Bài viết

Tính thanh khoản là gì? Vai trò và ý nghĩa của tính thanh khoản

03/11/2023 dot 3 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Thanh khoản là yếu tố quan trọng không kém gì các yếu tố như lợi doanh thu, lợi nhuận, lãi suất trong kinh doanh, đầu tư. Vậy thanh khoản là gì và có những loại thanh khoản nào? Đâu là tài sản có tính thanh khoản cao, loại nào có tính thanh khoản thấp? Và làm thế nào để giảm rủi ro thanh khoản khi đầu tư? Trong bài viết dưới đây, AIA Việt Nam sẽ giải đáp chi tiết từ A-Z các câu hỏi trên. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Tính thanh khoản là gì?

Thanh khoản là khả năng chuyển tài sản thành tiền mặt nhanh chóng

Tính thanh khoản đề cập đến hiệu quả hoặc sự dễ dàng mà một tài sản hoặc chứng khoán có thể được chuyển đổi thành tiền mặt ngay lập tức (hoặc trong thời gian ngắn) mà không ảnh hưởng đến giá thị trường của tài sản đó.

Tài sản có tính thanh khoản cao là tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn mà giá trị không bị giảm đáng kể. Tài sản có tính thanh khoản kém thì thời gian chuyển đổi thường kéo dài và chi phí chuyển đổi cao. Thậm chí có những tài sản không thể thanh khoản được gọi là mất thanh khoản.

Vai trò và ý nghĩa của tính thanh khoản

Tính thanh khoản có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư:

  • Đối với doanh nghiệp: Tính thanh khoản cho biết khả năng thanh toán các khoản nợ trong ngắn hạn của doanh nghiệp, tránh tình trạng mất thanh khoản và dẫn đến phá sản. Và việc thanh toán các khoản nợ đúng hạn cũng sẽ giúp tăng sự uy tín của doanh nghiệp trong mắt các đối tác, ngân hàng. Đồng thời, doanh nghiệp dựa vào tính thanh khoản làm cơ sở để tối ưu tài chính, cân đối các khoản vay, khoản phải thu, các loại tài sản khác nhau …

  • Đối với ngân hàng, chủ đầu tư: Tính thanh khoản là một cơ sở quan trọng giúp ngân hàng, chủ đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro của doanh nghiệp, tài sản và đưa ra quyết định có nên cho vay, đầu tư hay không. Nếu doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vì mất thanh khoản, tài sản có tính thanh khoản kém thì rất có thể ngân hàng, nhà đầu tư khó khăn khi thu hồi vốn.

 

Các loại thanh khoản phổ biến hiện nay

Dưới đây là 4 loại thanh khoản bao gồm thanh khoản tài sản, thanh khoản thị trường, thanh khoản doanh nghiệp và thanh khoản ngân hàng. Cụ thể và chi tiết như sau:

Thanh khoản tài sản

Thanh khoản tài sản là khả năng tài sản được chuyển đổi thành tiền mặt, và mỗi tài sản khác nhau sẽ có tính thanh khoản khác nhau. Tiền mặt có tính thanh khoản cao nhất, các tài sản hữu hình như bất động sản, hàng tồn kho, … sẽ có tính thanh khoản thấp hơn.

Bạn có thể sử dụng tiền mặt để chuyển đổi thành bất kỳ tài sản nào khác có giá trị tương đương. Nhưng nếu bạn muốn bán một bất động sản để lấy tiền mặt thì cần có người sẵn sàng mua với mức giá của bạn đưa ra và thời gian để giao dịch sẽ tương đối lâu. Trong khi một số loại hàng tồn kho có thể mất tính thanh khoản vì thị trường người mua không sẵn sàng tiêu thụ.

Thanh khoản thị trường

Thanh khoản thị trường bất động sản

Thanh khoản thị trường là khả năng mua bán một số lượng lớn tài sản trên thị trường mà không giảm giá trị của các tài sản đó. Thanh khoản thị trường cao nghĩa là luôn có những người tham gia thị trường sẵn sàng mua các tài sản mà người khác bán.

Thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao bởi nếu một sàn giao dịch có khối lượng giao dịch lớn và không bị chi phối thì giá mà người mua đưa ra trên mỗi cổ phiếu và giá mà bán sẵn sàng chấp nhận sẽ khá gần nhau. Và do đó các cổ phiếu luôn được mua bán nhanh chóng khi người mua, người bán có nhu cầu giao dịch.

Thị trường bất động sản kém thanh khoản hơn so với thị trường chứng khoán bởi cần thời gian để người bán và người mua gặp nhau, thống nhất mức giá giao dịch. Tính thanh khoản của thị trường đối với các tài sản khác, chẳng hạn như công cụ phái sinh, hợp đồng, hoặc hàng hóa, thường phụ thuộc vào quy mô của chúng và số lượng sàn giao dịch mở tồn tại để chúng được giao dịch.

Cũng có những thị trường gần như không có tính thanh khoản và không thể tồn tại như thị trường tủ lạnh đổi lấy sách hiếm. Ví dụ, nếu một người muốn có một chiếc tủ lạnh trị giá 5.000.000 VNĐ, thì tiền mặt là tài sản có thể dễ dàng sử dụng nhất để có được nó. Nếu người đó không có tiền mặt mà chỉ có một bộ sưu tập sách quý hiếm được định giá 5.000.000 VNĐ, họ sẽ khó tìm được ai sẵn sàng đổi chiếc tủ lạnh để lấy bộ sưu tập của họ. Thay vào đó, họ sẽ phải bán bộ sưu tập và dùng tiền mặt để mua tủ lạnh.

Thanh khoản doanh nghiệp

Thanh khoản doanh nghiệp

Thanh khoản doanh nghiệp là khả năng doanh nghiệp chi trả các khoản nợ khi đến hạn bằng tiền mặt sẵn có hoặc khả năng tạo ra tiền bằng việc bán hàng hóa và thu tiền từ các khoản phải thu. Nếu doanh nghiệp có thanh khoản kém thì họ buộc phải bán các tài sản của mình với mức giá thấp hơn đáng kể so với giá trị nội tại của chúng để trả nợ.

Một doanh nghiệp có thể có lợi nhuận trên báo cáo tài chính nhưng có thể không có khả năng thanh khoản. Nếu doanh nghiệp có quá nhiều nợ trước đó hoặc không thu hồi được các khoản phải thu, rất có thể doanh nghiệp đó mất thanh khoản và dẫn đến phá sản.

Thanh khoản ngân hàng

Thanh khoản ngân hàng là khả năng ngân hàng đáp ứng ngay lập tức nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng, thanh toán các khoản nợ tín dụng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Nếu ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi cao hơn nhiều so với lượng tiền mặt sẵn có thì khi khách hàng rút tiền hàng loạt (có thể do khủng hoảng truyền thông chẳng hạn) thì ngân hàng sẽ không có đủ tiền mặt và phải đi vay ngân hàng khác hoặc xin trợ giúp từ chính phủ.

Tài sản nào có tính thanh khoản cao nhất? 

Thanh khoản chứng khoán

Mỗi loại tài sản sẽ có tính thanh khoản khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ về tính thanh khoản của các loại tài sản:

  • Tiền mặt: Tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất bởi nó có thể được chuyển đổi thành các tài sản khác một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất.

  • Tiền gửi ngân hàng: Là loại tài sản có tính thanh khoản cao, vì người gửi có thể rút tiền một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, tiền gửi ngân hàng có thể bị ảnh hưởng bởi các quy định về hạn mức rút tiền, lãi suất hay phí dịch vụ của ngân hàng.

  • Chứng khoán: Là loại tài sản có tính thanh khoản khá cao vì được giao dịch đơn giản, nhanh chóng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chứng khoán có thể bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả, số lượng giao dịch hay chi phí môi giới của các công ty chứng khoán.

  • Bất động sản: Là loại tài sản có tính thanh khoản kém hơn các loại trên vì người bán và người mua khó gặp nhau, thời gian giao dịch dài, chi phí giao dịch cao và phức tạp. Bất động sản cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như vị trí, diện tích, chất lượng, pháp lý và biến động thị trường. Nhiều khi, bất động sản có thể thanh khoản rất kém thậm chí là “đóng băng” và không thể thanh khoản.

  • Hàng hóa: Là loại tài sản có tính thanh khoản trung bình. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao thì tính thanh khoản của hàng hóa sẽ cao và ngược lại. Tính thanh khoản của hàng hóa có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chất lượng, số lượng, thời điểm thu hoạch, sản xuất, …

Công thức tính thanh khoản

Hiện nay, có nhiều công thức để tính toán khả năng thanh khoản của doanh nghiệp, điển hình như:

Tính thanh khoản hiện thời:

  • Khả năng thanh toán nợ đến hạn được đo lường bằng hệ số thanh toán vốn lưu động.

Công thức: Tỷ số thanh khoản hiện thời = Tài sản lưu động/Nợ ngắn hạn.

 

  • Nếu tỷ số này nhỏ hơn 1, doanh nghiệp có khả năng trả nợ yếu, gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ phá sản.

  • Nếu tỷ số này lớn hơn 1, doanh nghiệp có khả năng cao thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Tính thanh khoản nhanh:

  • Đây là tỷ số đo lường khả năng thanh toán nợ mà không cần xử lý hàng tồn kho.

Công thức: Tỷ số thanh khoản nhanh = (Tài sản lưu động - Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn.

  • Tỷ số này nhỏ hơn 0,5 phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp.

  • Tỷ số này trong khoảng từ 0,5 đến 1 phản ánh doanh nghiệp có khả năng thanh toán tốt, tính thanh khoản cao.

Tỷ số khả năng thanh toán tức thời:

  • Đây là tỷ số đo lường khả năng thanh toán bằng tiền mặt.

Công thức: Tỷ số khả năng thanh toán tức thời = Vốn bằng tiền/Nợ ngắn hạn.

Vốn bằng tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển, các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn và các khoản đầu tư ngắn hạn khác có thể chuyển đổi thành tiền trong thời hạn 03 tháng mà không gặp rủi ro lớn.

 

Tại sao cần cân nhắc về tính thanh khoản khi đầu tư tài sản?

Khi đầu tư vào các loại tài sản khác nhau, nhà đầu tư cần cân nhắc về tính thanh khoản của chúng để phù hợp với mục tiêu, lợi nhuận kỳ vọng và mức độ rủi ro sẵn sàng chấp nhận của mình. Một số lý do để cân nhắc về tính thanh khoản khi đầu tư tài sản như sau:

  • Tính thanh khoản ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư: Một loại tài sản có tính thanh khoản cao thường có lợi nhuận thấp hơn vì người mua sẵn sàng trả giá cao hơn cho sự an toàn và linh hoạt của tài sản. Ngược lại, một loại tài sản có tính thanh khoản thấp thường có lợi nhuận cao hơn vì người bán phải chấp nhận giá thấp hơn cho sự rủi ro và cố định của tài sản. Do đó, nhà đầu tư cần cân bằng giữa lợi nhuận và thanh khoản khi chọn loại tài sản để đầu tư.

  • Tính thanh khoản ảnh hưởng đến rủi ro của nhà đầu tư: Một loại tài sản có tính thanh khoản cao thường có rủi ro thấp hơn vì người bán có thể thoát khỏi thị trường một cách dễ dàng và nhanh chóng khi thị trường đi xuống. Ngược lại, một loại tài sản có tính thanh khoản thấp thường có rủi ro cao hơn vì người bán khó khăn trong việc bán được tài sản khi thị trường xấu đi. Do đó, nhà đầu tư cần cân bằng giữa rủi ro và thanh khoản khi chọn loại tài sản để đầu tư.

  • Tính thanh khoản ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của nhà đầu tư: Một loại tài sản có tính thanh khoản cao thường phù hợp với chiến lược đầu tư ngắn hạn, vì người đầu tư có thể tận dụng các cơ hội giao dịch nhanh chóng và thuận tiện trên thị trường. Ngược lại, một loại tài sản có tính thanh khoản thấp thường phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn, vì người đầu tư có thể giữ tài sản trong một thời gian dài để đạt được lợi nhuận cao hơn. Do đó, nhà đầu tư cần cân bằng giữa chiến lược đầu tư và thanh khoản khi chọn loại tài sản để đầu tư.

Làm sao để giảm rủi ro thanh khoản khi đầu tư

Theo dõi thông tin và biến động thị trường thường xuyên

Rủi ro thanh khoản khi đầu tư có nghĩa là nhà đầu tư không thể bán tài sản đầu tư khi muốn hoặc phải chấp nhận bán với mức giá thấp hơn. Để giảm rủi ro thanh khoản khi đầu tư vào các loại tài sản khác nhau, nhà đầu tư có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Nhà đầu tư có thể phân bổ đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau để giảm rủi ro thanh khoản. Đa dạng hóa danh mục đầu tư giúp nhà đầu tư có thể linh hoạt trong việc bán hoặc mua các loại tài sản theo nhu cầu và điều kiện thị trường.

  • Đầu tư dài hạn: Đây là cách giảm rủi ro thanh khoản bằng việc giữ tài sản trong một thời gian dài, ít quan tâm đến biến động giá cả trong ngắn hạn. Đầu tư dài hạn giúp nhà đầu tư có thể tránh được các chi phí giao dịch cao, thiếu thông tin hay thiếu minh bạch của các loại tài sản có tính thanh khoản thấp.

  • Theo dõi thông tin và biến động thị trường thường xuyên, liên tục: Điều này giúp nhà đầu tư có thể nắm bắt được các cơ hội hoặc rủi ro thanh khoản của tài sản và đưa ra quyết định đầu tư kịp thời, chính xác.

Qua bài viết được chia sẻ bởi AIA Việt Nam, bạn đọc đã được giải đáp thanh khoản là gì. Thanh khoản là một yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh, đầu tư và quản lý tài chính. Tính thanh khoản của các loại tài sản khác nhau có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, rủi ro và chiến lược đầu tư của nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc về tính thanh khoản khi chọn loại tài sản để đầu tư, cũng như áp dụng các biện pháp để giảm rủi ro thanh khoản khi đầu tư. Hy vọng bài viết mang đến những thông tin hữu ích cho bạn và cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

 

Nguồn tham khảo: 

[1] Adam Hayes, Understanding Liquidity and How to Measure It, investopedia, 2023

[2] https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/tai-chinh/55736/tinh-thanh-khoan-la-gi-cong-thuc-tinh-thanh-khoan

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ