Bài viết

5 bước để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với đam mê của bản thân

04/11/2023 dot 3 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Lựa chọn nghề nghiệp chính xác có thể giúp bạn có mức thu nhập mong muốn, hài lòng, hạnh phúc khi làm việc và có thể phát triển sự nghiệp tốt nhất. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới bạn 5 bước để lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất cho tương lai. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp

Nghề nghiệp có vai trò quan trọng sẽ quyết định rằng bạn có hài lòng, hạnh phúc trong công việc đó không, sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai và mức thu nhập của bạn do đó bạn cần nghiên cứu kỹ trước khi lựa chọn nghề nghiệp.

Đảm bảo mức thu nhập mong muốn

Chọn một công việc có thể đảm bảo mức thu nhập mong muốn trong cuộc sống của bạn là điều quan trọng. Nhưng bạn cần nhớ rằng đa số mọi người không thể tìm được công việc đáp ứng mức thu nhập tốt chỉ bằng may mắn mà cần phải xác lập một kế hoạch sự nghiệp rõ ràng.

Bạn có thể cần kế hoạch tốt nghiệp cao đẳng hay đại học, sau đó học lên thạc sĩ, tiến sĩ … để nhận được một công việc trả lương tốt hơn. Hay bạn bắt đầu sự nghiệp tại một công ty nhỏ để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm sau đó xin vào làm tại một công ty, tập đoàn lớn để có mức thu nhập mong muốn. Quan trọng nhất vẫn là bạn có một kế hoạch định hướng rõ ràng và kiên trì thực hiện kế hoạch đó.

Hài lòng về công việc

Cảm thấy hài lòng trong công việc

Nếu bạn không cảm thấy hài lòng về công việc của mình bạn sẽ không muốn làm công việc đó, nhất là vào những ngày thời tiết thất thường hay bạn có một cuộc hẹn vui chơi nào đó. Nếu bạn đang không hài lòng về công việc hiện tại, hãy tìm cách tìm kiếm những niềm vui trong đó xem có thể giúp bạn tốt hơn không, nếu không bạn có thể cần cân nhắc chuyện từ bỏ công việc đó.

Những yếu tố quan trọng đối với sự hài lòng trong công việc bao gồm thấy được cơ hội phát triển sự nghiệp, cảm thấy được tôn trọng bởi đồng nghiệp, cấp trên và nhận được mức lương và chế độ phúc lợi tốt. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc nhất khi có được cơ hội sử dụng kỹ năng và tài năng của mình một cách ý nghĩa.

Việc lựa chọn con đường nghề nghiệp có thể liên quan đến khoảng thời gian đào tạo sau đại học, sau khi thực tập hoặc học việc, những khoảng thời gian này có thể giúp bạn hiểu hơn về công việc đó và có thể ra quyết định rằng công việc đó có phải là công việc mà bạn sẽ thích trong nhiều năm tới hay không.

Chiến lược phát triển sự nghiệp

Để có được một công việc yêu thích với mức thu nhập mong muốn, bạn cần xác định một chiến lược phát triển sự nghiệp rõ ràng và theo đuổi nó. Bạn có thể bắt đầu kế hoạch ngay từ khi còn đi học, cố gắng học thật tốt và thi vào một trường đại học hàng đầu với ngành mình mong muốn. Sau đó tốt nghiệp và bắt đầu công việc đó, gắn bó và tích lũy thêm kinh nghiệm để phát triển và thăng tiến. Bạn càng chi tiết kế hoạch và quyết tâm theo đuổi thì bạn càng dễ thành công trong nghề nghiệp mình đã lựa chọn hơn.

Nếu bạn không có một chiến lược cụ thể cho sự nghiệp của mình, bạn sẽ “lang thang” trong hàng loạt công việc hiện nay. Bạn có thể lựa chọn một công việc ngẫu nhiên khi gặp khó khăn tài chính và dễ rời bỏ dễ dàng vì thấy không hài lòng về công việc đó. Lao động không có kỹ năng chuyên sâu và liên tục chuyển đổi công việc có thể phù hợp với lối sống hiện tại của bạn nhưng có thể khiến bạn mất đi cơ hội phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Hạnh phúc hơn

Bạn cảm thấy hạnh phúc hơn

Lựa chọn nghề nghiệp phù hợp không chỉ khiến bạn hài lòng trong quá trình làm công việc đó mà còn giúp bạn hạnh phúc hơn khi nghỉ hưu. Một công việc tốt sẽ giúp bạn chi trả được cho những thứ mình thích và hưởng trọn niềm vui trong những năm nghỉ hưu bởi những chế độ phúc lợi tuyệt vời và lương hưu cao.

Ngược lại, nếu bạn không có một sự nghiệp vững chắc thì khi về hưu bạn có thể vẫn phải chật vật với gánh nặng tài chính, có thể hết tiết kiệm hưu trí và buộc bạn phải trở lại làm việc.

5 bước lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai

Dưới đây là 5 bước giúp bạn lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất cho tương lai của mình:

Bước 1: Tự đánh giá bản thân

Bước đầu tiên là tự đánh giá bản thân

Đánh giá bản thân là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của bạn. Tự đánh giá bản thân giúp bạn hiểu về sở thích, giá trị và tính cách của mình để phát triển kiến thức và những kỹ năng phù hợp. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng tự đánh giá không thể quyết định rằng bạn là ai hay bạn nên làm gì. Thay vào đó, điều này chỉ gợi ý những lĩnh vực bạn cần khám phá thêm hay có thể phù hợp với bạn.

Khi đánh giá bản thân, bạn có thể bám theo 4 khía cạnh dưới đây:

  • Kỹ năng: Bạn đang có kỹ năng gì? Một kỹ năng chỉ có thể làm trong một nghề nghiệp nhất định hay một kỹ năng có thể áp dụng linh động cho nhiều công việc khác nhau. Ví dụ, kỹ năng giao tiếp được đánh giá cao trong mọi vai trò, và chúng là kỹ năng cần thiết cho nhiều lĩnh vực, nghề nghiệp. Điều quan trọng là bạn dành thời gian để xác định kỹ năng của mình và cách những kỹ năng đó có thể kết nối với lựa chọn nghề nghiệp của bạn.

  • Sở thích: Sở thích của bạn có thể thay đổi khi bạn tiếp xúc với các lĩnh vực và trải nghiệm mới. Tuy nhiên sở thích hiện tại có thể là cơ sở để bạn lựa chọn nghề nghiệp. Một công việc khiến bạn cảm thấy thích thú ngay từ đầu sẽ tạo thêm cho bạn động lực và sự kiên trì theo đuổi và phát triển trong công việc đó. Bạn có thể sử dụng các câu hỏi sau để hiểu hơn về sở thích của bản thân: Bạn thường quan tâm tới những hoạt động nào? Điều gì của những hoạt động đó thu hút bạn? Khi nào bạn cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc sống? Bạn yêu thích điều gì nhất? Bạn ngưỡng mộ ai nhất và tại sao?

  • Tính cách: Đặc điểm tính cách của bạn ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, quyết định và cách bạn tương tác với công việc và mọi thứ xung quanh. Một công việc hoàn hảo đối với một người có thể hoàn toàn không phù hợp với người khác. Nếu tính cách của bạn là tưởng tượng và sáng tạo, cảm tính bạn có thể không phù hợp với những công việc cần xử lý các vấn đề thực tế, chi tiết và cần định lượng.

  • Giá trị: Việc đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với giá trị của bạn là một yếu tố quan trọng giúp bạn hài lòng với công việc. Bạn nên dành thời gian để định nghĩa những giá trị nghề nghiệp đối với bản thân mình. Ví dụ, mong muốn tạo ra sự khác biệt thường được đề cập như một giá trị liên quan đến nghề nghiệp nhưng điều đó có thể khác nhau đối với từng quan điểm giá trị của mỗi người.

Bước 2: Xác định và tạo danh sách nghề nghiệp

Xác định và tạo một danh sách nghề

Thị trường nghề nghiệp hiện nay ngày càng có thêm nhiều nghề nghiệp mới giúp bạn dễ dàng xác định và tạo danh sách nghề nghiệp. Bạn có thể khám phá các lựa chọn nghề nghiệp đa dạng và không giới hạn bản thân chỉ trong các công việc phổ biến như bác sĩ, giáo viên … mà chúng ta đã biết.

Để tạo danh sách nghề nghiệp, bạn hãy tìm hiểu càng nhiều thông tin có thể về nhà tuyển dụng trong các lĩnh vực mà bạn quan tâm và xu hướng mở rộng, phát triển của các ngành nghề. Bạn có thể theo dõi các ấn phẩm, trang web, blog cá nhân của các chuyên gia trong lĩnh vực đó ... Điều này sẽ giúp bạn xây dựng danh sách nhà tuyển dụng mục tiêu và chuẩn bị cho sự kết nối và có thể là phỏng vấn trong tương lai.

Bước 3: Đánh giá và ưu tiên nghề phù hợp nhất

Đánh giá và ưu tiên nghề phù hợp nhất

Bước tiếp theo là bạn hãy suy ngẫm để đánh giá và ưu tiên nghề phù hợp nhất cho bạn. Sau khi đã có một danh sách nghề nghiệp, bạn tiến hành đánh giá những ưu và nhược điểm của từng công việc và đánh giá độ phù hợp với bạn. Bạn có thể sử dụng các câu hỏi sau để hỗ trợ quá trình đánh giá này:

  • Cảm nhận ban đầu của bạn về lĩnh vực nghề nghiệp sau khi xem xét như thế nào?

  • Điều gì thu hút bạn về công việc đó? Điều gì không thu hút bạn? Liệt kê các ưu và nhược điểm của công việc đó.

  • Kỹ năng, kiến thức hoặc kinh nghiệm nào bạn cần để cạnh tranh và gia nhập vào lĩnh vực này? Bạn có đủ quan tâm để phát triển những kỹ năng hoặc kiến thức này không?

  • Bạn sẽ cần bao lâu để thích nghi và cảm thấy hài lòng trong lĩnh vực nghề nghiệp này?

Sau quá trình phân tích bạn nhận thấy rằng một lĩnh vực nghề nghiệp nào đó không phù hợp với bạn, bạn có thể loại nó ra khỏi danh sách nghề nghiệp của bạn. Cuối cùng, quá trình này sẽ giúp bạn làm rõ sự phù hợp của các công việc với bản thân.

Nếu bạn chưa có cảm nhận rõ ràng, và còn phân vân giữa một số công việc, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó, hoặc có thể xin lời khuyên từ người thân, bạn bè.

Bước 4: Hành động và thử các lựa chọn nghề

Phỏng vấn và thử việc

Sau khi có danh sách công việc và đánh giá được từng công việc nếu bạn không hành động thì sẽ không có ý nghĩa. Bạn hãy hành động và thử các lựa chọn nghề. Bạn có thể thông qua việc thực tập, thử việc hay làm việc bán thời gian để tích lũy kinh nghiệm và hiểu công việc đó hơn.

Ví dụ, nếu bạn muốn tìm hiểu sau hơn về lĩnh vực quảng cáo, bạn có thể xin thực tập tại một công ty quảng cáo, làm các công việc như tạo hình minh họa và chụp ảnh, giám sát thiết kế và bố trí, quản lý và phân phối các ấn phẩm quảng cáo và tạo ra doanh thu quảng cáo.

Bước 5: Phản hồi và đánh giá lại

Bạn hãy dành thời gian để đánh giá và suy ngẫm về những trải nghiệm công việc của mình. Bạn có thể đặt ra các câu hỏi như:

  • Điều gì làm bạn thích thú? Điều gì khiến bạn mất cảm hứng?

  • Có những khía cạnh nào của trải nghiệm mà bạn gặp khó khăn và những khía cạnh nào mà bạn đã làm tốt?

  • Trải nghiệm công việc đó có tạo thêm động lực để bạn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực đó không?

Dành thời gian để phản hồi và đánh giá lại chính là cách để bạn tìm hiểu thêm về loại công việc và môi trường mà bạn sẽ cảm thấy hài lòng nhất.

Một số lời khuyên khi lựa chọn nghề nghiệp

Lựa chọn nghề nghiệp là việc bạn cần thực sự nghiên cứu sâu và cân nhắc kỹ khi ra quyết định. Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp bạn tìm được nghề nghiệp mà bạn đam mê, phù hợp nhất với mục tiêu và kỹ năng của bạn.

Nghĩ về khả năng của mình

Khi bạn có một điều gì yêu thích hoặc một kỹ năng nào đó mà bạn biết bản thân có thể làm tốt nhất, bạn có thể xem xét biến nó thành một công việc của bản thân. Ví dụ, nếu bạn thích thiết kế thời trang và có khả năng vẽ, tư duy hiện đại và có kiến thức sâu về thời trang, việc trở thành một nhà thiết kế thời trang có thể hấp dẫn và phù hợp với bạn.

Làm những công việc mà bản thân thích và có khả năng làm nó có thể giúp bạn tìm ra sự lựa chọn sự nghiệp tốt nhất. Bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, bạn cũng cần xem xét các kỹ năng mềm của mình khi lựa chọn sự nghiệp, như quản lý thời gian, quan hệ giữa cá nhân, giao tiếp, diễn thuyết trước đám đông và lắng nghe người khác.

Xác định thu nhập mong muốn

Khi xem xét danh sách công việc và cân nhắc về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình, mức lương không phải là điều duy nhất quan trọng, nhưng đó là một yếu tố bạn cần xem xét, đặc biệt khi bạn có yêu cầu về một mức lương cụ thể.

Bạn có thể tìm kiếm các công việc trong lĩnh vực mà bạn quan tâm trên internet, các trang mạng chia sẻ mức lương thị trường … để xem mức lương thông thường cho những vị trí đó. Nếu bạn có những mục tiêu tài chính cụ thể, điều quan trọng là bạn chọn một công việc mà bạn biết là nó có thể mang lại đủ tiền để đáp ứng những mục tiêu đó.

Xem xét phong cách làm việc của bạn

Bạn xác định xem phong cách làm việc của bản thân là gì?

Phong cách làm việc của bạn chính là cách bạn hoàn thành công việc, giao tiếp với đồng nghiệp, đối tác, cấp trên … và lập kế hoạch công việc. Những nơi làm việc khác nhau thường có các phong cách làm việc riêng biệt, và việc tìm hiểu về phong cách của bạn có thể giúp bạn xác định môi trường làm việc phù hợp nhất với nó.

Một số ngành, lĩnh vực yêu cầu bạn cần tự chủ trong công việc, không có nhiều sự giám sát trực tiếp, và nếu bạn luôn cần một ai đó thúc giục để hoàn thành công việc thì có thể ngành này không phù hợp với bạn. Một số ngành khác có môi trường làm việc nhiều cấp bậc, quản lý sẽ giám sát trực tiếp và thúc giục các nhân viên hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Bạn có thể tìm hiểu về môi trường làm việc thông qua những người đã và đang làm việc ở đó hoặc đặt câu hỏi trực tiếp cho nhà tuyển dụng khi bạn đi phỏng vấn.

Nếu bạn muốn làm việc độc lập, không bị gò bó thời gian, bạn có thể tìm hiểu một công việc trong lĩnh vực sáng tạo. Nếu bạn cần sự giúp đỡ để tổ chức, sắp xếp công việc và duy trì tập trung, bạn có thể tìm hiểu một công việc với sự quản lý sát sao của cấp trên.

Xác định nhu cầu của xã hội

Bạn nên tìm hiểu xem yêu cầu của xã hội như thế nào

Việc lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của xã hội là điều quan trọng. Các ngành nghề, lĩnh vực luôn biến đổi theo sự phát triển và xu hướng của thị trường. Ngày hôm nay kỹ năng của bạn có thể rất quan trọng nhưng ngày mai thì có thể là không. Bạn cần xác định xem xã hội yêu cầu gì, kỹ năng nào để bản thân có thể phát triển và thành công trong sự nghiệp mình đã chọn.

Kết luận:

Việc lựa chọn nghề nghiệp là một quyết định quan trọng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn. Bạn có thể dựa vào các kỹ năng, sở thích, tính cách và giá trị bản thân mong muốn để lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Một lần nữa, bạn hãy ghi nhớ 5 bước: tự đánh giá bản thân, xác định và tạo danh sách nghề nghiệp, đánh giá và ưu tiên nghề phù hợp nhất, hành động và thử các lựa chọn nghề, phản hồi và đánh giá lại. Bạn cũng nên lưu ý một số lời khuyên khi lựa chọn nghề nghiệp như nghĩ về khả năng của mình, xác định thu nhập mong muốn, xem xét phong cách làm việc của bạn và xác định yêu cầu của xã hội. Chúc bạn sớm tìm được nghề nghiệp phù hợp với đam mê của bản thân!

 

Nguồn tham khảo:

[1] Mary Dowd, The Importance of Choosing a Career Path, work.chron, 2018

[2] Five-Step Career Decision Making Process, ocs.yale

[3] 11 Useful Pieces of Advice for Choosing the Right Career, indeed

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ