Bài viết

Quản lý tài chính là gì? 4 bước quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

08/03/2023 dot 10 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Có kế hoạch quản lý tài chính hợp lý không chỉ giúp giữ tiền cho bạn khỏi những khoản chi phung phí mà còn giúp bạn tích lũy một khoản đáng kể vào sổ tiết kiệm hàng tháng.

Trong bài viết này, AIA sẽ chia sẻ tới bạn:

  • Quản lý tài chính là gì?

  • 4 bước quản lý tài chính cá nhân đơn giản & hiệu quả

  • 3 nguyên tắc quản lý tài chính bạn cần lưu ý

  • Và hơn thế nữa…

Cùng tìm hiểu nhé!

Quản lý tài chính là gì?

Quản lý tài chính là hoạt động lập kế hoạch thu chi và quản lý tài sản của cá nhân hoặc tổ chức nhằm mục đích cải thiện tình trạng kinh tế để đạt nhu cầu và mục tiêu của riêng họ đặt ra.

Một điều quan trọng cần có khi quản lý tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp đều phải lưu tâm, đó là: Thiết lập nên một khoản dự phòng để dành cho các sự cố, rủi ro bất ngờ có thể xảy ra. 

Các hình thức quản lý tài chính thường gặp

Hiện nay, có 2 hình thức quản lý tài chính thường gặp nhất. Cụ thể: 

  • Quản lý tài chính cá nhân: Chủ yếu sẽ xoay quanh về vấn đề tiết kiệm, đầu tư nhỏ lẻ và lên kế hoạch kinh tế khi về hưu.

  • Quản lý tài chính tổ chức, doanh nghiệp: Tùy thuộc vào quy mô từng công ty, quản lý tài chính có ý nghĩa trong việc bảo đảm và gia tăng giá trị tài sản của cổ đông, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ sức khỏe tài chính doanh nghiệp, tối ưu lợi nhuận của của công ty,... 

Vì quản lý tài chính cho tổ chức, doanh nghiệp là một phạm trù rất lớn, không thể truyền tải hết thông tin trong 1 bài viết được. Do đó, trong bài viết này AIA xin phép chỉ đề cập đến Quản lý tài chính cá nhân, đây cũng là 1 vấn đề mà đại đa số độc giả của chúng tôi quan tâm hơn.

Tại sao phải quản lý tài chính?

Quản lý tài chính cá nhân giúp bạn hiểu rõ ràng về tình hình tài chính, thu - chi của bản thân. Từ đó, các bạn sẽ biết được:

  • Thu nhập có đủ trang trải cuộc sống không? Có cần thêm nguồn thu gì khác không?

  • Hàng tháng, bạn chi tiền cho những gì? Bản thân có đang chi tiêu quá nhiều ở khoản nào không? Có cần phải giảm ngân sách hoặc bỏ khoản nào không?

  • Hiện tại đang nợ tổng bao nhiêu? Nợ những ai? Hàng tháng phải trả bao nhiêu.

  • Tiền tiết kiệm bỏ ra hàng tháng là bao nhiêu?

  • Tiền đầu tư hiện tại đang lỗ hay lãi? Lỗ/lãi bao nhiêu?

Sau khi biết những điểm trên, bạn sẽ có phương án tài chính phù hợp với bản thân nhất, từ đó giúp bạn tích lũy nhiều tiền hơn mỗi tháng.

Bạn nên ghi lại các số liệu mỗi tháng để dễ dàng phân tích hiệu suất thu chi, tích lũy của mình định kỳ. Nếu bạn thấy việc thống kê bằng tay thông qua sổ sách quá phức tạp, thì hiện nay có các app quản lý tài chính giúp hỗ trợ bạn tra cứu mọi lúc mọi nơi nhanh chóng chỉ với 1 chiếc smartphone.

4 bước quản lý tài chính cá nhân đơn giản & hiệu quả

Dưới đây là 4 bước đơn giản giúp bạn có thể bắt đầu quản lý tài chính cá nhân. Áp dụng việc này đúng cách và thường xuyên, bạn sẽ thấy thay đổi rõ rệt ở tiền tiết kiệm hàng tháng của mình đấy!

Bước 1: Xác định thu nhập hàng tháng

Bạn có lương với một con số cố định hàng tháng nên sẽ bỏ qua bước này? Sai lầm! Thu nhập của bạn chưa chắc chỉ có mỗi tiền lương. 

Bạn cũng nên kiểm tra thêm các nguồn thu khác của mình như: tiền được trả nợ, tiền lãi gửi ngân hàng, tiền lãi đầu tư, tiền thưởng, tiền lãi cho vay... Cộng tổng các nguồn thu này lại với tiền lương, bạn sẽ ra được con số chính xác thu nhập của tháng đó.

Việc thống kê chi tiết các khoản thu sẽ giúp bạn biết được khả năng tài chính mình đến đâu để lên kế hoạch chi tiêu & tiết kiệm sao cho hiệu quả.

Bước 2: Liệt kê các khoản chi tiêu, phân chia thu nhập

Ở bước này, bạn sẽ thống kê ra những khoản cố định phải trả hàng tháng như: Điện nước, Internet, Xăng xe, Ăn uống, Điện thoại, Nợ,...

Thông qua việc trên, bạn sẽ thấy được trong tháng này phải trả cụ thể là bao nhiêu cho từng khoản. Từ đó, bạn sẽ đánh giá được tình hình chi tiêu cá nhân và có điều chỉnh phù hợp nếu có khoản nào có mức chi tiêu cao hơn mong đợi.

Bước 3: Ghi chép lại tất cả các khoản chi tiêu trong tháng

Bên cạnh các khoản cố định, chắc chắn sẽ có những khoản phát sinh ngoài dự toán. Ví dụ như: Tiền ăn vặt, tiền đi săn sale, cưới hỏi, sinh nhật,...

Những khoản chi phát sinh phản ánh rõ nét nhất thói quen chi tiêu của bạn. Bạn nên ghi chép chi tiết những khoản phí này, để đến cuối tháng tổng hợp lại, từ đó có căn cứ để điều chỉnh chi tiêu nếu cần thiết.

Bước 4: Xem lại các khoản thu chi trong 1 tháng

Cuối mỗi tháng, bạn nên tổng hợp lại các khoản thu chi xem mình đã thu những gì và tiêu những gì trong tháng vừa qua.

Bạn sẽ đánh giá được số tiền chi tiêu trong tháng, tiêu nhiều vào những ngày nào, tiêu vì những lý do gì, liệu chi có vượt quá thu không, tại sao đầu tháng có nhiều tiền nhưng gần về cuối tháng đã hết sạch,....

Bạn nên hiệu chỉnh lại mức chi tiêu ngay lập tức nếu thấy phát sinh nợ do thiếu tiền sinh hoạt hoặc không để lại được tiền tiết kiệm hàng tháng. Bên cạnh đó, trong quá trình phân tích, nếu thấy tiền chi tiêu ở khoản nào vượt quá mức mong muốn cá nhân, bạn có thể giảm bớt ngân sách cho khoản đó để tháng sau tiền tiết kiệm được dư dả hơn.

Trong trường hợp không thể giảm khoản chi, bạn nên tìm cách gia tăng nguồn thu nhập, có hai nguồn chủ yếu để bạn tham khảo như sau:

- Nguồn thu chủ động: Từ lao động mà có. VD: Đi làm thêm.

- Nguồn thu thụ động: Từ đầu tư, cho thuê mà có: VD: Gửi tiết kiệm ngân hàng, mua bảo hiểm đầu tư, chứng khoán,...

Vậy chi tiêu như thế nào là hợp lý, tham khảo ngay: 15 cách chi tiêu hợp lý

Các nguyên tắc, quy tắc quản lý tài chính cá nhân mà bạn có thể áp dụng

Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính

Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính được sáng tạo bởi T.Harv Eker - một doanh nhân thành công, là tác giả cuốn sách Best Seller “Bí mật tư duy triệu phú”. Đây được coi là phương pháp khá đơn giản và dễ thực hiện với nhiều người.

Về cơ bản, Quy tắc 6 hũ sẽ yêu cầu bạn phân chia ngân sách của bạn thành 6 phần với tỷ lệ tiền khác nhau. Mỗi phần sẽ được sử dụng với mục đích riêng biệt ứng với các nhu cầu của bạn:

- Phần 1 (55% ngân sách): Khoản tiền cho mục đích thiết yếu. Bạn sẽ dành khoản tiền này cho các khoản tiền cố định hàng tháng như: Tiền nhà, tiền điện nước, tiền xăng xe,...

- Phần 2 (10% ngân sách): Khoản tiền đầu tư. Bạn sẽ sử dụng khoản này để đầu tư, góp vốn kinh doanh để kiếm nhiều lợi nhuận hơn.

- Phần 3 (10% ngân sách): Khoản tiền tiết kiệm. Bạn sử dụng số tiền này để tiết kiệm cho những mục đích dài hạn trong tương lai như: Cưới hỏi, sinh con,...

- Phần 4 (10% ngân sách): Khoản tiền tiêu vặt. Đây là khoản tiền phục vụ cho sở thích cá nhân của bạn với một hạn mức giới hạn để bạn tránh bị tiêu quá tay.

- Phần 5 (10% ngân sách): Khoản tiền nâng cao kiến thức. Nâng cao kiến thức, trình độ là khoản đầu tư cần thiết cho việc thăng tiến sự nghiệp của bạn trong dài hạn. Bạn nên trích 10% ngân sách hàng tháng cho việc đi học, đi tham dự các hội thảo chuyên môn để trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp.

- Phần 6 : (5% ngân sách): Khoản tiền từ thiện. Đây là khoản tiền bạn có thể để dành ra cho việc thiện nguyện, hay giúp đỡ bạn bè trong trường hợp gấp. Nếu bản thân bạn đang khó khăn về tài chính, hãy giảm tỷ lệ phần này xuống.

Tham khảo thêm thông tin chi tiết về: Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính

Nguyên tắc quản lý tài chính 50/20/30

Một phương pháp tương tự như "6 hũ" nhưng đơn giản hơn đó là nguyên tắc 50/20/30. Trong phương pháp này bạn sẽ chia ngân sách hàng tháng ra làm 3 phần:

- Phần 1 (50% ngân sách): Dành cho các nhu cầu thiết yếu. VD: Tiền nhà, tiền điện nước,...

- Phần 2: (30% ngân sách): Dành cho các chi phí phát sinh như: Hội họp, sinh nhật, đám cưới, tiêu vặt,...

- Phần 3 (20% ngân sách): Dành cho tiết kiệm, trả nợ, đầu tư sinh lời.

Xem ngay: 10+ app, ứng dụng gửi tiết kiệm TỐT và AN TOÀN nhất hiện nay

Chỉ vay nợ khi thật sự cần thiết, không vay nợ để tiêu dùng

Chắc chắn bạn đã có ít nhất 1 lần, hoặc rất nhiều lần trong trường hợp "đại gia" đầu tháng nhưng cuối tháng thì cầm cự sống qua ngày. 

Một số bạn chọn phương án vay tiêu dùng để chi tiêu thoải mái hơn, tuy nhiên, điều này là không tốt chút nào, với các lý do sau:

  • Vay tiêu dùng hầu hết là vay tín chấp, có lãi rất cao, từ 10-15%/năm. Con số này sẽ cao hơn nếu bạn vay tại những địa điểm không phải ngân hàng.

  • Nếu bạn bị khó khăn tài chính mà chậm trả sẽ bị tính thêm lãi phạt.

  • Nguy cơ dính nợ xấu, nợ quá hạn nếu không có khả năng trả nợ.

  • Nếu vẫn muốn vay, số tiền trả nợ không nên quá 40% thu nhập của bạn hàng tháng.

Trên đây là câu trả lời cho “Quản lý tài chính là gì?” và hướng dẫn chi tiết 4 bước để quản lý thu - chi cá nhân hiệu quả dành cho người mới bắt đầu. Hy vọng sau bài viết này, bạn đã có được những kiến thức để gia tăng khoản tiền tiết kiệm hàng tháng của mình.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ