Việc thanh toán đơn giản và chi trước trả sau rất dễ dẫn đến tình trạng các khoản chi tiêu vượt quá so với thu nhập của bạn.

[1] Mỗi người có một nhu cầu chi tiêu khác nhau, nhưng cũng có thể chi tiêu theo nguyên tắc 50-20-30 như sau:

- 50% tổng thu nhập sẽ dùng để chi trả các khoản chi chính như: đóng tiền nhà, điện nước, nhu yếu phẩm, phương tiện đi lại,...

- 20% thu nhập sẽ dùng để trả các khoản nợ và tiết kiệm nhằm thực hiện các mục tiêu tài chính dài hạn: mua nhà, mua xe,...

- 30% còn lại sẽ để phục vụ cho các nhu cầu cá nhân: mỹ phẩm, quần áo, du lịch,...

Để quản lý chi tiêu tốt thì bạn nên chia ra các tài khoản khác nhau từ khi nhận lương để tránh tiêu vượt quá mức thu nhập hiện tại, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần.

Nợ thẻ tín dụng quá nhiều

Sử dụng thẻ tín dụng là một dạng vay tiêu dùng trước rồi trả nợ sau, đây như là con dao hai lưỡi nếu bạn không quản lý chi tiêu tốt. Nếu bạn chi tiêu quá nhiều từ thẻ tín dụng, hoặc chẳng may công việc trục trặc không thể nhận lương đầy đủ thì lãi suất từ thẻ tín dụng sẽ rất cao, khiến bạn không có khả năng chi trả.

Không có kế hoạch tài chính

Tương lai sau này phụ thuộc vào kế hoạch sống hiện tại của bạn, nhiều người vẫn duy trì thói quen “kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu”. Việc không xây dựng kế hoạch tài chính chi tiêu cá nhân sẽ khiến mình dễ mất cân bằng chi tiêu, không tích lũy cho tương lai sẽ gặp khủng hoảng khi có biến cố xảy ra.

Không đầu tư tiền

Việc có nhiều nguồn thu nhập khác nhau sẽ giúp bạn chủ động hơn về tài chính và ngày càng giàu lên. Nếu chỉ gửi tiền trong tài khoản thì số tiền bạn nhận về không lớn hơn là bao. Hãy làm cách nào đó để “tiền đẻ ra tiền”, những người giàu có thường luôn tính toán và tham gia vào thị trường đầu tư như  bất động sản, chứng khoán,...để tạo ra nhiều nguồn thu nhập thụ động khác.

Trì hoãn việc tiết kiệm

Chúng ta đang có xu hướng chú ý quá nhiều đến nhu cầu của mình ở hiện tại mà không quan tâm đến bản thân trong tương lai. Ví dụ khi nhìn thấy một chiếc bánh mình thích, bạn sẽ sẵn sàng mua ăn luôn mà quên mất mình sẽ phải tập thể dục nhiều hơn vào ngày mai. Cũng giống như việc bạn sẵn sàng chi tiền mua những món đồ mình thích, chạy theo xu hướng để rồi không còn dư tiền để tiết kiệm cho tương lai.

Chi tiêu quá nhiều vào tiêu sản

Tài sản là những gì bạn bỏ tiền để sở hữu và giá trị của nó sẽ tăng dần theo thời gian. Còn tiêu sản cũng là những thứ bạn bỏ tiền ra để sở hữu nhưng giá trị của chúng sẽ giảm dần trong tương lai.

Ví dụ điện thoại, máy tính, xe máy đều là tiêu sản vì khi chúng ta mua về để sử dụng, mang ra khỏi cửa hàng là giá trị của nó đã giảm rồi. Nhưng máy tính, xe máy cũng là công cụ để hỗ trợ cho công việc của chúng ta, giúp ta kiếm ra tiền thì là cần thiết, còn nếu điện thoại chỉ để nghe gọi thì không nhất thiết phải mua đời máy quá xịn, quá đắt tiền để tránh lãng phí.

Không đa dạng hóa nguồn thu nhập

Có nhiều nguồn thu nhập khác nhau cũng giống như đa dạng hóa danh mục đầu tư, khi một nguồn thu nhập bị thiệt hại thì các nguồn thu khác sẽ bù đắp lại.

Thay vì chỉ dựa vào những đồng lương cố định, chúng ta tìm cơ hội làm đa dạng các nguồn thu nhập. Đa dạng hóa thu nhập giúp chúng ta chống lại những rủi ro bất ngờ còn đầu tư tài chính là để bảo toàn và làm tăng tài sản trong thời gian lâu dài.

Tiêu tiền theo cảm xúc

Tiêu tiền theo cảm xúc quá đà dễ khiến bạn rơi vào khủng hoảng tài chính, rơi vào nợ nần lúc nào không hay. Ví dụ bạn đang buồn bực và việc mua một chiếc váy đắt tiền sẽ giúp bạn vui vẻ ngay lập tức. Hay bạn ghen tị khi thấy nhỏ bạn xách một chiếc túi hàng hiệu, bạn sẽ dốc toàn bộ số tiền hiện có để mua một chiếc túi đắt hơn.

Việc ngân sách bị tiêu một cách tràn lan không kiểm soát như vậy sẽ ảnh hưởng đến khoản tiền tiết kiệm hoặc những dự định mà bạn đã lên kế hoạch trong tương lai.

Không có quỹ dự phòng trường hợp khẩn cấp

Quỹ dự phòng khẩn cấp là khoản tiền được trích ra để phòng rủi ro xảy ra bất ngờ. Số tiền này không phải để mua nhà hay đi du lịch, mà mục đích của quỹ là cho những tình huống xảy đến bất ngờ như hỏng xe, gia đình có người đau ốm, hay bản thân chẳng may thất nghiệp,...

Quỹ dự phòng khẩn cấp không chỉ giúp bạn không phải vay tiền khi gặp khó khăn đột xuất, mà còn giúp bạn giảm áp lực tài chính khi gặp sự cố, và không bị ảnh hưởng đến các kế hoạch tài chính trong tương lai.

Không tự chủ, độc lập về tài chính

Độc lập tài chính là khi chúng ta không cần phải dựa vào bất kỳ một ai để đáp ứng nhu cầu tài chính của bản thân. Nếu bạn sống phụ thuộc vào người khác thì khi mà người đó không chu cấp cho bạn nữa, bạn sẽ rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, không có lương, không đủ tiền chi tiêu dẫn đến vay nợ đầm đìa.

Kết luận

Tóm lại, hãy ưu tiên tiết kiệm số tiền mà mình kiếm được hàng tháng, lập kế hoạch tài chính rõ ràng cho bản thân và tránh xa những sai lầm tài chính được nêu ở trên để có một cuộc sống tốt hơn trong tương lai bạn nhé!

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ