Bài viết

Sức mạnh của lòng trắc ẩn? Rèn luyện lòng trắc ẩn với bản thân

28/07/2023 dot 10 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Lòng trắc ẩn trong cuộc sống chính là một “liều thuốc” chữa lành đặc biệt dành cho sức khỏe tinh thần của bạn. Theo dõi bài viết này để thấu hiểu sức mạnh của lòng trắc ẩn và cách rèn luyện lòng trắc ẩn với bản thân nhé!

Lòng trắc ẩn với bản thân là gì?

Nếu bạn đang có xu hướng tự phán xét bản thân một cách khắt khe, chỉ trích những hành động và suy nghĩ của mình hoặc luôn tự đổ lỗi chỉ vì những sai sót nhỏ, hãy nhớ rằng không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả.

Lòng trắc ẩn dành cho chính bản thân mình (tự trắc ẩn) thật sự tương đồng với lòng trắc ẩn đối với những người khác. Hãy nhớ về những câu chuyện, những trải nghiệm của bạn về lòng trắc ẩn đối với người xung quanh.

Lòng trắc ẩn với bản thân cũng giống như dành cho người khác

Trước hết, để có được sự thương cảm dành cho người khác, bạn phải thấy rằng họ đang khó khăn, đau khổ. Lòng trắc ẩn có thể bắt nguồn từ một cảm giác xúc động bởi nỗi đau của người khác, khiến trái tim của bạn tương thông với đau khổ của họ. Bạn sẽ quan tâm và muốn giúp đỡ họ bằng cách nào đó.

Khi có lòng trắc ẩn, bạn cũng sẽ dành sự chia sẻ, cảm thông và lòng tốt đối với người khác khi họ mắc sai lầm hoặc thất bại, thay vì phê bình và phán xét họ một cách gay gắt. Cuối cùng, lòng trắc ẩn vượt xa ra ngoài sự “thương hại”, bạn sẽ nhận ra rằng những nỗi khổ, sự thất bại và cũng chỉ là một trong những trải nghiệm của con người.

Lòng trắc ẩn đối với chính bản thân sẽ diễn ra một cách tương tự khi bạn đang phải đối mặt với những thất bại, khó khăn hoặc chỉ là bạn nhận ra điểm gì đó không hài lòng ở chính mình. Trong khoảnh khắc đó, thay vì việc lờ đi nỗi buồn, sự thất vọng và mang chiếc “mặt nạ” bình tĩnh, cứng rắn như không có gì xảy ra, bạn sẽ dừng lại hít thở thật sâu và tự nói với mình rằng: “Làm cách nào để chăm sóc, an ủi bản thân để vượt qua khó khăn này?”

Nói cách khác, thay vì chỉ trích hay đánh giá bản thân vì những thiếu sót, tự trắc ẩn là khi đối mặt với những thất bại của mình, bạn sẽ phản ứng bằng cách thấu hiểu và tử tế với chính mình như khi bạn thấu hiểu và tử tế với một người khác.

Sức mạnh của lòng trắc ẩn với bản thân

Lòng tự trắc ẩn giống như là một “phương thuốc” giúp bạn nâng cao sức khỏe tinh thần.

1. Tự xoa dịu bản thân

Tự trắc ẩn có thể xoa dịu bản thân

Về mặt sinh lý học, lòng trắc ẩn có thể giúp bạn xoa dịu hệ thần kinh để giảm bớt lo lắng và căng thẳng. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy rằng những lời nói tử tế, lời an ủi hoặc sự tương trợ nho nhỏ từ một người bạn có thể giúp xoa dịu tinh thần. Tự mang lại cảm giác quan tâm, ấm áp cho bản thân cũng có tác dụng tương tự.

Tiến sĩ Kristin Neff, người tiên phong trong nghiên cứu về tự trắc ẩn cho rằng giống như nhận được lòng trắc ẩn từ người khác, tự trắc ẩn có thể kích hoạt giải phóng oxytocin, một chất làm tăng cảm giác tin tưởng, an toàn và bình tĩnh. [1]

2. Nâng cao lòng tự trọng

Lòng tự trọng liên quan đến nhận thức về việc chúng ta thích bản thân mình. Sẽ rất hữu ích khi bạn dừng lại và coi những sai lầm của mình như một điều gì đó nằm ngoài dự tính, thay vì cho rằng nó phản ánh con người của bạn. Từ quan điểm đó, bạn sẽ dễ dàng nhìn nhận bản thân tích cực hơn. Có lòng trắc ẩn, bạn sẽ không cần phải làm tốt hơn những người khác để cảm thấy bản thân mình tốt.

3. Hài lòng hơn về cuộc sống

Khi bạn không dành thời gian để tự phê bình bản thân, bạn sẽ có thể tận hưởng cuộc sống của mình một cách trọn vẹn nhất.

Nếu chúng ta có thể coi những sai lầm và thất bại là bàn đạp để phát triển và học hỏi thay vì là sự phản ánh tiêu cực về bản thân mình, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tận hưởng cuộc sống bên những người bạn yêu thương

Dành ít thời gian hơn dành cho việc nhặt nhạnh những sai sót và đắm chìm trong những lỗi lầm cũng có nghĩa là bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho những điều bạn thích và dành thời gian cho những người bạn yêu thương.

4. Cải thiện mối quan hệ xung quanh

Tự trắc ẩn sẽ khiến các mối quan hệ xung quanh tốt đẹp hơn bởi khi chúng ta càng tử tế và kiên nhẫn hơn với chính mình thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta càng tử tế và kiên nhẫn hơn với người khác.

Với những lợi ích mà tự trắc ẩn mang lại như cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống, lòng tự trọng…, bạn có thể xuất hiện trong các mối quan hệ của mình với niềm vui và sự lạc quan nhất có thể.

5. Ít lo lắng và trầm cảm hơn

Tự phê bình bản thân liên tục có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của bạn. Khi chúng ta gay gắt hoặc chỉ trích bản thân, điều này có thể đưa chúng ta vào một thứ gọi là “trạng thái bị đe dọa”. Ở trong trạng thái này liên tục có thể gây ra các triệu chứng lo lắng và trầm cảm. Thay vào đó, việc tăng cường lòng trắc ẩn trước những sai lầm và khó khăn sẽ giúp chúng ta giảm bớt một số lo ngại về sức khỏe tinh thần.

6. Tăng động lực chấp nhận rủi ro

Bạn sẽ ít sợ phải đối mặt với thất bại

Chấp nhận rủi ro có nghĩa là luôn biết rằng bạn sẽ có khả năng cảm thấy thất vọng hoặc thậm chí là thất bại, điều này có thể đáng sợ, đặc biệt đối với những người luôn có sự tự tin cao.

Khi bạn ít sợ đối mặt với thất bại hơn, bạn sẽ dễ dàng xông pha để khám phá những thứ mới. Có lòng trắc ẩn và nâng cao nhận thức về bản thân giúp bạn dễ dàng chấp nhận, hiểu rõ khả năng thất bại của chính mình và có thể sẽ bạn sẽ nhận ra, hóa ra chúng cũng không phải rào cản lớn đáng lo ngại.

7. Thúc đẩy tư duy cầu tiến

Có lòng nhân ái đối với bản thân có thể khiến bạn cảm thấy ít bị tổn thương hơn và có thêm nhiều động lực, khả năng xử lý những thất bại hoặc sai lầm.

Khi bạn có lòng trắc ẩn với bản thân, bạn sẽ có nhiều tự tin hơn để khám phá những điều thách thức ngoài “vùng an toàn”, thế giới quan của bạn.

Rèn luyện lòng trắc ẩn với bản thân

Chúng ta luôn cố gắng giúp đỡ, cảm thông với người khác khi họ khó khăn, đặc biệt là những người chúng ta yêu thương. Thế nhưng, bao nhiêu người trong số chúng ta đối xử thật sự tốt với bản thân mình? Việc suy nghĩ và đối xử bao dung hơn với bản thân nghe có vẻ là một điều đơn giản, nhưng trên thực tế, những điều này có thể cần một chút thời gian và sự kiên nhẫn.

1. Tự nói chuyện tích cực

Khi bạn nhận thấy những suy nghĩ tiêu cực có thể nảy sinh, có một số câu nói tích cực mà bạn có thể sử dụng để tự nhủ mình thay đổi những ý nghĩ không hay đó, chẳng hạn như:

“Mình cũng là con người thôi, và con người thì chẳng ai không phạm sai lầm.”

“Mình quả thực đã sai sót đôi chút, và điều đó chẳng sao cả.”

“Mình đã làm tốt nhất có thể rồi!”

Suy nghĩ tích cực để tự trấn an bản thân mình

2. Không nói lời phán xét

Chuẩn bị sẵn một vài cụm từ khi bạn nhận thấy mình đang phán xét hoặc chỉ trích bản thân.

Ví dụ đơn giản hơn, bạn hẹn hò với ai đó được một thời gian và họ quyết định chấm dứt mối quan hệ. Theo hướng tiêu cực bạn sẽ nghĩ: “Tất nhiên là họ bỏ bạn rồi. Tại sao họ muốn lãng phí thời gian của họ với bạn chứ?...”

Còn lời đối thoại nội tâm đầy lòng trắc ẩn sẽ là: “Không sao. Ai cũng cảm thấy buồn khi một mối quan hệ kết thúc. Bạn đã làm hết khả năng của mình. Giờ làm gì để cảm thấy tốt hơn?”

3. Thiền

Theo thời gian, thiền định có thể tái tạo và điều chỉnh lại bộ não và làm cho nó trở nên tự trắc ẩn và tự xoa dịu bản thân một cách tự nhiên hơn. Bạn có thể tự tìm hiểu một số bài thiền về lòng trắc ẩn với bản thân nhé!

4. Viết nhật ký

Bạn có thể chỉ đơn giản là viết một vài dòng chữ tử tế, mang tính động viên, khích lệ giống như bạn đang viết thư cho một người bạn. Hãy xác định điều gì khiến bạn cảm thấy bất an hoặc cảm thấy không tốt, sau đó có thể hãy viết những dòng bày tỏ sự thấu hiểu và lòng tốt cho chính mình.

Viết những dòng bày tỏ sự thấu hiểu cho chính mình

5. Tự an ủi bản thân

Có thể những cử chỉ đơn giản có thể có tác dụng xoa dịu cơ thể bạn ngay lập tức. Bạn có thể tự ôm  hoặc tự nắm tay mình, điều này sẽ dẫn cơ thể của bạn trở lại ý niệm ngay ở hiện tại và giúp bạn thoát khỏi những cuộc trò chuyện, suy nghĩ tiêu cực trong đầu.

Sau tất cả, có lẽ điều quan trọng nhất là luôn tôn trọng và chấp nhận con người của chính mình. Hy vọng bạn sẽ có một tinh thần lạc quan và có thể dành lòng trắc ẩn cho bản thân nhiều hơn. Bởi trong cuộc sống, đâu ai nói bạn phải thật hoàn hảo chứ?

 

Nguồn tham khảo:

[1] Kristin D. Neff, Self-Compassion: Theory, Method, Research, and Intervention, 2022

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ