Bài viết

6 cách thức dậy sớm ĐƠN GIẢN

31/07/2023 dot 10 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Có phải bạn đã nhiều lần gặp vấn đề với thói quen dậy trễ hoặc “ngủ thêm một chút”? Và điều đó khiến cuộc sống của bạn đôi khi trở nên vội vàng? Trên thực tế việc dậy sớm mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn đó. Bài viết này sẽ đưa ra một vài cách thức dậy sớm không mệt mỏi mà bạn nên biết.

Lợi ích của việc thức dậy sớm

1. Làm việc hiệu quả hơn

Những giờ sáng sớm là thời gian ít bị gián đoạn nhất trong ngày, cho phép bạn tập trung vào công việc một cách hiệu quả hơn. Bạn có thể sử dụng thời gian yên tĩnh này để lên kế hoạch cho ngày, phân bổ thời gian cho các nhiệm vụ cần làm, từ đó nâng cao kỹ năng tổ chức của mình.

Ngoài ra, khi bạn hoàn thành một công việc nào đó cần làm vào buổi sáng sớm, bạn sẽ cảm thấy có nhiều thời gian và tinh thần thoải mái hơn cho các hoạt động khác trong ngày, như học tập, giải trí hoặc tận hưởng thời gian với gia đình và bạn bè. Tất cả những điều này đều giúp bạn tăng năng suất và đạt được thành tựu trong công việc.

Thức dậy sớm giúp làm việc hiệu quả hơn

2. Có thời gian ăn sáng

Bữa sáng là bữa ăn rất quan trọng trong ngày, giúp cung cấp năng lượng cần thiết để bắt đầu một ngày mới. Việc dậy muộn sẽ khiến bạn đôi khi bỏ qua bữa sáng hoặc ăn sáng rất vội vàng khiến cơ thể cảm thấy thèm năng lượng và dẫn đến việc ăn nhiều đường hoặc chất béo trong các bữa ăn khác để cảm thấy no ngay lập tức. Điều này có thể dẫn đến tăng cân và các vấn đề sức khỏe khác.

Ngoài ra việc có thời gian chuẩn bị bữa sáng đúng cách cũng giúp cải thiện chế độ ăn uống và sức khỏe. Bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng sẽ giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện tập trung và tăng năng suất làm việc. Vì vậy, việc dậy sớm để có thời gian chuẩn bị bữa sáng lành mạnh giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và tăng hiệu suất làm việc.

Dậy sớm giúp bạn có thời gian chuẩn bị bữa sáng

3. Không bị căng thẳng

Thức dậy sớm giúp bạn có thời gian để sắp xếp công việc và tránh bị áp lực trong việc hoàn thành chúng. Bạn có thể thực hiện các hoạt động giảm stress như tập yoga, thiền hoặc đọc sách để giảm căng thẳng và tạo ra tâm lý thoải mái để sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong ngày..

4. Nhiều năng lượng hơn

Khi bạn thức dậy sớm và có một giấc ngủ đủ, cơ thể bạn có thể hoàn thành các giai đoạn của chu kỳ giấc ngủ và giải phóng các hormone tăng trưởng, giúp tăng cường sức khỏe và năng lượng.

Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào việc bạn có thực sự được ngủ đủ giấc hay không và chất lượng giấc ngủ của bạn. Nếu bạn thức dậy sớm nhưng không có giấc ngủ đủ hoặc giấc ngủ của bạn bị gián đoạn, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng trong suốt ngày. Bởi vậy nếu muốn thức dậy sớm cảm thấy khoan khoái thì hãy ngủ đủ giấc nhé.

Dậy sớm giúp chúng ta có nhiều năng lượng hơn nếu ngủ đủ

5. Hạnh phúc hơn

Khi bạn thức dậy sớm, bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích từ nhiều thói quen tốt, giúp bạn tràn đầy năng lượng. Hơn nữa việc dậy sớm cũng giúp bạn ngủ sớm hơn từ đó cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, giảm căng thẳng và hạnh phúc hơn. Trên thực tế, theo một nghiên cứu [1] những người trưởng thành ngủ sớm và dậy sớm có trạng thái tinh thần tích cực hơn những “cú đêm” và dậy muộn.

7 cách đơn giản để thức dậy sớm không mệt mỏi

1. Bắt đầu từ từ

Nếu bạn thường thức dậy lúc 8 giờ sáng và quyết định rằng ngày mai bạn muốn ra khỏi giường lúc 5 giờ sáng, thì đến hơn 90% là thất bại hoặc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và uể oải khi dậy sớm đột ngột. Thay vào đó, hãy thử thức dậy sớm hơn 15 phút mỗi ngày trong vòng một tuần. Hãy bắt đầu từ từ để tạo lập thói quen dậy sớm.

2. Duy trì thời gian dậy nhất quán

Một trong những cách thức dậy sớm mà không buồn ngủ đó là duy trì thời gian dậy. Khi bạn đã tìm ra giờ thức dậy lý tưởng cho mình, hãy duy trì nó một cách kiên định. Tương tự, việc duy trì lịch trình giấc ngủ cũng rất quan trọng để điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể, giúp cho việc ngủ được tốt hơn và dễ dàng hơn khi muốn vào giấc hoặc thức dậy đúng giờ.

Điều này cũng áp dụng cho các ngày cuối tuần, và bạn có thể lên kế hoạch cho các hoạt động vào buổi sáng như đi bộ, tập thể dục hoặc gặp gỡ bạn bè để uống cà phê. Nếu bạn cần nghỉ ngơi nhiều hơn vào thứ bảy hoặc chủ nhật, bạn có thể cho phép thêm một giờ ngủ. Tuy nhiên, nếu bạn ngủ quá nhiều, nó có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể bạn.

Cách dậy sớm không cần báo thức

3. Không ăn quá nhiều trước khi đi ngủ

Cảm giác đói hoặc bụng đầy có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ, đặc biệt là đối với những người dễ bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) vì nó có thể gây ra trào ngược axit hoặc ợ nóng. Do đó, nếu chẳng may bạn thấy đói trước giờ đi ngủ, hãy ăn nhẹ và lành mạnh để kiềm chế cơn đói mà không làm bạn cảm thấy quá no.

4. Tránh uống rượu và caffeine

Uống một tách cafe có thể giúp bạn tỉnh táo, nhưng sử dụng caffeine muộn trong ngày có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm. Bởi vậy thay vì dựa vào nước tăng lực hay cafe khi bạn cần năng lượng, hãy thử những cách như rửa mặt hoặc ra ngoài đi bộ nhanh, hít thở không khí.

Ngoài ra bạn cần tránh uống rượu trước khi đi ngủ. Mặc dù ban đầu rượu có thể khiến bạn buồn ngủ, nhưng các chuyên gia [2] cho biết rượu có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây khó khăn trong việc thức dậy vào sáng hôm sau.

5. Đặt đồng hồ báo thức cách xa giường

Đây là mẹo giúp bạn ra khỏi giường: đặt đồng hồ báo thức xa bạn hơn. Khi báo thức ở ngay bên cạnh bạn trên tủ đầu giường, bạn có thể có xu hướng nhấn nút báo lại và nằm trên giường hơn. Tuy nhiên, đặt đồng hồ báo thức ở phía bên kia của căn phòng buộc bạn phải thức dậy đi ra ngoài tắt nó khi nó bắt đầu kêu.

Để báo thức xa tầm tay là một cách để thức dậy sớm

6. Tránh thiết bị điện tử trước khi ngủ

Sử dụng điện thoại là nguyên nhân khiến nhiều người không thể dậy sớm. Chuyên gia [3] khuyên bạn nên ngừng sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính xách tay và điện thoại thông minh ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ, vì lý do sau:

  • Thứ nhất, các thiết bị này phát ra ánh sáng xanh ảnh hưởng đến sản xuất melatonin, một hormone tự nhiên giúp thúc đẩy giấc ngủ. Ánh sáng nhân tạo có thể làm giảm quá trình này.

  • Thứ hai, các thông tin khó chịu trên email hoặc mạng xã hội có thể làm tâm trí bạn quay cuồng trước giờ đi ngủ.

Như vậy để giúp bạn dễ ngủ hơn, hãy tránh để các thiết bị điện tử trong phòng ngủ nếu có thể. Nếu điện thoại di động của bạn đóng vai trò là đồng hồ báo thức, hãy để nó ở chế độ không làm phiền và tắt thông báo trong đêm để tránh bị xao nhãng.

7. Mở rèm cửa

Một mẹo nhỏ khác mà bạn có thể cân nhắc là để rèm phòng ngủ hơi mở. Việc này nhằm mục đích khi trời sáng, ánh sáng ban ngày có thể giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và dễ tỉnh giấc hơn. Giống như bóng tối làm tăng sự mệt mỏi, ánh sáng mặt trời thúc đẩy sự tỉnh táo.

Cách thức dậy sớm không mệt mỏi

Kết luận:

Nghỉ ngơi thêm vài phút nữa thôi cũng là điều rất hấp dẫn, nhưng vài cái chớp mắt đó không hề giúp bạn thư giãn hay phục hồi sức khỏe mà đôi khi còn khiến cuộc sống của bạn trở nên vội vàng, bận rộn. Bởi vậy hãy thực hành thức dậy sớm ngay từ hôm nay để đón nhận những điều tốt đẹp nhé.

[1] Renée K. Biss - Lynn Hasher, Happy as a Lark: Morning-Type Younger and Older Adults Are Higher in Positive Affect, 2012

[2] Michael D. Stein - Peter D. Friedmann, Disturbed Sleep and Its Relationship to Alcohol Use, 2005

[3] Joanna A. Cooper, M.D. , Screens and Your Sleep: The Impact of Nighttime Use, 2016

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ